Tuổi đã cao nhưng tối nào ông đồ Oánh cũng rời nhà đi dạy chữ Nho đến tận đêm khuya. Khi về, ông lại cần mẫn giở từng trang sách ôn luyện.
|
Ông đồ Nguyễn Đình Oánh. |
Dù khó vẫn yêu vuông chữ
Ông Oánh sinh ra và lớn lên ở làng gốm Thổ Hà. Cha mẹ ông nghèo nhưng vẫn gắng làm lụng để cho con đi học. Năm 11 tuổi, trò Oánh được theo học ở lớp do thầy Thanh từ Thanh Hóa ra mở... Cụ Thanh là người thầy có nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời chữ nghĩa của ông. Gắn bó với thầy Thanh ít lâu, trò Oánh chuyển sang học với thầy Hồ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) rồi tới cụ Tống Hiến ở làng Thổ Hà...
Năm 22 tuổi, sau khi theo học 3 người thầy, ông Oánh lập gia đình. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai chàng trai trẻ khiến mực Tàu, giấy dó phải xếp góc nhà. Ông lên đường mưu sinh, lúc làm bánh mì, khi thì làm thuê tại các làng gốm, có những lần ông còn ngược sông Cầu về Hà Nội hay vào Nam buôn bán, mong nuôi được vợ con trong những ngày khó khăn nhất.
Dù khó khăn, phải bôn ba khắp chốn, song khí chất của người nho sinh được các thầy truyền dạy chưa bao giờ nguội lạnh trong Nguyễn Đình Oánh...
Năm 1995, CLB Hán Nôm Thổ Hà được thành lập, ban đầu chỉ có 20 thành viên, ông Nguyễn Đình Oánh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Từ đó đến nay, CLB đã duy trì được liên tục các lớp học, hiện có 40 học viên. Nhiều con em ở Vạn An (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) không quản cách trở sông sâu, hàng ngày vẫn chèo đò sang Thổ Hà học tập.
“Tre già măng mọc”
Trong số 40 sinh đồ, có một người được ông Oánh đánh giá cao về cái tâm, cái tài và cái nhẫn của người theo học chữ Nho. Đó là anh Nguyễn Văn Khánh làm nghề thợ mã ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh). "
Từ ngày biết tin ông Oánh mở lớp dạy chữ Nho, tôi đã sắm cho mình một chiếc thuyền thúng để hàng ngày vượt sông tới lớp. Đối với tôi, để được học chữ Nho đã khó nhưng để viết được thư pháp lại càng khó hơn. Bởi muốn viết được thì phải có sự kiên trì, có lòng quyết tâm, không có sẽ không thể viết được" - anh Khánh tâm sự.
Mỗi cuộc giao lưu thư pháp đầu xuân được tổ chức tại TP.Bắc Giang, hội tụ 70 người chuyên viết thư pháp trong tỉnh. Chữ của ông đồ Oánh vẫn khiến nhiều người thán phục nhất bởi văn đã hay mà nét chữ còn có hồn.
Anh cũng cho biết, qua nhiều năm học tập, được thầy Oánh chỉ bảo tận tình, anh đã có thể đọc thông viết thạo nhiều Hán tự để vừa áp dụng vào nghề thợ mã, vừa mạ vàng cho những hoành phi câu đối mà không cần phải đi thuê người đọc như trước nữa.
Ngoài anh Khánh, hiện thầy Oánh còn có hơn 30 sinh đồ có thể đọc thông viết thạo thư pháp. Đặc biệt, 10 con, cháu được ông truyền dạy Hán Nôm ngay từ khi còn rất nhỏ, đến nay họ cũng thành thạo và đang tiếp tục kế thừa, phát huy những kỹ năng đọc và viết...
Hầu hết các bút tích chữ Hán trong làng đều do một tay ông Oánh thảo nên. Mỗi tối, ông lại cắp tráp đi dạy chữ Nho cho nhiều người trong vùng, hoàn toàn không lấy một đồng thù lao nào. Ông bảo: "Ở các vùng nông thôn, chữ Hán Nôm có một vai trò rất quan trọng vì nhiều sử tích của các làng vẫn còn, không biết chữ thì không đọc được. Tôi mong lớp trẻ có nhiều cháu biết Hán Nôm để hiểu được gốc tích làng mình".
Vũ Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.