Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền: Em ruột tôi là liệt sỹ, vĩnh viễn gửi lại máu xương ở Quảng Trị
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền: “Tôi có hai em ruột là liệt sỹ, một người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị”
Hà Tùng Long
Thứ bảy, ngày 27/07/2024 06:36 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền cho biết, bà có hai người em ruột là liệt sỹ, một người em ruột là thương binh – nhiễm chất độc màu da cam và mẹ cả (vợ đầu của bố) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền: "Nhà tôi có 2 liệt sỹ, 1 thương bình và 1 mẹ Việt Nam anh hùng"
Đất nước đã hòa bình, đã lặng yên tiếng súng được 49 năm nhưng trong ký ức của nhiều người thì chiến tranh là câu chuyện gây ám ảnh khôn nguôi. Và dù 50 năm hay 60 năm trôi qua đi chăng nữa thì những ký về "một thời đạn bom, một thời hào hùng"… vẫn sẽ nằm trong một góc sâu kín của tâm hồn.
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền năm nay đã bước vào tuổi 72, có nhiều chuyện của ngày hôm qua đã trở thành vệt mờ trong ký ức. Tuy nhiên, những năm tháng lăn lộn trên các chiến trường, bất chấp hiểm nguy, vượt lên gian khó… để mang tiếng hát phục vụ cho các chiến sĩ, thương bệnh binh, thanh niên xung phong và người dân thì vẫn còn rõ mồn một trong bà. Ký ức đó càng đặc biệt hơn bởi trên chiến trường năm xưa, có hai người em ruột của bà đã vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi đôi mươi.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền cho biết, bà có hai người em ruột là liệt sỹ, một người em ruột là thương binh – nhiễm chất độc màu da cam và mẹ cả là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Người em tên là Đinh Văn Phú (em cùng cha khác mẹ), nhập ngũ lúc mười tám đôi mươi. Ngày ông lên đường vào chiến trường, nữ nghệ sĩ cũng đang phải đi làm nhiệm vụ nên chị em không gặp được nhau. Sau này, do chiến tranh loạn lạc nên chị em cũng không có thư từ gì để kết nối, chỉ nghe gia đình nói là em đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trong thời chiến, có nhiều lần đến vùng đất này để làm nhiệm vụ mang tiếng hát phục vụ các chiến sĩ nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền không thể biết được em mình đang ở đơn vị nào, chiến đấu ở đâu để tìm gặp em.
Mãi đến khi em hy sinh, bà mới biết em trai mình đã tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 và hy sinh anh dũng cùng đồng đội tại trận địa ác liệt này. Cho đến nay, dù gia đình đã nhiều lần cố gắng đi tìm phần mộ của em nhưng đều thất bại, bởi máu xương của em khi xưa đã hòa cùng máu xương đồng đội, nằm lại trong nấm mộ tập thể ở thành cổ Quảng Trị.
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền tâm sự, trong suốt mấy chục năm làm nghề, bà được mời đến Quảng Trị biểu diễn không biết bao nhiêu lần. Lần nào đến đây, bà cũng đều ra đài tưởng niệm thành cổ để thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, trong đó có cả em trai bà. Có lần, khi tham gia biểu diễn trong một chương trình tri ân thương binh – liệt sỹ ở thành cổ Quảng Trị thì gặp mưa rất to. Trận mưa như trút nước khiến công tác tổ chức gặp rất nhiều khó khăn. Bà cùng các nghệ sĩ đi trong đoàn lúc đó đã chắp tay khấn xin anh linh các anh hùng liệt sỹ cho trời quang mây tạnh để chương trình được diễn ra đúng như kế hoạch thì trời ngớt hẳn cơn mưa và chương trình diễn ra rất suôn sẻ.
Một người em khác của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền tên là Đinh Văn, hy sinh tại chiến trường nước bạn Campuchia. Người em này là một trong những quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân và dân Campuchia chiến đấu đánh bại chế độ diệt chủng Pol Pot, giành lại đất nước vào ngày 7/1/1979. Ngày đất nước Campuchia giải phóng cũng là ngày em bà vĩnh viễn gửi lại thanh xuân nơi chiến trường nước bạn. Phần mộ của ông sau đó được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tây Ninh và gia đình đã vào đưa ông về an nghỉ tại Phú Thọ. Hàng năm, vào dịp 27/7, 30/4 hoặc dịp giỗ chạp… nữ nghệ sĩ vẫn về Phú Thọ thắp hương cho em trai và các đồng đội.
