Nồng nàn rượu hoắng, bánh quê

Nguyễn Giang Thứ tư, ngày 11/02/2015 11:48 AM (GMT+7)
Rượu hoắng (còn gọi là rượu nếp cái), được ủ bằng loại nếp thượng hạng nhất với loại men ngon nhất trong vòng 20 ngày và nếu để càng lâu thì hương vị rượu càng đậm đà. Bởi vậy bà con ở vùng Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) thường bắt tay làm rượu hoắng từ khoảng đầu tháng 12 âm lịch.
Bình luận 0

Bà Hoàng Thị Thu, dân tộc Tày ở Thái Nguyên chọn vùng Lơ Ku để lập nghiệp từ năm 1995 đến nay vừa cẩn thận kiểm tra những thùng ủ rượu hoắng vừa nói: “Tết mà không có rượu hoắng thì đâu còn là tết. Đây là thức uống không thể thiếu của đồng bào các dân tộc phía Bắc từ bao đời nay…”. 

img

Chuẩn bị gạo nếp để làm rượu hoắng. (Ảnh: N.G)

 

Để ủ rượu hoắng, ngoài việc chọn loại nếp ngon còn phải chú ý đến lượng men. Theo bà Thu, ở quê nhà thì men được ủ từ 12 loại lá rừng, nhưng ở đây vì không đủ các loại lá nên phải dùng men thông thường; hương vị bởi vậy sẽ giảm đi…

Sau khi đồ xôi, trộn men, ủ khoảng 2 ngày mới bắt đầu xuống nước ngâm. Rượu ngon hay không phụ thuộc vào cách trộn men. Vì lượng men ít nên rượu hoắng rất ngọt, thơm dịu mà vẫn giữ được vị nồng của rượu... Ngày tết, khi khách đến chơi, chủ nhà mới bắt đầu vắt rượu và nhất định phải uống rượu hoắng bằng những chén sứ tràn đầy để chúc nhau năm mới. Và rượu hoắng còn có thể cho vào ghè, chum… uống theo cách uống rượu cần của bà con Jrai, Ba Na.

Khi chúng tôi đến thăm, trong góc bếp của gia đình bà La Thị Cao (dân tộc Sán Chỉ) ở thôn 1, Lơ Ku, đã chọn sẵn những thùng gạo nếp ngon nhất để làm các loại bánh truyền thống quê nhà. Thường các bà, các mẹ sẽ tập trung làm các loại bánh vào khoảng 27 và 28 tết. Ngoài bánh chưng, bà con các dân tộc đến từ phía Bắc đang sống ở đây còn làm các loại bánh như: Bánh phật, bánh rợm, bánh gio… là các loại bánh bắt buộc phải có trên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày tết.

Mỗi loại bánh có một hương vị riêng và đòi hỏi những kì công nhất định nhưng theo lời tâm sự của bà Cao thì “mỗi loại bánh truyền thống vào dịp tết là mỗi hương vị quê nhà nên không thể làm bánh này mà bỏ bánh kia”… Hương thơm nồng nàn của rượu hoắng, vị ngọt đậm đà của bánh gio, bánh rợm quyện với hương rượu cần, cơm lam bản địa đã cho hương vị tết trên vùng quê mới phong phú, đậm đà thêm bản sắc…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem