Nuôi tôm sú quảng canh 2 giai đoạn, nuôi tôm rừng ở Cà Mau là nuôi kiểu gì mà nhiều nhà giàu?
Đây là 2 kiểu nuôi tôm đang được nông dân Cà Mau ưa thích, ngành chức năng khuyến cáo nên làm theo
Thứ bảy, ngày 24/02/2024 05:57 AM (GMT+7)
Trước tình hình tôm nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống gặp nhiều rủi ro, ngành nông nghiệp huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi hình thức nhằm tạo giải pháp bền vững và tăng sản lượng.
Qua thống kê, hiện toàn huyện có 661,63 ha/469 hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh (tăng 110,06 ha so với cùng kỳ), đạt 132,33% kế hoạch; 14.070 ha/4.395 hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến (tăng 550 hộ so với cùng kỳ), đạt 100,50% kế hoạch.
Ðặc biệt, tôm nuôi ở Năm Căn đã được nhiều tổ chức cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là tôm sú sinh thái (tôm - rừng), được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng.
Ông Lê Văn Sin, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn (Cà Mau), cho biết, hiện huyện có 25.676 ha nuôi thuỷ sản, với nhiều loại hình nuôi như: quảng canh cải tiến, quảng canh, sinh thái, thâm canh, siêu thâm canh, tôm - cua, tôm - sò huyết, tôm - vọp..., góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân.
Ðể nâng cao năng suất nuôi thuỷ sản, năm qua, các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề, đồng thời triển khai các dự án, mô hình thí điểm về sản xuất trên địa bàn để nhân rộng.
Anh Lê Hữu Nhiệm, ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) thành công với mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước, năm 2023 anh thu về trên 200 triệu đồng.
Hội Nông dân huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) ngoài công tác tuyên truyền, vận động, đã tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nhất là phát triển các mô hình nuôi thuỷ sản phù hợp với thổ nhưỡng.
Thông qua các mô hình, dự án kinh tế, đến nay các cấp hội đã đầu tư xây dựng 25 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân, với số tiền 2,3 tỷ đồng, cho gần 200 hội viên vay; trên 3 ngàn hội viên vay vốn uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ 115,366 tỷ đồng.
“Năm qua, Hội Nông dân huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá tốt việc hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả để phát triển, nhân rộng thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc họp chi, tổ hội.
Phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức 15 cuộc hội nghị, hội thảo, có trên 700 lượt người tham gia; 39 lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật, với khoảng 1.420 lượt người tham dự; thực hiện 7 dự án, với quy mô 174,6 ha/55 hộ; 6 mô hình, dự án, với quy mô 104,3 ha/45 hộ tham gia”, ông Ðặng Thuỳ, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết.
Về định hướng năm 2024, ông Lê Văn Sin thông tin, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất thuỷ sản, phấn đấu tổng sản lượng đạt trên 43.400 tấn, trong đó sản lượng tôm 20.600 tấn.
Theo đó, ngành nông nghiệp huyện chú trọng phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến và tôm - rừng; chỉ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở những nơi có điều kiện gắn với mục đích sử dụng đất và kiểm soát dịch bệnh.
Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến trên diện rộng gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng tốt nguyên liệu cho xuất khẩu. Phát triển nuôi tôm - rừng gắn với sinh thái ở khu vực rừng ngập mặn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật các loại hình nuôi phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình nuôi tôm; tổ chức hội thảo và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.