Trồng sen lấy ngó, lấy gương dễ bán, nông dân giỏi ở An Giang dễ kiếm tiền

Chủ nhật, ngày 14/08/2022 19:00 PM (GMT+7)
Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nông dân xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… và đạt được những kết quả khả quan.
Bình luận 0

 Từ đây, xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mô hình hiệu quả

Sau nhiều vụ canh tác lúa không mang lại hiệu quả, từ sự vận động của chính quyền địa phương và người thân, ông Trần Văn Đẳng (ấp Hòa Phát) đã mạnh dạn chuyển sang mô hình trồng sen lấy ngó và lấy gương. Mô hình này bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, giúp gia đình ông Đẳng nâng cao thu nhập.

Trồng sen lấy ngó, lấy gương dễ bán, nông dân giỏi ở An Giang dễ kiếm tiền - Ảnh 1.

 Mô hình trồng sen lấy ngó và lấy gương của nông dân xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)

Ông Đẳng cho biết, sen là loại cây dễ trồng, sinh trưởng mạnh, ít tốn công chăm sóc, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, chỉ sau thời gian khoảng 1,5 tháng có thể thu hoạch ngó sen, thời gian thu hoạch kéo dài ít nhất 1 tháng.

Sau khi thu hoạch ngó sen, ông Đẳng chuyển sang thu hoạch gương sen. Khi đã thu hoạch dứt điểm, ông Đẳng chiết lấy cây con, tiến hành cải tạo đất, nhân giống để chuẩn bị cho vụ sản xuất sau. Với cách làm này, ông Đẳng có thể canh tác 2 vụ sen mỗi năm, năng suất, chất lượng ngó sen và gương sen được đảm bảo.

Ông Đẳng chia sẻ: “Với 6 công trồng sen, mỗi ngày tôi thu hoạch 10kg ngó sen, bán với giá trung bình 20.000 đồng/kg, mỗi tháng kiếm được 6 triệu đồng. Ngoài ngó sen, mỗi vụ, gia đình tôi còn thu hoạch khoảng 1,8-3 tấn gương sen, những năm trúng mùa có thể thu hoạch 4,2-4,8 tấn. Nếu tính giá thấp nhất (15.000 đồng/kg đối với ngó sen và 20.000 đồng/kg đối với gương sen), mỗi vụ, gia đình tôi thu về lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng sen lên gấp đôi để tăng thu nhập”.

Không chọn cây sen, ông Lê Minh Luân (ngụ ấp Hòa Lợi) phát triển mô hình nuôi chim bồ câu gà. Mô hình đã đem về thu nhập cho gia đình ông Luân trên 100 triệu đồng/năm. Trước đây, ông chỉ nuôi chim bồ câu để làm cảnh. Nhận thấy nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn về loại chim này càng cao, ông Luân mạnh dạn xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng thương phẩm, đồng thời thả nuôi 500 cặp chim bồ câu gà. Ông Luân cho biết, chim bồ câu gà rất dễ nuôi, sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh. Nuôi loại chim này cũng không mất nhiều thời gian, vốn đầu tư ban đầu không lớn, lại ít rủi ro...

“Mỗi ngày, tôi dành thời gian khoảng 2 giờ để chăm sóc, bao gồm việc cho ăn uống, vệ sinh chuồng trại... Thức ăn cho chim bồ câu gà cũng dễ tìm, chủ yếu là lúa trộn thức ăn công nghiệp để bổ sung dinh dưỡng cần thiết. Mỗi tháng, tôi xuất chuồng 200 cặp chim bồ câu gà, bán với giá 170.000 đồng/cặp. Mỗi năm, gia đình tôi thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng”.

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Đây là 2 trong nhiều mô hình mà nông dân của xã Phú Hiệp triển khai trong thời gian qua. Bên cạnh đó, còn có các mô hình phát huy hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều nông dân áp dụng, như: Trồng măng tây, sản xuất đa canh, canh tác lúa sử dụng phân nano; trồng cỏ nuôi bò… trong đó có nhiều mô hình được địa phương, nhân rộng.

Theo Hội Nông dân xã Phú Hiệp, nhằm tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thời gian qua, địa phương tích cực tuyên truyền, động viên hội viên nông dân khai thác tiềm năng, thế mạnh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học - kỹ thuật, vật tư nông nghiệp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi nội đồng… góp phần hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng thuận lợi.

Hội Nông dân xã Phú Hiệp còn thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hay trong và ngoài tỉnh; trực tiếp tổ chức lớp dạy nghề theo yêu cầu nông dân, xây dựng và thực hiện các dự án phát triển nghề mới, từng bước giảm dần diện tích sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi mang tính lạc hậu, độc canh, thu nhập thấp… chuyển đổi sang các loại vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp hội viên nông dân đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn các mô hình phù hợp nhằm cải thiện sinh kế. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Phú Hiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động nông dân tham gia vào các hình thức liên kết, gắn với việc ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, góp phần tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của nhà nước và tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ tiên tiến, chương trình khuyến nông, dạy nghề cho lao động nông thôn; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hội đáp ứng yêu cầu phát triển…

Xã Phú Hiệp có diện tích đất nông nghiệp khoảng 1.303ha, đất ao hầm nuôi thuỷ sản khoảng 17,09 ha, diện tích trồng hoa màu 16,13 ha, diện tích cây ăn trái là 26,36ha. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp trên 90% giá trị sản xuất chung, đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm vào cuối năm 2021.

ĐỨC TOÀN (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem