Nông thôn mới Hải Dương, dân Kim Thành "biến" rác thải thành phân hữu cơ, sạch nhà, tốt ruộng vườn

Nguyễn Việt Thứ năm, ngày 23/02/2023 07:09 AM (GMT+7)
Mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" được các cấp Hội Nông dân huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) triển khai, bước đầu đã có kết quả, tác dụng sạch làng, tốt ruộng, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0
Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 1.

Việc thu gom, ủ rác thải thành phân hữu cơ đã góp phần hình thành ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải trong một bộ phận gia đình cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Kim Thành. Hơn nữa, khi đã hình thành thói quen nề nếp, tự giác, mô hình thu gom rác thải hữu cơ, xử lý thành phân bón góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới Hải Dương.

Biến rác hữu cơ thành phần bón cho cây trồng

Khi Hội Nông dân xã Tuấn Việt triển khai thí điểm mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" ở chi hội nông thôn Cam Đông, bà Nguyễn Thị Sinh, chi hội trưởng chi hội nông dân nhận tham gia thực hiện thí điểm mô hình. 

Khi thực hiện thí điểm, bà được Hội Nông dân cấp trên tập huấn phương pháp phân loại rác thải, kỹ thuật ủ men vi sinh để xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, bà còn được hỗ trợ 1 thùng đựng rác, 2 kg chế phẩm vi sinh để xử lý rác hưu cỡ.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 2.

Rác hữu cơ được bà Sinh cho vào thùng đựng rác để ủ thành phân bón. Ảnh: Nguyễn Việt.

Bà Sinh về hướng dẫn chồng và các con về việc phân loại rác thải và cách xử lý ủ men vi sinh để cùng thực hiện. Khi phân loại rác, đối với rác hữu cơ sẽ được bà cùng các thành viên trong gia đình mang đổ vào thùng đựng rác, còn rác vô cơ như: túi bóng, đồ nhựa, đồ thủy tinh sẽ được gom vào một chỗ đến lịch mang rác ra cổng để người đi thu gom rác đến mang đi.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 3.

Bà Sinh đang giới thiệu công dụng của chế phẩm men vi sinh để xử lý rác cho người dân trong xóm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đối với rác hữu cơ sau khi cho vào thùng đựng rác, cử rác dầy lên 20 cm, bà lại rắc chế phẩm men vi sinh rồi đảo đều, đậy lắp cận thận không để mùi phát tán ra không gian. Đủ thời gian ủ từ 3 – 6 tháng, lúc này rác đã hoai mục thành phân hữu cơ, bà lấy ra cho vào bao trữ để dùng bón cho cây trồng.

Bà Sinh cho biết: Từ khi thực hiện mô hình này, nguồn rác hữu cơ đã được gia đình tôi xử lý thành phân bón dùng vào việc chăm sóc cây trồng, cải tạo đất và góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí trong việc mua phân bón. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất đó là góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí cho nhà nước trong việc xử lý rác thải.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 4.

Rác hữu cơ được đổ vào thùng đựng, sẽ được bà Sinh rắc chế phẩm men vi sinh để ủ thành phân bón. Mô hình ủ rác hữu cơ thành phân bón đã góp phần thực hiện tiêu chí về vệ sinh, môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Việt

Cũng theo bà Sinh cho biết: Ngoài gia đình bà tham gia thí điểm mô hình, trong chi hội nông dân thôn Cam Đông còn có 19 hộ gia đình khác cùng tham gia mô hình. Chúng tôi cũng lựa chọn mỗi xóm vài hộ tích cực, có ý thức trong việc thực hiện thu gom, phân loại xử lý rác thải để tham gia thí điểm. Để từ đó, tuyên truyền nhân rộng đến các hộ dân ở các xóm.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 5.

Phân bón hữu cơ thu được sau thời gian ủ rác hữu cơ được cho vào bao để bón cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Việt.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) cho biết: Đối với xã tôi khi triển khai, chúng tôi đã lựa chọn chi hội nông dân thôn Cam Đông để thực hiện, với 20 hộ tham gia thí điểm mô hình.

Những hộ tham gia mô hình được tập huấn về cách thu gom, phân loại, xử lý rác và cũng được hỗ trợ 1 thùng đựng rác, 2 kg chế phẩm men vi sinh xử lý rác. Nhìn chung, các hộ tham gia thực hiện thí điểm mô hình đều làm tốt việc này. Các hộ sau xử lý rác đã có một nguồn phần bón để chăm sóc cây trồng.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 6.

Bà Sinh bón phân hữu cơ được ủ từ rác cho cây trồng. Ảnh Nguyễn Việt.

Từ mô hình, chúng tôi tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân và đã có thêm nhiều hộ dân tự mua thùng đựng rác, mua chế phẩm men vi sinh để thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại gia đình.

