Nuôi hữu cơ, trồng hữu cơ, kiểu làm nông nghiệp ngon, sạch, lạ đang nhân rộng mô hình ở Nam Định
Đây là kiểu làm nông nghiệp ngon, sạch, lạ đang được nhân rộng mô hình ở Nam Định
Mai Chiến
Thứ ba, ngày 15/10/2024 13:31 PM (GMT+7)
Nam Định đặt mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được các vùng trồng trọt đạt chuẩn hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và tiến tới phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững.
Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030", UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Nam Định đặt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và bộ tiêu chuẩn quốc gia có liên quan.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Nam Định xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh gồm: Lúa chất lượng cao, rau các loại, khoai tây, ngô, lạc, cây ăn quả các loại, cây dược liệu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối.
Đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý các cấp có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập huấn cho nông dân kiến thức và các tiêu chí để tiến hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, lựa chọn xây dựng từ 15 - 20 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các loai cây trồng, vật nuôi, thủy sản và sản xuất muối, làm cơ sở xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một đơn vị diện tích, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Định hướng đến năm 2030, là duy trì, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ đã xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2025. Tổ chức thực hiện vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và có 30 - 40 mô hình sản xuất xuất nông nghiệp đạt chứng nhận.
"Phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt của các loại cây trồng chủ lực; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 2 - 3% trên tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt 3 - 5% tổng diện tích nuôi thủy sản; diện tích sản xuất muối hữu cơ đạt trên 50% tổng diện tích muối hiện có. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất và nuôi trồng, sản xuất hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ", lãnh đạo Sở NNPTNT Nam Định cho hay.
Khoảng 1.000 ha đất trồng canh tác theo hữu cơ
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Nam Định đã vận dụng linh hoạt nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ…
Tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã hình thành một số mô hình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, với diện tích khoảng 1.000 ha. Trong đó, có một số mô hình sản xuất lúa, rau màu chất lượng cao tại huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên…
Theo ông Chính, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng các dự án, đề tài khoa học công nghệ, làm cơ sở khoa học vững chắc cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất thức ăn, phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy giá trị, kinh nghiệm của sản xuất truyền thống, đẩy mạnh sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, ứng dụng các chế phẩm sinh học, giống kháng sâu bệnh, phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thuốc thú y thảo dược nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hóa chất xử lý môi trường nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Toán (thị trấn Ninh Cường) là một trong những nông dân ở huyện Trực Ninh tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nam Định. Nhiều năm qua, anh Toán kiên trì trồng lúa theo hướng hữu cơ, với quy mô hơn 5ha.
Anh kể, năm 2017, anh có dịp tiếp xúc với một số người bạn đến từ Nhật Bản, được giới thiệu và tiếp cận các tài liệu về phát triển nông nghiệp hữu cơ nên anh đã quyết định cải tạo lại đất trồng lúa của gia đình, chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Để trồng lúa theo hướng hữu cơ, anh Toán thay đổi toàn bộ quy trình, cách thức sản xuất. Toàn bộ diện tích lúa canh tác được chăm sóc, bón phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp với phân hữu cơ vi sinh, giúp cây lúa phát triển tốt, đất trồng được cải tạo.
Trong quá trình chăm sóc, công đoạn làm cỏ sẽ thực hiện thủ công. Đặc biệt, để phòng trừ sâu hại lúa, anh Toán dùng chế phẩm BTMET - nấm 3 màu hoặc chế phẩm sinh học được làm từ ớt, tỏi, gừng..., nhờ đó ngăn chặn được các loại rầy, rệp và các loại sâu ăn lá…
"So với trồng lúa truyền thống, năng suất lúa hữu cơ không chênh lệch nhiều, song chi phí sản xuất giảm, gạo sạch có giá bán cao, gấp 2 - 3 lần so với gạo sản xuất thông thường. Ngoài ra, thị trường đầu ra ổn định…", anh Toán cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.