Ở Châu Đốc của An Giang có một cái chợ tên nghe khiến nhiều người mắc cười, đó là chợ gì?

Thứ hai, ngày 24/06/2024 05:35 AM (GMT+7)
Nghĩa của từ kép “chồm hổm” tương đương với xổm, miêu tả hành động ngồi mà mông không đụng đất. Vào khoảng 4, 5 giờ sáng, vài người phụ nữ Khơ-me từ huyện Tri Tôn, thị xã biên giới Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đón xe buýt ra hướng TP Châu Đốc. Đến cái chợ chồm hổm, họ mang theo nhiều quang gánh khá nặng nhọc.
Bình luận 0

Nếu như những ngôi chợ đúng nghĩa, người bán có gian hàng với những quầy hàng cao ráo, thì nhiều ngôi chợ người bán để quang gánh trên mặt đất. 

Lúc đó, người mua ngồi chồm hổm (xổm) để lựa chọn.

Vào khoảng 4, 5 giờ sáng, vài người phụ nữ Khơ-me từ huyện Tri Tôn, thị xã biên giới Tịnh Biên đón xe buýt ra hướng TP Châu Đốc. Họ mang theo nhiều quang gánh khá nặng nhọc. 

Điểm đến của họ là một vỉa hè đường nằm khá gần nhà Lồng chợ Châu Đốc và bày hàng hóa ra bán vào lúc sáng sớm. 

Cái chợ tự phát này, nếu được hướng dẫn tìm dễ nhất là chọn vị trí tiệm cơm Bảy Bồng cũ (bây giờ có thêm Bảy Bồng 2) ngay đường Thượng Đăng Lễ (TP Châu Đốc, An Giang).

Đi vài bước chân gặp ngã ba bên trái, ngay đầu ngã ba là tiệm thuốc Bắc Hiệp Hòa Đường. 

Từ đây đi chừng vài chục bước chân, du khách sẽ bắt gặp những người phụ nữ da ngăm đen, đội khăn rằn ngồi bên các rổ hàng hóa.

Chợ chồm hổm này đã xuất hiện hơn 20 năm qua, chủ yếu bán cho người dân địa phương. Về sau, các du khách hàng hương cũng biết đến và ghé mua những thứ như đậu phộng luộc, khoai lang, măng tươi và măng chua, dâu, rau muống đồng, đọt su hào, rau càng cua, khổ qua… 

Ở Châu Đốc của An Giang có một cái chợ chồm hổm, tên nghe mắc cười, chợ này bán thứ gì?- Ảnh 2.

Chợ chồm hổm của người Khơ-me xuất hiện từ hơn 20 năm trước - Ảnh: Nguyễn Huy.

Tất cả những thứ này đều được trồng và hái từ vùng đất núi. Chồng và con của những người phụ nữ này, mỗi ngày, có nhiệm vụ lên rẫy trên núi để hái những thứ cần bán. 

Với đậu phộng và khoai lang, họ trồng trên rẫy gần nhà. Tất cả những thứ này có thể dễ dàng tìm thấy ở Sài Gòn, tuy nhiên, điểm khác ở đây là sự gieo trồng gần với tự nhiên của bà con người Khơ-me.

Người viết dẫu không dám chắc chắn 100% tất cả những thứ được bán ở đây là rau sạch hoàn toàn.

Nhưng với sự chân chất của người miền Tây nhà quê, mà đặc biệt là người Khơ-me sống trong phum sóc, thì độc tố trong các món này ít hơn rất nhiều lần nếu so với những thứ cùng chủng loại được thu hoạch ở nơi khác. 

Chất lượng món ăn là điều rất đáng được tán thưởng, mỗi một món đều có độ tươi ngon hấp dẫn. 

Ví dụ như khoai lang có vị ngọt nhẹ, đậu phộng bùi, dâu da thì vị ngọt cao hơn phần chua. Các loại rau thì tươi xanh, giòn và ngọt nước. Tuy nhiên, giá mỗi thứ từ 5.000 – 10.000 đồng một ký lô hay mỗi bó.

 Món măng thì hơi có giá cao hơn một chút. Tất cả những thứ ở đây mua trong ngày mang về Sài Gòn vẫn giữ độ tươi.

Ở Châu Đốc của An Giang có một cái chợ chồm hổm, tên nghe mắc cười, chợ này bán thứ gì?- Ảnh 3.

Các loại rau họ tự trồng

Ở Châu Đốc của An Giang có một cái chợ chồm hổm, tên nghe mắc cười, chợ này bán thứ gì?- Ảnh 4.

Đậu phộng trồng trên nương rẫy dân mang xuống bán tại chợ chồm hổm- Ảnh: Nguyễn Huy.

Điều đặc biệt ở đây mà du khách phương xa không nên bỏ qua là nước và đường thốt nốt. 

Nước thốt nốt được lấy từ bông của cây thốt nốt, một loại cây có vẻ ngoài hao hao cây dừa nhưng thân to, tán lá cứng và rộng, bẹ có gai cứng và sắt.

Tới thời điểm thích hợp, người thợ leo lên đọt cây thốt nốt, dùng dao rạch vào bông để nước nhỏ ra từng giọt. Người thợ hứng nước này trong một cái ống tre. 

Khi nào nước đầy ống người thợ mang xuống, đậy nắp ống tre và giao cho vợ hay con gái gánh đi bán. Mùi nước thốt nốt từa tựa như là mùi khói, còn vị ngọt thanh.

Người ta dùng nước này để nấu thành loại đường thơm ngon trứ danh của vùng Thất Sơn: đường thốt nốt. Đường thốt nốt dùng để kho cá thì rất thơm và màu cá rất đẹp. Loại đường này dùng nấu chè cũng tạo mùi hương độc đáo. 

Ở Châu Đốc của An Giang có một cái chợ chồm hổm, tên nghe mắc cười, chợ này bán thứ gì?- Ảnh 5.

Những người phụ nữ Khơ-me mang những thứ "của nhà trồng được", trong đó có nước và đường làm từ trái thốt nốt cho người dân địa phương và du khách - Ảnh: Nguyễn Huy.

Người Châu Đốc dùng đường thốt nốt nấu bánh bò, và như thế, bánh bò đường thốt nốt thơm ngon khác biệt và đã có nhiều tiệm ăn chay ở Sài Gòn đặt bánh bò thốt nốt Châu Đốc để bán cho thực khách.

Thịt của trái thốt nốt có vẻ ngoài giống như dừa nước nhưng dày cơm và ngọt hơn. Người bán tại Châu Đốc thường dùng món thịt thốt nốt làm món đá đường, nhưng vài nơi tại Tri Tôn và Tịnh Biên bà con Khơ- Me còn biến tấu nó thành món thốt nốt sữa thơm ngon và mát lạnh. 

Nếu như nước thốt nốt có thể tìm thấy ở ngay chợ chồm hổm, hoặc món thịt thốt nốt đá đường có thể tìm thấy trước nhà lồng chợ Châu Đốc hoặc trước và sau lưng miễu bà Bà chúa xứ, thì món sữa thốt nốt khó tìm hơn, phải đi thật xa vô tới tận Tri Tôn cách Châu Đốc tầm 20km.

Ngày nay, khi con người bắt đầu cảnh giác với thức ăn nhanh, thức ăn tẩm hóa chất độc hại, rau củ quả tầm thuốc các loại, thì những thứ bình dân còn giữ bản chất nguyên sơ được ưa chuộng. 

Đã có nhiều người ăn uống theo hướng lành mạnh rất ưa chuộng những loại trái cây và rau củ được bán ở khu chợ chồm hổm xứ Châu Đốc này. 

Đó là những thứ không có vị béo ngậy của mỡ, không chứa quá nhiều đạm từ động vật, và cả cái ngọt lịm quá mức của đường tinh luyện.

Những thức ăn đơn giản này vừa rẻ tiền vừa góp phần gìn giữ sức khỏe của thực khách, và đó là lý do chợ tự phát nhưng có đông người mua.

Huy Nguyễn (Tạp chí Một thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem