Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Ông Lê Danh Phúc, ở bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) Sơn La làm giàu từ trồng cây ăn quả trên sườn đồi.
Đến với các xã của huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nông dân nơi đây, bởi các loại cây ăn quả năm nay được mùa, bán được giá cao.
Trong câu chuyện về làm nông, ai nấy đều bàn, bảo nhau chuẩn bị cải tạo, tỉa cành, bón phân, chăm sóc cho cây nhãn, cây bưởi, cây cam vừa thu hoạch để vụ sau cho quả to, đẹp, năng suất cao, chất lượng quả tốt, bán được giá cao.
Khi được hỏi về hộ dân điển hình trong canh tác, phát triển cây ăn quả trong vùng ai đấy đều ca ngợi lão nông Lê Danh Phúc, ở bản C5, xã Chiềng Khoong.
Ông là người đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng mới vào canh tác, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Phúc gần như ở gần cuối bản. Tuy là triệu phú nông dân, có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả nhất, nhì vùng nhưng ông vẫn rất giản dị. Chúng tôi gặp ông Phúc trong lúc ông đang tiến hành cắt nhãn bán cho thương lái. Chúng tôi khá ấn tượng với vườn nhãn của gia đình ông, cây nào cây đấy sai lúc lỉu, quả to, vỏ mỏng, cùi dày và nhiều nước...
Khi được hỏi về việc bén duyên với cây ăn quả, ông Phúc tâm sự: Quê ông ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) ông lên vùng đất Chiềng Khoong từ năm 1978.
Lúc đó bà con nơi đây chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên cuộc sống khó khăn, vất vả. Do các loại cây trông ngắn ngày phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và thị trường. Năm được mùa thì lại mất giá. Có những năm, giá ngô, sắn rẻ như cho, nhiều nhà không muốn thu hoạch.
“Thời điểm đó, bên cạnh việc trồng ngô, sắn, gia đình tôi còn trực tiếp thu mua cho bà con. Có những năm được giá, được mùa, mỗi năm gia đình tôi bỏ túi vài trăm triệu đồng.
Nhưng càng về sau, giá ngô, sắn càng ngày càng xuống thấp, cộng với việc đất đai cằn cỗi do canh tác ngô, sắn nên các loại cây ăn quả không còn hiểu quả nữa, thu nhập vì thế càng ngày càng hạn hẹp”, ông Phúc nói.
Là người đam mê với nông nghiệp, không chịu khuất phục trước những khó khăn, quyết làm giàu trên chính mảnh đất mình gắn bó. Năm 2012, sau nhiều lần đi thăm quan các mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình… Ông Phúc quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất đồi trồng cây lương thực kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây ăn quả.
“Hiện nay, gia đình tôi có 10 ha cây ăn quả các loại, trong đó gia đình tôi tập trung phát triển cây nhãn với diện tích trên 5 ha, còn lại là các loại cây ăn quả khác như: bưởi da xanh, cam vinh, mít Thái…” ông Phúc bảo vậy.
Chia sẻ về bí quyết trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Phúc cho biết: Cây nhãn cần được bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng, chủng loại. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây nhãn. Khi phát hiện sâu bệnh hại, tôi tiến hành các biện pháp diệt trừ, đảm bảo cho cây phát triển ổn định, không để lây lan ra diện rộng.
Nhãn sau khi thu hoạch quả nhãn xong, gia đình tôi tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán, xới đất quanh gốc và bón phân cho từng gốc nhãn. Đến khi cây nhãn ra hoa, đậu quả non, gia đình tiếp tục bón thêm một lần phân để cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi quả.
Nhờ chăm sóc tốt, thực hiện đúng kỹ thuật, vườn nhãn của gia đình ông Phúc cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, của hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Môi năm gia đình ông thu về từ 12-15 tấn/ha với giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ngoài loại cây chủ lực là nhãn, ông Phúc còn trồng xen bưởi da xanh, bưởi diễn, cam vinh, mít thái... Mặc dù thời gian sinh trưởng các loại cây khác nhau nhưng các loại cây ăn quả của gia đình ông đều sinh trưởng và phát triển tốt. Cách trồng "lung tung, ôm ồm" mỗi thứ mỗi tý này của ông Phúc khiến nhiều người e ngại khu vườn sẽ biến thành khu rừng tạp, cây không phát triển.
Tuy nhiên, với nhiều loại cây như vậy, theo ông Phúc lý giải, các loại cây trồng xen nhau nhưng không ảnh hưởng đến tầng sinh trưởng của cây cây khác. Ông mong muốn đưa khu vườn trở về với trạng thái cân bằng tự nhiên, các giống cây cộng sinh với nhau, khi đó hệ sinh thái trong trang trại sẽ ổn định, cây trồng khỏe, môi trường sống cũng trong lành, bền vững hơn.
Để đảm bảo năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm, gia đình ông tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ cách bón phân, sử dụng thuốc BVTV hợp lý để không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, bảo vệ được môi trường, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, chất cấm; luôn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng quả nhãn, đảm bảo vệ sinh an toàn
Theo ông Phúc dưới các gốc cây ăn quả của đều được bón các loại thức ăn hữu cơ như: mùn ngô, vỏ đỗ tương, vỏ nhãn, phân chuồng... trên cây treo các loại chai nhựa nhỏ, bên trong có chứa chất tạo mùi để thu hút các loại côn trùng gây hại, nền vườn cây ăn quả của gia đình ông luôn đảm bảo mẫu mã đẹp, chất lượng quả thơm ngon và cho năng suất cao.
Bên cạnh đó, gia đình ông Phúc lắp đặt hệ thống tưới tự động tự động, với phương pháp này sẽ tiết kiệm nước, chống đất bị xói mòn điều đặc biệt là tiết kiệm được thời gian để thực hiện các công việc khác.
Việc lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp người nông dân, không mất thời gian kéo đường ống tưới, bây giờ chỉ cần cái điều khiển cầm trên tai thôi là có thể tưới được cả vườn. Trong thời gian tưới mình vẫn làm được việc khác. Trước kia cứ áp dụng theo phổ thông cứ tưới kéo dây, mình lúc nào cũng cầm vòi tưới thì không làm được việc khác.
Với diện tích 10 ha đất đồi, trồng đủ các loại cây ăn quả, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón, nhờ vậy toàn bộ sản phẩm trái cây của gia đình ông phúc có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trừ tất cả chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình ông thu lời gần 2 tỷ đồng.
Hiệu quả từ mô hình cây ăn quả của gia đình ông Lê Danh Phúc đã được các cấp, các ngành và bà con nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Trong suốt hơn 10 năm qua đã có nhiều đoàn công tác từ các tỉnh sang thăm quan, học tập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.