Nông thôn mới Hà Giang, số nông dân giỏi tăng, có tỷ phú trồng cam, nuôi lợn rừng thu 3 tỷ/năm

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 25/11/2022 06:06 AM (GMT+7)
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân xuất sắc. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Nhiều điển hình tỷ phú nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Tỷ phú nông dân Nguyễn Đức Nghĩa, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2012, nhận thấy đất đai trong vùng rộng lớn, thuận lợi và phù hợp phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam sành, gia đình ông đã đầu tư, phát triển kinh tế từ trồng cam. Nhờ chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào các khâu trồng và chăm sóc nên vườn cam của ông sinh trưởng, phát triển tốt. 

Nông dân Hà Giang thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, có tỷ phú trồng cam, nuôi lợn rừng thu 3 tỷ/năm - Ảnh 1.

Tỷ phú nông dân Nguyễn Đức Nghĩa, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang chăm sóc vườn cam VietGAP. Ảnh: Ngọc Hải

Có sản phẩm, ông thành lập tổ sản xuất cam VietGAP; tham gia các hoạt động hội chợ, xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam Sành trong và ngoài tỉnh. Đến nay, gia đình ông có 18ha cam các loại, trong đó 12ha cho thu hoạch. Ngoài ra ông còn đầu tư phát triển chăn nuôi gà, cá, trồng rừng kinh tế. Với mô hình trồng cam, chăn nuôi, trồng rừng, ông Nghĩa có doanh thu 2,3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được trên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, 50 lao động thời vụ tại địa phương.

Cùng với tỷ phú Nguyễn Đức Nghĩa, trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo, phát triển kinh tế, trở thành điển hình tiêu biểu như: Ông Nguyễn Công Cương, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) với mô hình chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Ông Lê Văn Bảy, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. 

Hay như ông Sùng Diu Sì, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) trồng cam, chăn nuôi, thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Ông Vàng Thống Cáo, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng... thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Ông Lê Kim Lĩnh, xã Trung Thành (Vị Xuyên) chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm.

Hội Nông dân Hà Giang tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân

Ông Trần Xuân Thuỷ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 115.358 hội viên nông dân. Để đồng hành cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp nông dân như: Hỗ trợ vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ thông tin, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ nông sản; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng mái ấm cho hội viên nông dân nghèo. 

Nông thôn mới Hà Giang, số nông dân giỏi tăng, có tỷ phú trồng cam, nuôi lợn rừng thu 3 tỷ/năm - Ảnh 3.

Các thành viên HTX chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) phơi chè búp tươi, công đoạn đầu tiên để chế biến các sản phẩm chè.

Trong năm 2022, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh cũng được các cấp Hội thực hiện hiệu quả. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức các Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 7.300 lượt người; giới thiệu việc làm thành công cho trên 1.500 người. 

Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết việc làm cho 17.566 lao động thôn (trong đó tại địa phương là 3.700 lao động; đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 13.866 người). 

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Cùng với việc đào tạo nghề, khi hội viên nông dân bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế từ lớp đào tạo nghề, các cấp Hội Nông dân thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, phân bón, cây con giống. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tỉnh Hà Giang đã giải ngân cho 423 hộ vay vốn với tổng số tiển trên 8,4 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, tạo điều kiện cho các hộ nông dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay do Hội quản lý là 1.074 tỷ đồng với 23.349 hộ vay.

Bên cạnh đó, với mục đích xây dựng "mái nhà" chung để hội viên nông dân trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cách làm ăn, gắn bó, liên kết để phát triển thế mạnh của địa phương theo hướng bền vững, cùng giúp nhau làm giàu, các cấp Hội xây dựng kế hoạch thành lập mới được 11 chi hội và 71 Tổ hội nông dân nghề nghiệp. 

Nông thôn mới Hà Giang, số nông dân giỏi tăng, có tỷ phú trồng cam, nuôi lợn rừng thu 3 tỷ/năm - Ảnh 4.

Nhân dân làm đường bê tông nông thôn tại xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)

Tính đến nay toàn tỉnh Hà Giang có 82 chi hội và 334 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 4.544 thành viên tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình liên kết trồng gừng xuất khẩu sang Nhật Bản, liên kết trồng Củ cải và rau hữu cơ tại huyện Xín Mần; mô hình liên kết trồng và thu mua sản phẩm từ cây gừng, phương án trồng rau Bắp cải vụ sớm, hỗ trợ trồng rau, hoa theo chuỗi giá trị tại huyện Vị Xuyên; mô hình trồng Dâu tây, Bắp cải vụ Xuân - Hè tại huyện Đồng Văn; mô hình sản xuất gạo hữu cơ, liên kết trồng cây Bí ngô, trồng sả gắn với chưng cất tinh dầu tại huyện Bắc Quang… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân.

Nhờ được hỗ trợ hỗ trợ, đào tạo bài bản, nông dân Hà Giang đã tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân phát động, nhất là phong troà nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2022, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã vận động trên 68.000 hộ (chiếm 60% tổng số hộ hội viên nông dân) đăng ký hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. 

Các cấp Hội cũng đã lựa chọn xây dựng các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đồng thời vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất. 

Trong 9 tháng của năm 2022, các cấp Hội đã vận động hộ SSKD giỏi giúp đỡ 321 hộ nghèo bằng hiện vật (cây, con giống, vật tư, phân bón) với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng. Tổ chức ra quân giúp các hộ hội viên nghèo 943 ngày công; hướng dẫn kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản... cho trên 650 hộ.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Hà Giang đã góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem