Nước nuôi tôm: Xài chung, chết chung!

Thứ sáu, ngày 28/03/2014 07:01 AM (GMT+7)
Bán đảo Cà Mau được xem là “vựa” tôm của cả nước, với diện tích nuôi hàng ngàn héc ta. Thế nhưng nhiều năm nay, vùng nuôi tôm trọng điểm này phải đối đầu với nạn ô nhiễm nguồn nước do hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không đồng bộ.
Bình luận 0
Theo nhận định của ngành chức năng, hầu hết các công trình thủy lợi phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở vùng này hiện nay chủ yếu là của các mô hình sản xuất nông nghiệp trước đây để lại. Điều này dẫn đến một số bất cập gây khó cho bà con nông dân trong việc phát triển tôm nuôi hiện nay. Nghĩa là, một đường mương, một con sông duy nhất phải đảm nhận cùng lúc 2 chức năng là vừa cấp nước, vừa thoát nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm nuôi trong nhiều năm qua chết hàng loạt trên diện rộng.
Hệ thống thủy lợi hiện tại  không đáp ứng được  cho nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống thủy lợi hiện tại không đáp ứng được cho nuôi trồng thủy sản.


Xài chung, chết chung


Theo các chuyên gia trong lĩnh vực NTTS, nếu người nuôi muốn thành công trong từng vụ nuôi thì nhất thiết phải đầu tư làm đường cấp, thoát nước riêng biệt. Xây dựng hệ thống ao lắng để xử lý nước trước khi thả nuôi.

Điều quan trọng nhất là, đối với từng hộ nuôi khi có dịch bệnh xảy ra trên đầm tôm nhà mình thì người nuôi phải áp dụng các biện pháp xử lý triệt để mầm bệnh trước khi xả nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế thì khuyến cáo này chỉ áp dụng được ở những vùng quy hoạch chuyên nuôi tôm công nghiệp. Riêng đối với những vùng nuôi quảng canh cải tiến hay áp dụng mô hình tôm – lúa thì người nuôi không thể làm được điều này do phải sử dụng chung nguồn nước. Do hệ thống thủy lợi phải sử dụng theo kiểu “tự cung tự cấp” (vừa lấy vào và xả ra) nên không tránh khỏi tình trạng tôm nuôi của hộ này bị dịch bệnh xả ra, thì hộ kia lại lấy nước vào thả giống.

Ông Nguyễn Văn Út, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, do hơn 1 ha đất nuôi tôm của gia đình ông nằm trong tuyến kinh cùng, nên nhiều năm qua ông và bà con ở đây phải chịu nhiều thiệt thòi so với các nơi khác. “Vụ tôm vừa rồi gia đình tôi trắng tay. Tính ra tiền đầu tư con giống, nạo vét ao đầm sơ sơ cũng mất vài chục triệu đồng. Tôi cho rằng việc người dân thiếu ý thức trong khâu xử lý nguồn nước trước khi xả ra sông khi tôm gặp bệnh là nguyên nhân chính khiến dịch tôm chết lây lan” – ông Út nói.

Một đường mương, một con sông duy nhất phải đảm nhận cùng lúc 2 chức năng là vừa cấp nước nuôi tôm, vừa thoát nước thải. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm nuôi trong nhiều năm qua chết hàng loạt trên diện rộng.


Việc xài chung nguồn nước khiến nông dân “chết chùm” khi có dịch bệnh xảy ra không chỉ có ở Cà Mau. Ông Trần Văn Hoàng, ngụ ấp xã Hưng Thành, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu nói: “Trong nhiều năm qua, nông dân chúng tôi mong muốn có được một hệ thống nước sạch để phát triển nghề nuôi tôm, nhưng chưa được. Vụ tôm năm 2013, dịch bệnh ít xảy ra, chứ như những năm trước thì xứ này đã có nhiều người bỏ đất đi nơi khác làm ăn vì con tôm”.

Một minh chứng cụ thể cho việc “xài chung, chết chung” này là tình hình dịch bệnh trên tôm trong vụ nuôi 2011 ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, chỉ trong khoảng từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 2011, toàn vùng đã có gần 60.000 ha tôm bị thiệt hại, trong đó tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 20.000 ha.

Thiếu vốn đầu tư thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản

Ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau nhận định, việc nông dân phải sử dụng chung một đường nước để NTTS như hiện nay là một chuyện hết sức nguy hiểm. Vì khi có dịch xảy ra thì mầm bệnh sẽ theo nguồn nước lan rộng ra khắp nơi. Do đó, việc xây dựng một hệ thống thủy lợi khép kín là điều hết sức cần thiết trong phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Dịch bệnh lây lan theo nguồn nước khiến tôm nuôi bị thiệt hại.
Dịch bệnh lây lan theo nguồn nước khiến tôm nuôi bị thiệt hại.

Theo ông Hoai, hệ thống thủy lợi hiện nay chỉ phù hợp với việc phát triển trồng trọt như tiêu úng, rửa phèn, ngăn mặn… Còn đối với hệ thống thủy lợi phục vụ cho NTTS thì phải quy mô và tầm cỡ hơn. Bởi vì, nông dân cần một nguồn nước sạch để nuôi tôm. Cần một hệ thống thủy lợi phải được phân chia ở từng tiểu vùng rõ ràng để chủ động được nguồn nước, khống chế ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan…

Trong nhiều năm qua, Cà Mau đã tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho NTTS. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn vốn đang là vấn đề nan giải hiện nay. Trong 5 tiểu vùng ở phía Bắc Cà Mau chỉ mới có được 1 tiểu vùng với diện tích khoảng 44.000ha là được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh. Còn 4 tiểu vùng còn lại đang phải dở dang trong việc đầu tư để đảm bảo cho mô hình sản xuất một vụ lúa một vụ tôm hiệu quả.

Còn tại Bạc Liêu, trong những năm qua ngành nông nghiệp địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi cho NTTS do thiếu vốn. Với hệ thống thủy lợi cũ, không khép kín, không theo kịp nhu cầu phát triển NTTS hiện nay là một vấn đề nan giải khiến cho con tôm còn luẩn quẩn trong cảnh “tắm chung” một dòng sông bẩn.
Hoàng Hạnh (Trang Trại Việt) (Hoàng Hạnh (Trang Trại Việt))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem