Nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi, ốc bươu ta) la liệt dưới ao, trai làng xứ Huế bắt bán vô số mà giàu
Nuôi loài ốc ngủ li bì 3-4 tháng, khi thức dậy đẻ liên tù tì, anh nông dân TT-Huế kiếm bộn tiền
Thứ ba, ngày 05/04/2022 13:05 PM (GMT+7)
Tập tành thử nghiệm ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, Đặng Tài Thi (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen, mang lại nguồn sinh kế mới và ổn định.
Khác với ốc bươu vàng là loài ngoại lai phá hoại mùa màng, ốc bươu đen, hay còn gọi là ốc bươu ta là loài có giá trị cao về mặt kinh tế cũng như dinh dưỡng, thường sinh sống ở các vùng ao hồ nước ngọt, đồng ruộng.
Tuy nhiên, do tình trạng ruộng đồng ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu cũng như sự xâm lấn của ốc bươu vàng, các loài thiên địch, ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm.
“Năm 2017, khi còn là sinh viên Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm Huế, mình đã nghĩ đến mô hình nuôi ốc bươu đen này và bắt tay vào nuôi thử nghiệm”, Thi cho biết.
Học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen, sẵn ao đất rộng 100m2, Thi lùng bắt ốc bươu đen ở ruộng gần nhà mang về thả.
Sau một thời gian nuôi và cho sinh sản, số lượng ốc tăng lên 5.000 con. Đến năm 2020, Đặng Tài Thi mạnh dạn mở rộng ao nuôi, nâng diện tích mặt nước lên 500m2, quyết tâm làm giàu từ loại ốc này.
Thi nói: “Nuôi ốc bươu đen tuy khá nhàn và hiệu quả cao, nhưng cũng cần lưu ý nhiều vấn đề. Đó là thiên địch, thức ăn cho ốc, đảm bảo nhiệt độ, môi trường ao nuôi cũng như cách ấp trứng, ươm ốc con và cho sinh sản”.
Ốc bươu đen có rất nhiều thiên địch, từ chim bìm bịp, gà, vịt, ngan, ngỗng, chuột đến lươn, cá rô, cá chép. Bởi thế, việc bảo vệ môi trường ao nuôi tránh khỏi các đối tượng trên là vô cùng quan trọng. Về nguồn thức ăn, tuy là loài ăn tạp song các loại mướp, bầu bí, khoai môn, thủy sinh như bông súng, rong rêu, bèo tấm đều phải đảm bảo sạch, không có hóa chất.
Sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, trung bình mỗi cặp ốc bố mẹ sau khi ghép đôi sẽ đẻ 2 tổ trứng/mỗi tháng, mỗi tổ trung bình từ 70 – 150 trứng.
Ngoài tạo môi trường cho ốc sinh sản (bằng các loài thủy sinh, khoai môn mọc ven bờ), cần phải thu trứng đúng thời điểm, tránh tình trạng trứng bị ngập nước dẫn đến ung thối.
Đặng Tài Thi nói: “Mình đã thử so sánh ấp trứng và để trứng nở tự nhiên. Trong môi trường tự nhiên, trứng nở chỉ đạt tỉ lệ 5 – 10%, nhưng khi can thiệp ấp nở thì tỉ lệ trứng nở đạt đến trên 90%”.
Trung bình từ khi đẻ, sau 20 ngày trứng sẽ nở. Khi được chăm sóc đúng cách, từ 4 – 5 tháng là có thể bán ốc thương phẩm với khối lượng đạt từ 25 – 30 con/kg.
Hiện tại, ốc bươu đen cung không đủ cầu bởi thị trường khan hiếm, giá bán mỗi kg ốc thương phẩm dao động từ 90 – 100 nghìn đồng. Ốc con 400 đồng/mỗi con và trứng ốc có giá từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg.
Chàng trai sinh năm 1994 còn cải tạo ao nuôi, phát triển ốc thương phẩm bằng mô hình nuôi trên ao bạt chống thấm.
Anh phân tích: “Cùng một diện tích mặt nước nhưng với ao bạt, mình có thể kiểm soát chất lượng nước đầu vào cũng như xử lý chất thải của ốc, hạn chế bệnh do ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, số lượng ốc trên cùng một đơn vị ao nuôi cũng tăng lên rất lớn, mật độ có thể đạt gấp đôi so với ao bùn tự nhiên”.
Thời gian tới, ngoài mở rộng thêm quy mô ao nuôi, Thi còn kết hợp nuôi ốc bươu đen với các loài lưỡng cư. Hiện tại, ốc bươu đen thương phẩm, trứng và ốc giống của Thi được cung ứng cho thị trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ông Đặng Công Nhật Viễn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng An, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết: “Nuôi ốc bươu đen là mô hình mới mẻ và cho hiệu quả cao tại địa phương. Ngoài mang đến thu nhập ổn định, anh Đặng Tài Thi còn hỗ trợ, tư vấn phương pháp nuôi và kỹ thuật ao nuôi cho nông dân muốn học hỏi và thử sức với mô hình này tại Phú Vang, Phong Điền. Đây là hướng đi mới mà Hội Nông dân rất ủng hộ và luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con nông dân phát triển kinh tế, đa dạng hóa vật nuôi cũng như tận dụng lợi thế ao, hồ tại địa phương”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.