Mỗi lần đi qua chiến trường xưa là cảm xúc khó tả
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền tâm sự với Dân Việt rằng, bà tốt nghiệp ca hát kịch năm 1966. Sang năm 1967, bà được tham gia trau dồi kiến thức và được vào Quân khu 4 (hồi đó gọi là tuyến lửa). Sau đó, bà vào mặt trận Bình Trị Thiên khi mới tròn 15 tuổi. Bà mang tiếng hát dọc từ miền Bắc tới miền Trung và lớn lên cùng những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Vì thế, mỗi lần đi qua vùng đất năm xưa là chiến trường ác liệt, bà có những cảm xúc rất khó tả.
Nữ nghệ sĩ kể, thời chiến tranh, bà được cử vào phục vụ văn nghệ cho các chiến sỹ trên các tuyến lửa, lúc đó bà đang là một cô bé rất "thấp bé nhẹ cân". Bà hát trên trận địa, bên cạnh chiến hào, trạm y tế dã chiến và cả trong khu nghỉ dưỡng của thương binh.
"Nhớ nhất là mỗi lần chúng tôi đi qua phà, văn công được ưu tiên hát cho các thương binh từ chiến trường ra và lúc nào tôi cũng được công kênh lên đầu tiên để hát cho thương binh. Một người tôi cũng hát, hai người cũng hát.
Rồi hát trong địa đạo, chúng tôi hát dưới ánh đèn măng-xông, hát bằng ống bơ lấy từ chiến lợi phẩm thu được trên chiến trường, mỗi lần hát thì tiếng vang ra. Rồi những năm tháng đó, thuốc gây tê rất hiếm nên mỗi khi có kíp mổ cho thương binh, chúng tôi lại vào hang hát cho thương binh nghe để họ bớt đau đớn. Cứ vớ được câu gì là hát câu đấy, đang hát lại phải dừng lại lấy tay lay lay người thương binh: "Anh ơi! Anh mở mắt nghe em hát này".
Rồi có những lần hát bên kia bờ sông thành cổ Quảng Trị bằng loa bóp. Buồn cười cái là nhiều khi say sưa hát thì quên bóp nên loa lại không phát tiếng, mà để tâm vào bóp loa thì lại quên hát. Những năm tháng ấy, những kỷ niệm ấy luôn sống mãi trong ký ức và tâm thức của tôi", Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền kể.
Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền nói rằng, nếu gợi nhắc về một thời "Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai" thì bà có vô vàn kỷ niệm. Theo đó, ngày xưa bà hành quân là chỉ biết hành quân, không biết mình sẽ đi vào miền Trung hay miền Nam.
"Chúng tôi đi buổi tối, không thể biết xung quanh mình có những ai với ai nên khi đi giữa rừng sâu, cứ giơ tay lên ra hiệu với nhau "Hà Nội đây", "Hà Nam đây", "Hải Phòng đây", "Tuyên Quang đây", "Nghệ Tĩnh đây"… để bắt tay nhau. Tôi cũng giơ tay lên "Thái Bình đây" nhưng không có ai bắt vì lúc đó tôi bé quá, tay không giơ được lên cao nên mọi người không nhìn thấy. Đó là "nỗi buồn" đầu tiên của tôi khi vào chiến trường.
Mỗi lần xe đi qua miền Trung, tôi lại không thể nào ngăn được những dòng ký ức xưa hiện về. Cả tuổi trẻ của tôi xuôi ngược trên con đường ấy, vùng đất ấy. Không có những củ khoai, củ sắn, không có những người dân nơi ấy che chở thì tôi cũng đã vùi sâu dưới lòng đất lạnh rồi.
Nhiều lần về hát cho các anh hùng liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Việt Lào, Bình Phước… trong ngày 27/7 mà tôi nổi da gà. Có những lần tôi đang đứng hát thì có cảm giác như ai đó đang nắm lấy tay mình, vừa hát, vừa nổi gai óc rồi nước mắt cứ thế bộc trào ra. Đó là những khoảnh khắc thiêng liêng vô cùng với người nghệ sỹ đã gắn cả đời mình với tiếng hát như tôi", Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền kể thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.