“Vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”, năm 2009, gia đình anh Luấn cũng như nhiều hộ dân ở Bung, đã di chuyển đến nơi ở mới để dành đất cho xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, cách nơi ở cũ chừng 3 km. Theo quy định khi đến nơi ở mới mỗi nhân khẩu được cấp 1.000 m2 đất nương để sản xuất, 5 thành viên của gia đình anh được cấp 5.000 m2.
Nhờ nuôi cá lồng mà kinh tế gia đình anh Luấn khá lên, có thêm điều kiện trang trải cuộc sống
Số đất được cấp gia đình anh Luấn không bỏ tấc nào, bao nhiêu đất anh trồng hết cây ngô, cây sắn để phát triển kinh tế. So với số lượng lao động trong gia đình thì số đất canh tác quá ít, không đủ làm, hơn thế đất dốc nên trồng bao nhiêu ngô, sắn cũng chỉ đủ ăn, không có lời lãi, thậm chí còn lỗ, nhiều năm kinh tế gia đình gặp khó khăn.
Nhìn ra mặt sông thấy nước rộng mênh mông, anh Luấn buồn lắm, muốn nuôi con cá, con vịt nhưng không biết nuôi bằng cách nào? Trước đây chỉ quen nuôi cá, vịt trong ao trũng, chứ đã bao giờ nuôi cá ở chỗ nước nhiều và rộng thế này, lo là cá bơi đi mất. Năm 2013, được chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn cách nuôi cá lồng và hỗ trợ làm lồng nuôi cá trên mặt hồ. Thấy vậy, anh quyết định đánh liều làm 2 lồng cá để nuôi thử xem hiệu quả ra sao.
Gia đình anh còn làm vó bè với kích cỡ mắt lưới đúng quy định để đánh bắt tôm, tép sông làm thức ăn cho cá lồng.
Anh Luấn nói rằng, ai nghĩ nuôi cá lồng lại dễ thế, ngày đó lồng cá chủ yếu làm bằng vật liệu tre, nứa, phía dưới giăng kín lưới, rồi thả cá giống vào, mà cá lớn nhanh như thổi. Chỉ vài tháng nuôi, cá trong lồng đã lớn cỡ vài cân. Hơn nữa thức ăn cho cá, quanh nhà sẵn có, như: Sắn, cây chuối, cỏ và cá tép dưới sông, chỉ cần đem về nghiền nhỏ trộn lại làm thức ăn cho cá. Do cá được nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên được rất nhiều khách hàng, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn đến đặt mua. Lúc này anh Luấn nghĩ, mình không đủ sức làm, sức nuôi cá, chứ nuôi bao nhiêu khách đến mua hết.
Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật đàn cá lồng của anh Luấn lớn nhanh, phát triển tốt
Theo anh Luấn, thu nhập từ nuôi cá cũng gấp nhiều lần trồng ngô, trồng sắn trên nương, thế là anh Luấn tiếp tục làm thêm lồng để nuôi cá. Bằng số vốn tích góp, anh đầu tư mua vật liệu làm lồng kiên cố bằng sắt thay cho lồng làm tre, nứa, mỗi năm anh làm tăng thêm vài lồng. Đến nay anh đã có 43 lồng cá rải trên mặt mặt sông và nuôi 5 loại cá chính: Cá chép, cá trắm, cá lăng, cá nheo và rô phi. Để tăng hiệu quả, anh cũng tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người có kinh nghiệm nuôi cá lồng trước mình.
Theo anh Luấn: Nuôi cá lồng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng ngô, trồng sắn trên nương.
Khi số lượng lồng và số lượng cá nuôi tăng lên, vấn đề anh Luấn lo nhất là đầu ra. Anh tìm đến với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện và lái buôn để liên hệ bán cá. Cũng chính vì cá được nuôi bằng thức ăn tự nhiên, không dùng cám công nghiệp nên nuôi được bao nhiêu cá đều có người mua hết. Mỗi năm anh Luấn xuất bán cỡ vài tấn cá, giá bán trung bình từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/kg, thậm chí giá cao hơn khi trọng lượng của mỗi con cá, loại cá lớn và trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Anh Luấn chia sẻ, để có nguồn thức ăn đủ cho cá và không phải phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, anh đã đầu tư làm 4 chiếc vó bè với kích cỡ mắt lưới đúng quy định được đặt sẵn dưới lòng sông để đánh cá tép dầu, tép mương, tôm sông để làm thức ăn cho cá lồng. Ngoài ra, anh Luấn còn trồng thêm cỏ voi, sắn trên nương và cây chuối xung quanh vườn nhà làm thức ăn cho cá.
Cá tép dầu, tép mương dưới sông là nguồn thức sẵn có để nuôi cá.
“Cỏ voi, lá chuối cho cá trắm; sắn, cây chuối băm nhỏ cho cá chép, cá rô phi, cá trắm; cá tép dầu, tép mương… cho cá lăng, cá nheo, có thể phơi khô hoặc cho ăn trực tiếp đều được. Cá nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên chắc thịt, ăn ngon, nhờ thế mà nhiều khách hàng khó tính cũng tìm đến mua”, anh Luấn cho hay.
Nhờ nuôi cá, thu nhập từ cá mà bây giờ gia đình Luấn đã mua sắm được nhiều vật dụng giá trị, đóng được cả thuyền để đi lại trên sông và phục vụ sản xuất. Không những thế, anh đang chuẩn bị cất một ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà sàn đã cũ, đây là điều mà trước đây gia đình anh chưa từng nghĩ đến. Theo anh Luấn, kinh tế gia đình có được như ngày hôm này đều là nhờ từ nuôi cá lồng mà ra.
Cá tép dầu được anh Luấn phơi khô để làm thức ăn dự trữ cho cá lăng, cá nheo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.