Ông Phạm Văn Toán, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành cho biết: Năm 2021, chúng tôi triển khai thực hiện thí điểm mô hình này ở 2 Hội Nông dân cơ sở là Hội Nông dân xã Tuấn Việt và Hội Nông dân xã Kim Liên. Qua kiểm tra mô hình chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt, được đảng, chính quyền và cán bộ, hội viên ghi nhận. Từ đó làm cơ sở để chúng tôi triển khai rộng đến các Hội Nông dân xã, thị trấn khác trong huyện.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 7.

Bà Sinh vun đất cho cây sau khi rắc phân bón hữu cơ được ủ từ rác. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm 2022, Hội Nông dân huyện Kim Thành tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn nhân rộng mô hình và ra mắt thành lập mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại 8 xã, thị trấn, nâng tổng số mô hình toàn huyện lên 12 mô hình tại 10 xã, thị trấn, với tổng số 1.145 hộ hội viên nông dân tham gia, trong đó xã Cộng Hòa 95 hộ, Cổ Dũng 60 hộ, Tuấn Việt 40 hộ, Phúc Thành 10 hộ, Kim Anh 30 hộ, Kim Liên 300 hộ, Kim Tân 20 hộ, Liên Hòa 90 hộ, Đại Đức 500 hộ và thị trấn Phú Thái 20 hộ.

Ông Toán cũng cho biết thêm: Từ đầu năm 2023 có thêm Hội Nông dân 7 xã đăng ký triển khai mô hình. Lúc đó, chúng tôi sẽ đạt 17/18 xã triển khai mô hình. Chúng tôi sẽ nỗ lực, phấn đấu hết năm 2023 đạt 100% xã, thị trấn trong huyện triển khai mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón.

Cần "mưa dầm thấm lâu", góp phần xây dựng nông thôn mới

Việc thí điểm mô hình thu được kết quả, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã, thị trấn của huyện, những mặt tích cực của mô hình đã thấy rõ, tuy nhiên, để lan tỏa sâu rộng đến toàn dân trong huyện Kim Thành lại không dễ dàng, thậm chí khá khó khăn.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 8.

Ông Ngô Văn Hàng, hội viên nông dân thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt xử lý rác thải hưu cơ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Số xã, thị trấn lan tỏa mô hình để nhiều hộ dân tham gia không nhiều. Chỉ có một số xã như: Xã Kim Liên, năm 2021 khi triển khai có 20 hộ tham gia thí điểm mô hình. Sau đó, thu hút được thêm 280 hộ thực hiện việc phân loại, xử lý rác thành phân bón tại hộ gia đình. Hay như xã Đại Đức đến nay cũng thu hút được 500 hộ tham gia. Còn đa số xã, thị trấn lan tỏa mô hình sâu rộng trong nhân dân còn được ít.

Tìm hiểu được biết nguyên nhân là do: Hiện nay, có nhiều hộ gia đình là vợ chồng trẻ, gia đình ít nhân khẩu lại đi làm công nhân tại các doanh nghiệp nên phát sinh ít rác, đi làm không có thời gian phân loại. Mặt khác, họ căn cứ vào việc đã đóng tiền vệ sinh môi trường hàng tháng đầy đủ, do đó có tâm lý "ngại" phân loại và xử lý rác.

Nông dân Kim Thành ở Hải Dương "biến" rác thải hữu cơ thành phân bón, hiệu quả bước đầu vẫn cần "mưa dầm thấm lâu" - Ảnh 9.

Ông Hàng đảo đều cho rác thấm đều chế phẩm vi sinh xử lý rác. Ảnh: Nguyễn Việt.

Cũng có hộ lại suy nghĩ, khi thực hiện phân loại rác, số lượng rác cần công nhân vệ sinh môi trường thu gom ít hơn nhưng họ vẫn phải nộp tiền rác bằng như khi chưa phân loại rác. Vì vậy, những hộ này không hứng thú khi thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác.

Nhiều hộ có tâm lý "đợi" các cấp hội hay chính quyền địa phương "hỗ trợ" mới thực hiện.

Ông Phạm Văn Toán, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Kim Thành cho biết: Nếu "hỗ trợ" toàn bộ thùng đựng rác, chế phẩm xử lý rác cho toàn bộ các hộ dân trong huyện thì kinh phí rất lớn, trong khi hội không có đủ kinh phí. Hội chỉ xây dựng triển khai mô hình và tuyên truyên, vận động để người dân thấy được hiệu quả để hưởng ứng làm theo.

Clip: Nông dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. Thực hiện: Nguyễn Việt.

"Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về vệ sinh môi trường cần thời gian "mưa dầm thấm lâu". Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo hội viên, nông dân về lợi ích của việc thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. Khi thay đổi nhận thức người dân sẽ tự giác thực hiện và góp phần xây dựng nông thôn mới xanh-sạch-đẹp" – ông Toán cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem