Nuôi cá rô, cá lóc, cá chốt dày đặc trong bồn hệ thống tuần hoàn, dân An Giang trúng lớn
An Giang: Nuôi cá rô, cá lóc, cá chốt trong bồn hệ thống tuần hoàn, dân
Thanh Thảo (Cổng TTĐT tỉnh An Giang)
Thứ sáu, ngày 03/02/2023 19:07 PM (GMT+7)
Hệ thống tuần hoàn là mô hình nuôi cá mới giúp người nuôi cá ở tỉnh An Giang giảm chi phí, quản lý được dịch bệnh và tăng lợi nhuận. Mô hình nuôi cá lóc, nuôi cá rô, nuôi cá chốt hệ thống tuần hoàn còn được xem là thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định sinh kế, vươn lên làm giàu trong thời gian ngắn.
Ông Trần Hải Băng (ngụ Khóm Châu Long 3, phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) từ một doanh nhân chuyên nghề xây dựng, sau khi tìm hiểu mô hình nuôi cá theo hệ thống tuần hoàn, đã mạnh dạn bỏ ra hơn 400 triệu đồng để đầu tư 4 bồn nổi trên mặt đất và 2 ao để nuôi cá trên diện tích 2.500 m2 đất của gia đình.
Trong số này, có 2 bồn lớn có thể tích 100m3, 2 bồn nhỏ thể tích 50m3, để nuôi 3 loại cá rô, cá chốt và cá lóc.
Mỗi bồn, bình quân ông Băng thả nuôi 200 kg giống, giá bán cá giống mỗi kg tùy loại từ 70 ngàn đến 110 ngàn đồng. Sau thời gian nuôi 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch được.
Bồn nổi nuôi cá lóc, nuôi cá rô, nuôi cá chốt theo hệ thống tuần hoàn tại phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Nói về lợi ích của hệ thống, ông Băng chia sẻ: “Hệ thống tuần hoàn có tuổi thọ sử dụng trên 10 năm và đây là mô hình tiết kiệm nước, tiết kiệm diện tích đất, phù hợp với không gian nhỏ hẹp. So với nuôi cá trong ao truyền thống, mô hình hệ thống tuần hoàn này không tốn quá nhiều diện tích ao nuôi.
Về nguyên lý vận hành, hệ thống nuôi tuần hoàn gồm: bồn cá nuôi, có hệ thống đường ống cấp thoát nước được xử lý bằng vi sinh. Trong quá trình nuôi, nước thải được xử lý sạch và được tái sử dụng lại mà không cần thải ra môi trường bên ngoải nên không gây ô nhiểm môi trường. Do vậy vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa tăng hiệu quả sản xuất”.
“Nếu trong quá trình nuôi có xuất hiện dịch bệnh chỉ cần hạ mực nước xuống thấp và xử lý chỉ trong thời gian ngắn là bệnh trên cá đã được trừ xong. Đặc biệt đến khi thu hoạch không cần thuê nhiều nhân công xuống kéo lưới, hay bơm nước ra ao như mô hình truyền thống mà chỉ cần hạ mực nước thấp xuống là thu hoạch được”.
“Qua thời gian tìm tòi học hỏi cụ thể là từ những người nông dân ở Indonesia, để nuôi cá trong bồn hiệu quả, thứ nhất là lựa chọn con giống ở những nơi sản xuất uy tín, chất lượng để đưa về nuôi.
Thứ hai là nguồn nước nuôi xả ra làm sạch lại xử lý bằng vi sinh gọi là tuần hoàn, rồi sử dụng lại nguồn nước đã làm sạch, tiết kiệm được chi phí nước, kể cả chi phí về nhân công. Đồng thời quản lý được dịch bệnh, dễ chăm sóc, và điều quan trọng nữa là cả 3 loại cá này đều rất dễ nuôi, ít bệnh”- Ông Băng chia sẻ thêm.
Cá nuôi đang ăn trong bồn nuôi theo hệ thống tuần hoàn
Ông Băng cho biết: “Vụ nuôi đầu tiên rất hiệu quả, lợi nhuận đạt khoảng 40%. Cụ thể, sau 3 tháng nuôi, giá bán bình quân 45 ngàn đồng/kg cá lóc, còn cá rô giá bán là 37 ngàn đồng/kg, giá cá chốt 120 ngàn đồng/kg, trừ hết chi phí ông thu lãi khoảng 120 triệu đồng”.
Từ thành công với vụ nuôi đầu tiên, ông Băng tiếp tục nuôi nhiều vụ tiếp theo và đến nay các vụ cá lóc, cá rô, cá chốt mà ông Băng nuôi đều mang lại lợi nhuận cho gia đình. Theo ông Băng, mô hình này giúp ông tiết kiệm được thời gian, không cần thường xuyên trông coi.
Ông thuê 1 nhân công cho ăn, cũng như chăm sóc cá mỗi khi ông đi theo công trình ở xa nên ông cũng rất an tâm. Qua nhiều vụ nuôi ông Băng nhận thấy mô hình nuôi này hiệu quả cao hơn so với mô hình sản xuất truyền thống trong ao, hầm.
Hiện nay trong cả nước có rất nhiều mô hình sản xuất thực hiện theo mô hình công nghệ cao bằng hệ thống tuần hoàn nước này, nhưng chỉ áp dụng nuôi lươn hoặc nuôi tôm, hoặc nuôi các loài cá khác. Riêng với mô hình này của ông Băng đã và đang thực hiện có hiệu quả khá cao so với mô hình sản xuất thông thường.
Theo ông Võ Phương Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) nhận xét: “Mô hình nuôi cá công nghệ cao bằng hệ thống tuần hoàn của ông Trần Hải Băng là mô hình được thực hiện đầu tiên tại thành phố Châu Đốc có hiệu quả kinh tế khá cao so với mô hình nuôi cá thông thường.
Qua nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn cho thấy ông Trần Hải Băng là một trong những nông dân có sáng kiến hay trong việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi thủy sản của địa phương”.
Có thể nói, mô hình nuôi cá công nghệ cao bằng hệ thống tuần hoàn của ông Trần Hải Băng đã mở ra một hướng đi mới để nông dân Châu Đốc nói riêng cũng như nông dân ở các vùng lân cận của tỉnh An Giang cùng tham quan, học hỏi.
Qua mô hình, giúp nhiều hộ nông dân mạnh dạn đưa vào sản xuất để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đồng thời góp phần phát triển cho quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.