Rắn hổ mang, động vật hoang dã to dài nuôi thành công ở Sóc Trăng, bán 800.000 đồng/kg
Một nông dân Sóc Trăng nuôi thành công con động vật hoang dã nguy hiểm, to bự, dài, bán 800.000 đồng/kg
Ngọc Thơ-Vĩnh Lâm (Cổng TTĐT Đài TT Mỹ Tú)
Thứ ba, ngày 25/06/2024 05:17 AM (GMT+7)
Thông thường, sau 15 tháng nuôi, khi rắn hổ mang đạt trọng lượng từ 2kg đến 3kg sẽ được anh Bình, xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) xuất bán với giá từ 750.000 đến 800.000 đồng/kg. Nhờ thực hiện nuôi rắn hổ mang xoay vòng nên trung bình cứ từ 1 đến 2 tháng, anh xuất bán từ 200 đến 300 kg rắn thương phẩm...
Thời gian gần đây, việc gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có con rắn hổ mang được xem là xu thế phát triển kinh tế mới ở tỉnh Sóc Trăng khi vừa mang đến lợi nhuận cao, vừa góp phần làm phong phú thêm vật nuôi tại địa phương.
Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi động vật hoang dã cũng gặp những khó khăn, nguy hiểm, dễ thấy nhất là với mô hình nuôi rắn hổ mang.
Vậy mà bằng sự gan dạ và nhẫn nại, anh Phan Thanh Bình ở ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã thành công khi “thuần phục” được loài vật nuôi nguy hiểm này để cải thiện đáng kể lợi nhuận kinh tế cho gia đình.
Mô hình nuôi con động vật hoang dã-nuôi rắn hổ mang của gia đình anh Bình, nông dân xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).
Gắn bó lâu năm với nghề vận chuyển động vật hoang dã cho một số cơ sở thuộc các tỉnh thành lân cận.
Ít ai ngờ, giờ đây anh Phan Thanh Bình ở ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú đã trở thành chủ trang trại rắn hổ mang có tiếng trên địa bàn huyện Mỹ Tú.
Với xuất phát điểm chỉ đơn thuần là sự thích thú đối với loài vật hoang dã, vậy mà từ 70 con rắn hổ mang giống ban đầu vào năm 2015, đến nay anh Bình đã phát triển được trại nuôi với hơn 800 con rắn hổ mang bố mẹ và gần 14.000 con rắn hổ mang giống.
Thông thường, sau 15 tháng nuôi, khi rắn đạt trọng lượng từ 2 đến 3 kg sẽ được gia đình anh xuất bán với giá từ 750.000 đến 800.000 đồng/kg.
Nhờ thực hiện nuôi rắn hổ mang xoay vòng nên trung bình cứ từ 1 đến 2 tháng, cơ sở anh đều có thể xuất bán từ 200 đến 300 kí rắn thương phẩm.
Một con rắn hổ mang to dài đang nằm ở trong chuồng giương cái đầu lên khi rọi đèn pin vào.
Anh Bình chia sẻ :“ Khi mình đi giao hàng rắn hổ mang cho người ta, thấy con này có vẻ lạ nên mới tính nuôi chơi cho vui thôi, rồi thấy nó mau lớn mà thị trường người ta cũng có nhu cầu tiêu thụ cao nên mới quyết định phát triển luôn thành nghề.
Đối với những con vật nuôi khác thì mình không biết, chứ nuôi con rắn hổ mang này từ nhỏ đến khi nó lớn thì trung bình mỗi con mình lời khoảng 1 triệu đồng”.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trên thị trường ngày càng cao, đặc biệt là tại một số nhà hàng, quán ăn lớn. Ngoài nuôi rắn thịt, anh Bình còn tiến hành nuôi rắn sinh sản để cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu.
Quy trình ấp nở trứng rắn hổ mang khá đơn giản; theo đó, trứng rắn được anh thu gom rồi vùi tự nhiên trong cát ẩm. Sau 60 ngày, số rắn nở ra sẽ được mang đến khu ương dưỡng riêng. Hiện nay, trung bình mỗi con rắn giống có giá bán là 100.000 đồng.
Nhờ nuôi cả rắn hổ mang thịt và nuôi cả rắn hổ mang giống mà trung bình mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận trên 400 triệu đồng.
Cũng theo anh Bình, việc chăm sóc rắn không hề phức tạp. Cách 5 ngày mới vào chuồng cho rắn ăn và kiểm tra rắn một lần; dịch bệnh trên rắn cũng ít khi xảy ra.
Mô hình nuôi rắn hổ mang của anh Phan Thanh Bình đã trở thành mô hình kinh tế nổi bật của xã Mỹ Tú; đồng thời, là địa chỉ tham quan quen thuộc của rất nhiều người dân trong tỉnh Sóc Trăng.
Hiểu rõ đây là vật nuôi khá nguy hiểm, nên các khu nuôi được anh xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận.
Mỗi khu đều được xây dựng bằng đá, có cửa khóa chắc chắn, các hộc rắn cũng được che chắn kĩ bằng lưới sắt mắt nhỏ, đảm bảo không để rắn thoát ra môi trường bên ngoài.
Khi được hỏi về khả năng tiêu thụ rắn hổ mang, anh Bình phấn khởi cho biết: “Mình nuôi ở đây đầu ra rất ổn định.
Từ con giống đến rắn thịt đều không đủ để cung ứng.
Rắn hổ mang giống chủ yếu là xuất bán đi Bạc Liêu và một vài hộ trong huyện, còn rắn thương phẩm là hầu như tỉnh nào cũng có một vài cơ sở thu mua...”.
Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả mà xã Mỹ Tú sẽ triển khai nhân rộng tại những hộ có điều kiện; nhằm cải thiện thu nhập cho bà con địa phương, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên.
Mặc dù là một ngành nghề khá lí tưởng với lợi nhuận kinh tế cao. Nhưng rắn hổ mang được xác định là loài vật nuôi nguy hiểm.
Chính vì thế, hộ nuôi cần có sự am hiểu kĩ càng về quy trình chăm sóc cũng như thực hiện một số thủ tục đăng kí cần thiết khi có nhu cầu phát triển mô hình.
Ông Võ Minh Quân – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú thông tin: “Bà con khi nuôi rắn hổ mang cần phải đăng kí với Chi cục Kiểm lâm để đảm bảo tính an toàn.
Một con rắn hổ mang to bự được đưa từ chuồng nuôi ra ngoài bằng một cái móc sắt.
Đặc biệt chú trọng xây dựng chuồng nuôi phải đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo an toàn cho cả người nuôi và mọi người xung quanh.
Phải có sự hướng dẫn chăn nuôi của cơ quan chức năng, đặc biệt là của ngành nông nghiệp về quy trình kĩ thuật cũng như cách chăm sóc để đạt hiệu quả như mong muốn”.
“Càng nuôi càng mê” là chia sẻ chân tình của anh Phan Thanh Bình về một nghề nuôi mà khi mới nghe qua ai nấy cũng không tránh khỏi sự ái ngại. Với rất nhiều ưu điểm như: dễ chăm sóc, không tốn nhân công hay giá trị kinh tế cao,...
Nuôi rắn hổ mang là một xu hướng phát triển thích hợp trong giai đoạn hiện nay; từng bước góp phần đa dạng giống vật nuôi tại địa phương cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con ở vùng nông thôn.
Tuy nhiên, đảm bảo mọi giải pháp an toàn tuyệt đối khi tiếp cận mô hình vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu mà hộ nuôi cần phải chú ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.