3 năm, 3 lần “khóc” lợn chết
Những ngày này, người dân ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) chỉ cầu mong sao người tiêu dùng đừng tẩy chay thịt lợn, giá lợn hơi đừng giảm sâu hơn nữa. Về Bình Lục, hỏi bất cứ người dân nào về tình hình chăn nuôi thì trăm người như một lắc đầu ngán ngẩm: 3 năm 3 lần khóc lợn chết, đợt dịch này chẳng khác nào "đại tang" lợn.
Nhiều trang trại tại "thủ phủ" lợn Bình Lục (Hà Nam) xơ xác sau khi dịch tả lợn châu Phi “quét” qua. Ảnh: T.Q
Trong chuyến thăm một trang trại nuôi trâu, bò công nghệ cao ở Hòa Bình mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của bà con nông dân, nhất là các hộ nhỏ lẻ. Trong khi đó, dịch tả sẽ còn phát triển âm ỉ một thời gian khá dài nữa, vì vậy chúng ta không có chủ trương tăng đàn lợn bây giờ và phải có trách nhiệm nghĩ đến sinh kế mới cho bà con nông dân”. |
Chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam thuộc xã Bối Cầu, huyện Bình Lục có diện tích khoảng 12.000m2, với 41 khu chuồng nhốt, nhiều năm nay được coi là điểm buôn bán lợn lớn nhất miền Bắc. Trước đây, mỗi ngày tại chợ này có tới 1.000 - 1.500 con lợn được giao dịch, với những đoàn xe tải chở lợn đi khắp nơi. Nhưng giờ đây, chợ vắng vẻ, thưa hẳn người mua bán, thương lái đến mua lợn đã ít lại còn chọn lựa, xem xét, trả giá rất kỹ càng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Sang - Trưởng BQL chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam cho biết, hiện trung bình mỗi ngày chợ chỉ giao dịch khoảng 500 con lợn.
"Mặc dù việc tiêu thụ không bị ế ẩm, có bao nhiêu con lợn ra chợ thì bán hết bấy nhiêu nhưng thương lái chọn lựa rất kỹ, giá lợn hơi cũng giảm mạnh, chỉ còn từ 26.000 - 28.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg so với trước khi xảy ra dịch bệnh" - ông Sang nói.
Xã Ngọc Lũ thời điểm năm 2016 là địa phương nuôi nhiều lợn nhất tỉnh Hà Nam, với khoảng 1.600 hộ chăn nuôi, có lúc tổng đàn lên tới 80.000 - 90.000 con, nhưng bây giờ, theo ông Trần Đình Thiện - Chủ tịch UBND xã thì số lượng lợn hiện chỉ còn khoảng 40.000 con, với chừng 300 hộ chăn nuôi.
Sau các trận dịch lở mồm long móng, tai xanh, “khủng hoảng” giá lợn, bây giờ thêm dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn của xã vẫn đang giảm từng ngày. Hết thất bại này đến thua lỗ khác, chăn nuôi bấp bênh lâm cảnh nợ nần, buộc người dân phải “tháo chạy” khỏi con lợn, không ít người bỏ xứ đi làm ăn xa.
Ông Đỗ Thế Trọng - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Lục nêu thống kê: “Đến thời điểm này, 3 xã phải tiêu hủy lợn nhiều nhất là Hưng Công (44.998kg), Bối Cầu (hơn 26.000kg) và An Nội (hơn 36.000kg). Mức giá hỗ trợ tiêu hủy 32.000 đồng/kg đối với lợn thịt và 48.000 đồng/kg đối với lợn nái. Cho đến nay, ước tính thiệt hại mà dịch tả lợn châu Phi gây ra trên địa bàn huyện khoảng 10 tỷ đồng”.
Cứ tạm tính mỗi con lợn xuất chuồng phải chịu lỗ ít nhất 1 triệu đồng như bây giờ thì nhà ít cũng bị lỗ vài ba chục triệu, nhà nhiều lên tới vài trăm triệu đồng. Còn những chủ trang trại lớn nuôi từ nghìn con trở lên, chắc chắn lỗ tiền tỷ.
Gia đình ông Tạ Văn Tề ở Yên Khánh (Ninh Bình) mới bị thiệt hại hàng tỷ đồng sau "bão" dịch tả. Ảnh: Trần Quang
Là hộ đang nuôi trên 1.000 con lợn trong vùng dịch, gia đình ông Phạm Bá Quỳnh ở thôn 1, xã Ngọc Lũ nhiều đêm lo mất ăn mất ngủ. Với giá lợn hơi chỉ khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, nếu bán ngay những con to thì gia đình ông chấp nhận lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg (vì giá thành chăn nuôi đã vào khoảng 40.000 đồng/kg). Với 1.000 con lợn đang nằm trong chuồng, thật sự không dám tính con số lỗ mà gia đình ông Quỳnh sẽ phải gánh.
Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng dự tính không thể giữ số lợn này được lâu. Vì chỉ tính riêng tiền thức ăn hàng ngày, đàn lợn đã ngốn hết hàng chục triệu đồng, và quan trọng là nhà ông cũng đang "hết cửa" để xoay.
"Tôi cố gắng cầm cự thêm ít ngày nữa, rồi thì giá nào cũng phải bán vì càng nuôi càng tốn tiền thức ăn. Nếu lợn bị dịch chết hết thì còn khổ nữa, không lấy đâu ra chỗ mà chôn lợn” - ông Quỳnh nói.
“Chúng tôi biết sống bằng gì đây?”
Đó là câu hỏi mà tôi cứ bị ám ảnh mãi vì không thể tìm ra câu trả lời khi trò chuyện với một nông dân. Anh là N.T.A (xin được giấu tên) ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, đang nuôi gần 1.000 con lợn thịt và khoảng 200 lợn nái. Gọi điện cho tôi, anh T.A than thở: “Chúng tôi chán con lợn lắm rồi, thất vọng vì nó lắm rồi. Tuy lợn nhà tôi chưa bị chết dịch, nhưng các hộ xung quanh thì lợn chết hết rồi. Trắng tay, thê thảm lắm. Giá lợn hơi đã giảm xuống đáy, chỉ còn 27.000 - 28.000 đồng/kg, gần bằng với khủng hoảng giá năm 2017. Giờ tôi muốn tìm hiểu các mô hình làm ăn khác, không biết nuôi gà, trâu, bò có ổn không?”.
Anh T.A cũng cho biết, đợt khủng hoảng giá lợn hơi năm 2017 gia đình anh bị lỗ gần 2 tỷ đồng. Sang năm 2018 gỡ lại được 500 triệu, chưa kịp “hoàn hồn” thì dịch tả lợn châu Phi tàn phá.
Vận chuyển lợn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi đưa đi tiêu huỷ ở Bắc Giang. Ảnh: Trần Quang
“Quanh nhà tôi nhiều người đã phải bỏ xứ đi làm thuê làm mướn lấy tiền trả nợ, trang trải sinh hoạt. Tôi không muốn nuôi lợn nữa vì rủi ro, nhưng bỏ trống chuồng trại đã mất bao công gây dựng, rồi để đất hoang thì không đành” - anh T.A chia sẻ.
Ngay cả các lãnh đạo Bộ NNPTNT bây giờ cũng “không dám khuyên nông dân tái đàn lợn nữa”. Trước đó, khi dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện ở Việt Nam và tấn công hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Cục Thú y, rồi Bộ NNPTNT đều tuyên truyền nông dân áp dụng triệt để biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Nhưng bây giờ, dịch đã lây lan cả sang một số trang trại lớn, có kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh; rồi một số nơi đã công bố hết dịch bệnh, thì chỉ ít ngày sau đã bùng phát trở lại… - những điều này đã khiến bà con nông dân gần như mất niềm tin vào công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Hà Nội chi trả hỗ trợ đạt 32,5%
"Nếu như đầu tháng 5, TP.Hà Nội có khoảng 4.000-5.000 con lợn bị tiêu hủy mỗi ngày thì từ khoảng 20/5 trở lại đây, do dịch bùng lên dữ dội, lan rộng ra nhiều thôn, xã nên mỗi ngày có trung bình 10.000 con lợn phải tiêu hủy, cao điểm nhất có ngày lên tới hơn 13.000 con phải tiêu hủy.
Ước tính tổng thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn đến nay khoảng 470 tỷ đồng (ước theo giá thị trường 30.500 đồng/kg). Tuy nhiên theo thống kê nhanh, hiện, số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại đạt khoảng 32,5%.
Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch khoảng 200 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%)".
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
Đẩy mạnh tuyên truyền dùng thịt lợn sạch
“Bây giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước, các ban, ngành phân tích chính xác tình hình dịch bệnh, chấn chỉnh lại mọi khâu phòng chống, tiêu hủy, kiểm soát và đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích tiêu dùng thịt lợn. Đặc biệt là sớm giải ngân tiền hỗ trợ để "cứu" người chăn nuôi chúng tôi".
Nông dân N.T.A (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
2 vấn đề khó
"Chăn nuôi lợn hiện gặp 2 vấn đề khó khăn: Dịch bệnh và giá cả. Giá xuống thấp dẫn đến lợn tồn rất nhiều. Vòng luẩn quẩn này làm cho sức miễn dịch của lợn đến ngày xuất chuồng đi xuống, dễ nhiễm dịch bệnh. Điều này cũng làm cho nguồn cung cấp con giống, cung cấp lợn cho tương lai cũng khó khăn. Tất cả các yếu tố trên làm cho dịch bệnh tăng thêm, người chăn nuôi bỏ nghề".
Ông Kiều Minh Lực - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CP Việt Nam.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.