Ở Bạc Liêu có một nhà sư có cách làm du lịch hay khiến ai đến chùa cũng mê

Thứ sáu, ngày 14/06/2024 05:31 AM (GMT+7)
Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã đến chùa Cái Giá giữa - tên quen gọi của chùa Soryaram, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) để xem đua ghe ngo nhỏ (9 người).
Bình luận 0

Mấy ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024 của đồng bào Khmer Nam Bộ vừa qua, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh nô nức đổ về chùa Soryaram (thường gọi chùa Cái Giá giữa, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để cổ vũ cho 29 đội ghe ngo thi đấu trong một giải đua ghe ngo cấp tỉnh lần đầu tổ chức tại ngôi chùa gần 90 tuổi. 

Đây là hoạt động phát huy văn hóa bản địa phục vụ phát triển du lịch của địa phương và cũng là tâm huyết của vị trụ trì chùa - Thượng tọa Lý Quang Long.

Ở Bạc Liêu có một nhà sư có cách làm du lịch hay khiến ai đến chùa cũng mê- Ảnh 1.

Thượng tọa Lý Quang Long - Trụ trì chùa Soryaram giới thiệu với lãnh đạo tỉnh, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) về quán cà phê Bờ hồ trong khuôn viên chùa phục vụ du khách.

Đua ghe ngo trong… chùa!

Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã đến chùa Cái Giá giữa - tên quen gọi của chùa Soryaram để xem đua ghe ngo nhỏ (9 người). 

Những băng rôn căng ngang đường liên huyện, treo dọc lối vào chùa cùng cờ phướn và tiếng nhạc rộn ràng trên loa truyền thanh như giục chân du khách cùng đồng bào Khmer đến với sự kiện thể thao này. 

Sau phần mở màn bằng các tiết mục văn nghệ của các nghệ sĩ Khmer hòa cùng dàn nhạc ngũ âm của chùa, không khí nóng dần lên trong tiếng reo hò của khán giả ngồi chật kín hai bên bờ hồ! 

Tất cả đã thôi thúc các tay chèo mạnh mẽ dồn nước về sau, đẩy chiếc ghe lướt nhẹ trên mặt hồ hướng về vạch đích.

Đã đôi lần vị Trụ trì chùa dẫn tôi đi tham quan quanh hồ và ngồi uống ly nước để chia sẻ về những câu chuyện của đạo lẫn đời. 

Cái hồ được cải tạo từ mấy năm trước, nước thì bơm từ con kinh nội đồng phía sau chùa vô, nên dù mùa nắng hay mùa khô, mặt hồ luôn dềnh dàng. Một quán nước giải khát nhỏ được dựng lên, với vài bộ bàn ghế gỗ xưa, một chiếc cầu lấy cảm hứng từ hình dáng cầu Mỹ Thuận vắt qua 2 bờ hồ, ở đầu bên kia cầu bố trí quầy bán đồ lưu niệm và nhiều nhà sàn bằng gỗ để khách nghỉ chân. 

Ở Bạc Liêu có một nhà sư có cách làm du lịch hay khiến ai đến chùa cũng mê- Ảnh 3.

Đua ghe ngo nhỏ (9 người) cấp tỉnh tổ chức tại chùa Soryaram mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024.

Tâm huyết với du lịch địa phương

Ngồi đây giữa những hàng cây cổ thụ, trong không gian tĩnh lặng của ngôi chùa, có thể nghe cả tiếng lá lao xao và thi thoảng làn gió mang hơi nước từ mặt hồ lên chạm nhẹ vào làn da sẽ mang đến cho du khách một cảm giác nhẹ nhàng, để lại bên ngoài những chộn rộn của cuộc sống thường nhật.

Chùa Soryaram được xây dựng từ năm 1937, là ngôi chùa được tạo lập sau so với 2 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn lại ở xã Hưng Hội.

Cả 3 ngôi chùa gần như nằm trên 1 trục đường, cách trung tâm TP Bạc Liêu chưa đến 10 phút đi xe máy, phù hợp với ai thích du lịch tâm linh, vãng cảnh chùa, tìm hiểu văn hóa cộng đồng Khmer Nam Bộ. 

Mỗi ngôi chùa đều có những vẻ đẹp riêng từ lịch sử và cảnh quan. 

Nếu chùa Ghositaram (chùa Cù Lao) hơn 150 tuổi, có chánh điện đẹp so với 460 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chùa Soryaram, có sân trước rộng rãi, hàng cây cổ thụ, nhiều bức phù điêu rực rỡ màu vàng - đỏ, có tòa tháp lớn thờ nhị vị hòa thượng sáng lập chùa; thì chùa Buppharam (chùa Cái Giá chót) nổi bật với ngôi nhà giảng đường (sala) làm từ 4 loại gỗ quý vào năm 1915 và văn hóa phi vật thể “Chữ viết trên lá cọ”.

Với lợi thế nằm giữa 2 ngôi chùa còn lại, Trụ trì chùa Soryaram - Thượng tọa Lý Quang Long đau đáu với việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy văn hóa đồng bào mình. 

Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Trung ương tổ chức năm 2022 tại Sóc Trăng, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã nêu lên định hướng phát triển du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Có mặt tại Hội thảo, Thượng tọa Lý Quang Long hồ hởi, bởi những dự định của ông phù hợp với “con đường” mà tỉnh vạch ra.

Thượng tọa trăn trở, khách đến Bạc Liêu tham quan thường không lưu trú, kinh tế đêm dường như không có, người dân chưa tham gia nhiều vào hoạt động dịch vụ này. 

Nếu xây dựng điểm du lịch cộng đồng Khmer gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào thành điểm đến du lịch hấp dẫn thì du khách sẽ có thêm lựa chọn, còn văn hóa của đồng bào có thêm môi trường để phát huy. 

Vị Trụ trì nói kỹ hơn: Sau khi tham quan các điểm du lịch điện gió, Quảng trường Hùng Vương, khu Quán âm Phật đài, vườn nhãn trên địa bàn TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình vào ban ngày, tối đến “người phương xa” sẽ đi xe điện đến xã Hưng Hội tham gia chợ phiên, thưởng thức và tập múa theo những động tác đơn giản của điệu Răm vông, Lăm leo hay Saravan, trong tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, ngay dưới mái chùa cổ kính. 

Khách cũng có thể vừa nhấm nháp một ít bánh ớt, bánh gừng truyền thống tại sân khấu quán cà phê Bờ hồ.

Ý tưởng tổ chức chợ phiên vào mỗi cuối tuần quanh khuôn viên chùa, tạo sinh kế cho người dân trong vùng, còn nhà chùa sẽ như một điểm dừng chân cho khách tham quan được lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lợi ủng hộ. 

Bởi ý tưởng này nếu thành hiện thực thì sẽ bổ sung một sản phẩm du lịch cho huyện – một địa phương “mới nổi” trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái. 

Không dừng lại ở đây, nhà sư còn mong muốn chính quyền xem xét hỗ trợ hộ dân đầu tư dịch vụ lưu trú tại nhà người dân bản địa (homestay) để khách du lịch có thêm điều kiện khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của bà con đồng bào dân tộc Khmer.

Những suy tính, trăn trở đó đều hướng đến cộng đồng, quê hương, thêm một lần nữa khẳng định đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của những người con nhà Phật!

Huyện Vĩnh Lợi có thế mạnh về du lịch tâm linh với chùa Hưng Thiện (còn gọi chùa Mẹ Đông Hải, xã Hưng Hội), chùa Giác Hoa ở xã Châu Thới và 3 ngôi chùa Khmer ở xã Hưng Hội. 

Từ thế mạnh này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi - Trương Thanh Nhã cho biết địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và động viên sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm, gắn với phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương phục vụ phát triển du lịch.

Ở Bạc Liêu có một nhà sư có cách làm du lịch hay khiến ai đến chùa cũng mê- Ảnh 8.

Dịch vụ cho cá ăn tại quán cà phê Bờ hồ, chùa Soryaram, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu do Thượng tọa Lý Quang Long trụ trì.

Và mong muốn của Thượng tọa Lý Quang Long cũng chính là “lòng dân” hòa quyện cùng “ý Đảng” trong việc vận động nguồn lực xã hội chung tay cho phát triển du lịch.
















Dưới đáy biển quanh một đảo nổi tiếng ở Kiên Giang thấy la liệt loài động vật hình thù, màu sắc kỳ lạ

Nguyễn Quốc (Báo Bạc Liêu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem