Nuôi bầy ong chả phải cho ăn, nông dân nơi này ở Hà Tĩnh cười tươi vì nhiều mật, bán giá 300.000 đồng/lít

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 09/08/2023 09:13 AM (GMT+7)
Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng sau gần 2 tháng nuôi, đàn ong của các hộ tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phát triển tốt, ổn định đàn và đã cho khai thác được 3 đợt mật ong thơm lừng, năng suất trung bình đạt 1,8 - 2,1 kg/đợt/đàn.
Bình luận 0

Nuôi ong dưới tán vườn cây ăn quả, chỉ ăn phấn hoa, nông dân bán giá 300.000 đồng/lít

Miền Trung những ngày cuối tháng 7 nóng như đổ lửa, chúng tôi theo chân cán bộ khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đến thăm mô hình nuôi ong của ông Nguyễn Hữu Thọ, thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc. 

Không cần mũ lưới, găng tay, ông Thọ nhấc từng cầu ong lên cho chúng tôi chiêm ngưỡng, rồi nói: "Bây giờ đàn ong với tôi như những người bạn thân thiết, gặp nhau hàng ngày nên cũng không sợ bị chúng đốt".

Ông Thọ dáng người nhỏ gầy, nước da đen sạm, hơn 60 tuổi nhưng bước đi thoăn thoắt, ông tâm sự với tôi, trước đây nguồn thu nhập của người dân xã Sơn Lộc chủ yếu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Nhưng vài năm trở lại đây người dân đã biết kết hợp nuôi ong lấy mật dưới tán cây, vừa không mất diện tích đất, lại có thêm nguồn thu nhập.

Nắng như đổ lửa nhưng người nuôi ong ở Hà Tĩnh vẫn cười tươi vì được mùa "mật ngọt", bán giá 300.000 đồng/lít - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) giới thiệu về quy trình nuôi ong lấy mật. Ảnh: Minh Ngọc

Gia đình ông Thọ có diện tích hơn 2ha trồng các loại cây ăn quả như: Vú sữa, cam, bưởi... Ngoài ra ông còn có hơn 2.000m2 ao nuôi ốc nhồi và 50 đàn ong. 

Đứng dưới những tán cây vú sữa, cái nóng bức như dịu lại, hàng trăm con ong từ trong thùng bay túa ra nhưng không làm ai trong chúng tôi thấy hoảng hốt, lo sợ bị đốt, trái lại chúng rất thân thiện và dễ gần.

Ông Thọ cho biết, nguồn thức ăn chủ yếu của đàn ong từ phấn hoa vải, nhãn, bưởi, cam... nên khi cho thu hoạch mật ong đạt chất lượng rất cao. Từ đầu năm đến nay, ông đã thu hoạch được 3 đợt mật, mỗi đợt cách nhau 20 ngày, năng suất mật đạt 2 kg/đợt/đàn. Mật ong từ phấn hoa được ông bán với giá 300.000  đồng/lít.

Theo ông Thọ, nghề nuôi ong lấy mật đầu tư vốn ít và không vất vả. Nhưng khi chăm sóc, người nuôi cần sự tỉ mỉ cũng như nắm được tập tính của ong mật thì sẽ cho kết quả tốt nhất.

Nắng như đổ lửa nhưng người nuôi ong ở Hà Tĩnh vẫn cười tươi vì được mùa "mật ngọt", bán giá 300.000 đồng/lít - Ảnh 2.

Với diện tích 2ha, ông Thọ trồng bưởi, cam, vú sữa và nuôi 50 đàn ong. Ảnh: Minh Ngọc

Để có phương pháp nuôi ong bài bản như hiện nay, bên cạnh kinh nghiệm của bản thân, đầu năm 2023, ông Thọ cùng 9 thành viên trong HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An Nguyễn Văn Kiên cho biết, HTX có 10 thành viên và tất cả đều tham gia dự án nuôi ong lấy mật. 

