Nữ 9X Quảng Nam bỏ phố về quê, biến vùng cát trắng thành trang trại rau xanh, lãi 30 triệu/tháng
Nữ 9X Quảng Nam bỏ phố về quê, biến vùng cát trắng thành trang trại rau xanh, lãi 30 triệu/tháng
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ năm, ngày 02/02/2023 18:45 PM (GMT+7)
Giữa miền cát trắng ven biển huyện Thăng Bình, có một nông trại trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của nữ thạc sĩ trẻ Diệp Thị Thảo Trang (30 tuổi, trú thôn Nam Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của địa phương trong thời gian qua.
Mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chị Trang đã thổi "một làn gió tươi mát" về miền cát nóng khô cằn, tạo động lực cho nhiều thanh niên trẻ về quê khởi nghiệp làm giàu, xây dựng quê hương.
Đam mê nông nghiệp sạch
Bước đi giữa những luống rau xanh mơn mởn, chị Trang vui vẻ nói: "Tôi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý hành chính Nhà nước, ra trường đi làm với mức lương khá nhưng luôn ấp ủ niềm đam mê với nông nghiệp sạch.
Sau này, chồng tôi làm ăn thuận lợi với công việc thi công hệ thống rau thuỷ canh và có bạn bè am hiểu về nông nghiệp, công nghệ thông tin, nên họ ủng hộ tôi về quê để khởi nghiệp trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao".
Đầu năm 2021, chị Trang nghỉ việc tại TP Đà Nẵng và chính thức bắt tay vào công việc làm nông tại quê nhà. Vì chi phí đầu tư ban đầu cao, nên chị đã cùng với những người bạn thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình với số vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng. Hợp tác xã có 7 thành viên và chị giữ vai trò làm giám đốc.
Clip - mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chị Diệp Thị Thảo Trang.
Nông trại được xây lên với diện tích 3.000m2, trong đó 400m2 trồng rau thuỷ canh trong nhà kính (nhà màng), phần còn lại trồng rau củ quả hữu cơ và hoa. Toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao.
Theo chị Trang, mô hình trồng rau thuỷ canh tốn nhiều chi phí đầu tư cho hệ thống thuỷ canh, nhà màng, bồn chứa nước, máy bơm nước… nhưng chi phí duy trì thấp, đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả cao.
Thay vì gieo trồng rau trên mặt đất, hạt giống rau thủy canh được nhập khẩu về và ươm trong các cốc xơ dừa hoặc mút xốp. Sau hơn 1 tuần, cây con được tách ra và cho vào các ống nhựa có đục lỗ, nối thành một hệ thống giàn nhiều tầng, không chiếm nhiều diện tích đất lại tiết kiệm chi phí và nhân công.
Nước tưới cho rau được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó chảy xuống ống rồi quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Các chất dinh dưỡng được hoà tan trong nước giúp rễ cây hấp thụ tốt.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn (chồng chị Trang) chia sẻ: "So với canh tác rau truyền thống, thì trồng rau thuỷ canh cho năng suất cao hơn từ 40-50%, thời gian thu hoạch nhanh hơn 10 ngày. Rau được trồng trong nhà màng sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc các chất độc hại và sự ô nhiễm từ môi trường xung quanh".
Quy trình vận hành hệ thống rau thuỷ canh khá đơn giản, được tự động hoá, không phun thuốc kích thích hay thuốc trừ sâu nên độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Rau trồng thuỷ canh ít bị sâu bệnh hại, chất lượng sản phẩm được theo dõi và kiểm soát dựa trên việc điều tiết quy trình và dinh dưỡng phân bón cho rau.
Để thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, vườn chị Trang đã lắp đặt thêm hệ thống phun sương và làm mát tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp giúp cây đạt năng suất tối đa.
Thu lãi 30 triệu đồng/tháng
Tận dụng thế mạnh về công nghệ cao, hợp tác xã của chị Trang đã ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất nông nghiệp. Dù không có mặt tại vườn, nhưng tất cả thành viên đều có thể kiểm tra, điều chỉnh các thông số kỹ thuật thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Khi nền nhiệt tăng cao, thì hệ thống làm mát sẽ tự động kích hoạt lưới che nắng, quạt thông gió, phun sương nhà màng.
Song hành với việc phát triển mô hình trồng rau thuỷ canh, hợp tác xã còn đẩy mạnh sản xuất rau củ quả theo hướng hữu cơ, trồng hoa phục vụ thị trường dịp lễ, Tết. Các giống rau, hoa được trồng thử nghiệm để chọn lọc loại thích hợp với khí hậu miền Trung, đảm bảo nghiêm ngặt quy trình sản xuất nhằm đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Chia sẻ khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chị Trang nói: "Khó khăn lớn nhất là dám liều lĩnh bỏ ra một chi phí lớn đầu tư cho toàn bộ hệ thống từ nhà kính đến thuỷ canh, châm phân tự động… Đặc biệt, người trồng phải có kiến thức chuyên ngành về nông nghiệp và công nghệ, biết xử lý các vấn đề phát sinh, nắm vững kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cây.
Hơn hết là người làm nông nghiệp sạch phải có cái tâm sáng và bản lĩnh khắc phục khó khăn, năng động và sáng tạo để thích nghi với hoàn cảnh, kiên cường vượt qua thiên tai khắc nghiệt".
Bên cạnh các giống rau cải và xà lách nhập ngoại cho năng suất và hàm lượng dinh dưỡng cao, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình còn trồng được nhiều loại rau, củ quả chỉ có ở khí hậu mát mẻ như: dâu tây, cà chua cherry và nova, dưa lưới, dưa baby.... Đặc biệt, trên đất cát khô cằn ấy còn rực rỡ sắc màu của nhiều loại hoa hướng dương, ly ly, đồng tiền, hoa cúc, hoa lavender….
Nhờ đó, hàng năm hợp tác xã đã thu hút gần 4.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi và trải nghiệm thực tế về nông nghiệp sạch. Chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung ứng hơn 2,5 tấn rau, củ, quả ra thị trường với mức giá từ 40.000-80.000 đồng/kg (tuỳ loại), thu lãi gần 30 triệu đồng. Tạo việc làm cho 6 nhân công với mức lương dao động 5.000.000-6.000.000 đồng/tháng.
Với nhu cầu tiêu thụ rau sạch ngày càng cao, các sản phẩm của hợp tác xã được thị trường rất ưa chuộng, có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn… ở TP Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam.
"Thời gian tới, hợp tác xã sẽ liên kết với các hộ dân trên địa bàn để chuyển giao quy trình trồng rau công nghệ cao, hỗ trợ bao tiêu đầu ra giúp nông dân không còn lo điệp khúc được mùa mất giá, giảm diện tích đất bỏ hoang và nâng cao thu nhập cho các hộ dân...", chị Trang chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.