Chiều qua (30/10), Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, NSND Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; ông Đặng Trần Cường - Giám đốc Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Điều mà nhiều người thắc mắc là vậy khi NSND Xuân Bắc làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì nguyên Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly sẽ được điều động hoặc bổ nhiệm vị trí công tác mới ở cơ quan nào.
Theo nguồn tin riêng của Dân Việt, NSND Trần Ly Ly sẽ được điều động, bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Học viện Múa Việt Nam. Lễ công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm NSND Trần Ly Ly cùng một số nhân sự khác sẽ được tiến hành vào thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh rằng, việc điều động và chuyển đổi vị trí công tác là việc làm bình thường, thường xuyên trong công tác cán bộ, đã được các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện một các đồng bộ và quyết liệt. Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL đã thảo luận các phương án điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ các quy trình, thủ tục theo quy định.
NSND Trần Ly Ly được bổ nhiệm chức vụ Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn vào tháng 2/2022. NSND Trần Ly Ly là nữ lãnh đạo đầu tiên của Cục này và người tiền nhiệm là NSND Nguyễn Quang Vinh.
Trong thời gian làm Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly đã có đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Những ngày đầu mới "chân ướt chân ráo" về nhận công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly đã "ăn ngủ cùng SEA Games 31" trong vai trò Tổng Đạo diễn chương trình Khai mạc - Bế mạc SEA Games 31. Chương trình mang tới bữa tiệc công nghệ - nghệ thuật - văn hóa mãn nhãn khiến khán giả trong nước và cộng đồng quốc tế khen ngợi.
Riêng năm 2023, Cục Nghệ thuật biểu diễn dưới sự chỉ đạo của Q. Cục trưởng Trần Ly Ly đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như: Tuồng, Dân ca kịch, Chèo, Múa rối, Múa và kịch nói, Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, Hát thính phòng, Nhạc kịch... Các cuộc thi đã thu hút đông đảo những người làm nghề, qua đó phát hiện tài năng biểu diễn trong các lĩnh vực; kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật.
Đó cũng là dịp "kiểm đếm" đội ngũ sáng tạo và tác phẩm, giúp cơ quan quản lý đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật và đưa ra những phương thức hoạt động mới, giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy các loại hình nghệ thuật phát triển phù hợp thực tế đời sống xã hội…
NSND Trần Ly Ly sẽ được điều động về công tác tại Học viện Múa Việt Nam
NSND Trần Ly Ly sinh tại Hà Nội trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ là diễn viên múa ballet. Khi mới 10 tuổi, Trần Ly Ly bắt đầu học múa chuyên nghiệp và sau đó giành nhiều giải thưởng tài năng múa trẻ toàn quốc vào các năm 1992, 1994.
Sau khi đỗ thủ khoa của Khoa Sáng tác Múa, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Trần Ly Ly nhận được học bổng du học tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc). Sau 7 năm học tập và làm việc tại Úc, Pháp, năm 2003, mặc dù có nhiều lời mời làm việc tại nước ngoài nhưng Trần Ly Ly vẫn quyết định về nước. Hàng loạt tác phẩm múa của Trần Ly Ly ra đời sau đó, gây tiếng vang trong công luận như: One day, Zen, 7X, Yes yes no no…
Cuối năm 2018, Trần Ly Ly rời vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đảm nhận vai trò Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Đến năm 2020, bà chính thức được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc, trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong 60 năm lịch sử của nhà hát này.
Thời điểm làm Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật, Trần Ly Ly đã đưa đến cho công chúng nhiều vở múa, nhạc kịch lớn, là những "bữa tiệc" nghệ thuật hấp dẫn ở thể loại cổ điển lẫn hiện đại như vở ballet: Hồ Thiên Nga, Kẹp hạt dẻ, vở opera Người tạc tượng, Lá đỏ, Maria de Buenos Aires...
Ngay khi công diễn, Hồ Thiên Nga đã tạo "cơn sốt vé", lập kỷ lục về số đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, với 10.000 lượt khán giả. Những người khốn khổ cũng trở thành một hiện tượng nghệ thuật với 15.000 lượt người xem. Không chỉ là con số, sự thu hút của các vở diễn đem lại giá trị vô hình là lan tỏa tinh thần nhân văn, nét đẹp của tâm hồn, của trí tuệ và sáng tạo. Đó cũng là lời khẳng định nghệ thuật múa kinh điển vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Bên cạnh sự nghiệp là diễn viên và biên đạo múa, NSND Trần Ly Ly còn tham dự nhiều sự kiện văn hóa với tư cách chuyên gia, cố vấn nghệ thuật, đạo diễn, tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lớn ở Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2019, Trần Ly Ly được tạp chí Forbes vinh danh "Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam".
Năm 2022, NSND Trần Ly Ly được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm múa: Thiền, Mầm đất, Hạn hán và Dũng sĩ rừng Sác. Đến năm 2023, Trần Ly Ly được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.