Trước kia người dân địa phương thường nuôi ong bằng cách bẫy ong tự nhiên sau đó mang về nuôi, nhưng chỉ sau vài lần khai thác mật, quy trình chăm sóc hạn chế nên phần lớn ong bỏ đi. Nhưng từ khi có mô hình hỗ trợ nuôi ong và chuyển giao về mặt kỹ thuật, các hộ nuôi đã nắm được quy trình sản xuất bài bản hơn, ong cho sản lượng mật cao, chất lượng tốt.

Đưa mật ong Can Lộc bay xa

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, khi tham gia mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, người dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống cũng như vật tư, thiết bị khác. 

Nhằm hỗ trợ bà con tham gia hiệu quả, ngay từ khi đưa ong giống về, cán bộ khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn các hộ từ việc lựa chọn địa điểm đặt tổ, giá đỡ và thường xuyên đến kiểm tra quy trình chăm sóc, thu hoạch mật, nhất là việc dưỡng đàn, giữ đàn khi thời điểm hoa ít. 

Nhờ đó, các gia đình đã biết cách chăm sóc, giữ đàn trong mùa khan hiếm hoa, giúp đàn ong không bỏ đi. 

Đến nay, 500 đàn ong trong dự án đang phát triển mạnh, cho năng suất cao, bình quân mỗi đàn cho 1,8 - 2 kg mật/lần thu hoạch. Dự kiến 1 năm sản lượng sẽ thu về 6 - 7 tấn mật, giá bán khoảng 300 - 350 nghìn đồng/lít.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh (đơn vị chủ trì dự án) cho biết, năm 2023 Trung tâm đã xây dựng mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Sơn Lộc với quy mô 500 đàn/10 hộ tham gia. Mặc dù thời tiết ở địa phương nắng nóng kéo dài nhưng sau gần 2 tháng nuôi, đàn ong của các hộ phát triển tốt, ổn định đàn và đã cho khai thác được 3 đợt, năng suất mật đạt từ 1,8 - 2,1 kg/đợt/đàn.

Hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đang hỗ trợ HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hướng dẫn hộ nuôi thiết kế bao bì, nhãn mác đựng sản phẩm phù hợp; thiết kế logo, đăng kí sở hữu trí tuệ; xây dựng video câu chuyện sản phẩm; xây dựng tờ rơi, pano; trang web quảng bá sản phẩm.

Nắng như đổ lửa nhưng người nuôi ong ở Hà Tĩnh vẫn cười tươi vì được mùa "mật ngọt", bán giá 300.000 đồng/lít - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia do ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn đến kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi ong của gia đình ông Thọ. Ảnh: Minh Ngọc

Theo ông Trí, so với cách nuôi ong truyền thống của các hộ trước đây từ nguồn ong giống tự nhiên, ít quan tâm áp dụng các biện pháp kỹ thuật như bổ sung phấn hoa, chống nóng vượt hè (ong thường bốc bay và năng suất mật thấp chỉ đạt 0,9 – 1,1 kg/đợt/đàn) thì sau khi được tham gia mô hình, các hộ đã được tập huấn kỹ thuật, có sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ khuyến nông, được hỗ trợ nguồn ong giống tốt, từ đó các hộ đã tuân thủ thực hiện theo đứng quy trình, hướng dẫn.

"Mô hình bước đầu tạo được vùng chăn nuôi lấy mật có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho các hộ dân và tạo ra vùng sinh thái vườn đồi phát triển, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích", ông Trí khẳng định.

Đến kiểm tra, đánh giá hiệu quả tại mô hình nuôi ong của gia đình ông Thọ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, mô hình nuôi ong của bà con ở xã Sơn Lộc đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế. Với mô hình này, người dân có thể tăng thêm giá trị bằng việc tận dụng nguồn hoa tự nhiên từ rừng bạch đàn, keo, hoa nhãn, vải và các cây ăn quả khác...

"Vùng đất ở đây có dự địa rất lớn để phát triển nghề nuôi ong nên cần nhân rộng để nâng cao thu nhập cho bà con. Để việc tiêu thụ được tốt và ổn định, sản phẩm cần đảm bảo tiêu chuẩn cũng như có mẫu mã, bao bì đẹp nhằm thu hút người tiêu dùng”, ông Lê Quốc Thanh gợi mở.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem