Ở một nơi của Quảng Nam, nông dân "biến" chất thải thành phân gì mà trồng cây tốt um?

Trương Hồng - Nguyễn Hưng Thứ ba, ngày 24/09/2024 05:42 AM (GMT+7)
Nông dân ở Quảng Nam đang tái sử dụng các chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Không những sản xuất thành công phân hữu cơ tốt cho cây, hoa màu mà còn sạch sẽ môi trường.
Bình luận 0

Những năm gần đây, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững theo hướng "tái sử dụng các chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn".

Cây cối dùng "đạm sạch", môi trường trong xanh

Tiên Phước là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Trong những năm qua, Tiên Phước đã có nhiều cơ chế, chính sách giúp người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt như, đề án 02, 03 của HĐND huyện và Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo...

Ở một nơi của Quảng Nam, nông dân "biến" chất thải thành phân hữu cơ tốt cho cây, sạch môi trường - Ảnh 1.

HTX nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng là đơn vị sản xuất các sản phẩm từ trùn quế.

Việc sản xuất các sản phẩm từ trùn quế thông qua sử dụng công nghệ sinh học tái chế các chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trùn quế và từ trùn quế chế biến, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Để giúp người dân phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, hiểu rõ hơn về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, mới đây phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước tổ chức tập huấn triển khai mô hình "tái sử dụng các chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn" cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện.

Tại buổi tập huấn các đại biểu được nghe đại diện hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng hướng dẫn quy trình tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm hữu cơ và mô hình nuôi trùn quế theo hướng đại trà; quy trình tạo ra các sản phẩm hữu cơ từ phế phụ phẩm bằng phương thức lên men và quy trình xây dựng mô hình nuôi trùn quế; kết quả từ việc xây dựng vòng tuần hoàn khép kín, tạo nên các sản phẩm hữu cơ và tác động từ xã hội...

Ở một nơi của Quảng Nam, nông dân "biến" chất thải thành phân hữu cơ tốt cho cây, sạch môi trường - Ảnh 2.

Tập huấn về việc "tái sử dụng các chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn". Ảnh: N.H

HTX nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng có cơ sở tại thôn 7a, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) là đơn vị sản xuất các sản phẩm từ trùn quế. 

Việc sản xuất các sản phẩm từ trùn quế thông qua sử dụng công nghệ sinh học tái chế các chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trùn quế và từ trùn quế chế biến, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng cho biết, HTX sử dụng các loại phân gia súc, gia cầm với lá cây, lá cỏ, rơm rạ, các loại rau thừa, bèo trong vườn được băm nhỏ và ủ cho đến khi hoai mục kết hợp với các loại men vi sinh để nuôi trùn quế.

Phân hữu cơ vi sinh từ trùn quế giúp cải tạo đất tăng độ phì nhiêu, tăng chất khoáng, vi sinh vật hữu hiệu cho đất giúp cây trồng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. 

Trùn thịt là một trong những thành phần tạo ra các sản phẩm phân hữu cơ, hay các giá trị hữu cơ phục vụ lại sản xuất. Điển hình như làm dịch trùn quế làm bột chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng giá trị dinh dưỡng hữu cơ...

Ở một nơi của Quảng Nam, nông dân "biến" chất thải thành phân hữu cơ tốt cho cây, sạch môi trường - Ảnh 3.

Những vườn cây ăn quả, tiêu xanh mướt ở Tiên Phước

"Trùn quế có thể nuôi quanh năm, mỗi tháng HTX đưa ra thị trường 4 - 5 tấn phân trùn. Tùy mỗi loại phân sẽ có giá khác nhau. Phân dạng bột giá khoảng 4.000 đồng/kg; dạng viên 15 - 20 nghìn đồng/kg; dịch trùn quế có giá 80.000 đồng/lít. Riêng trùn giống thì khoảng 15 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, HTX thu về gần 200 - 300 triệu đồng/năm từ các sản phẩm trùn quế.

Hiện HTX đang mở rộng quy mô nuôi trùn quế lên khoảng 5.000m2 và liên kết với một số hộ dân xung quanh nuôi trùn quế. Ở vùng quế Tiên Phước hiện có rất nhiều hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn, nguồn phân thải ra rất nhiều nhưng chưa được xử lý triệt để. Đồng thời, nông dân Tiên Phước cũng phát triển diện tích hoa màu, cây ăn quả nên phụ phế phẩm rất lớn.

Việc nuôi trùn quế sẽ tận dụng được nguồn phế phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cho cây trồng, vừa giảm chi phí giá thành", ông Thành chia sẻ.

Hướng tới mô hình nông nghiệp xanh, bền vững

Hiện trên địa bàn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với quy mô khá lớn. Lượng chất thải từ chăn nuôi được sử dụng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải còn chưa đạt chuẩn gây ảnh hưởng tới môi trường.

Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn sẽ tận dụng chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu để trở thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng nhất là trong chăn nuôi và trồng trọt.

Ở một nơi của Quảng Nam, nông dân "biến" chất thải thành phân hữu cơ tốt cho cây, sạch môi trường - Ảnh 4.

Việc nuôi trùn quế sẽ tận dụng được nguồn phế phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cho cây trồng, vừa giảm chi phí giá thành. Ảnh: N.H

Ông Tăng Ngọc Đức - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phục vụ nền kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn; đảm bảo môi trường sống người dân khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Từ đó, thay đổi thói quen, nhận thức và tư duy người sản xuất đến toàn dân hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp sức vào công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và hướng tới kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

UBND huyện Tiên Phước phê duyệt dự án triển khai mô hình "tái sử dụng các chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn" cho HTX nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng và một số hộ dân.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện gần 2,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh 700 triệu đồng; HTX đối ứng gần 1,6 tỷ đồng và đối ứng của nhân dân hơn 101 triệu đồng.

"Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi phù hợp của huyện Tiên Phước trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái làng quê.

Ở một nơi của Quảng Nam, nông dân "biến" chất thải thành phân hữu cơ tốt cho cây, sạch môi trường - Ảnh 5.

Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được ví như miền tây thứ 2 giữa lòng đất Quảng, vì huyện này được xem là số 1 của Quảng Nam về cây ăn quả. Ảnh: N.H

Thời gian tới cùng với hướng dẫn bà con nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước sẽ phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả", ông Đức chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem