Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng nay 26.4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Sacombank (Ảnh: Quốc Hải)
Ngay trước thềm đại hội, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu Sacombank của ông Dương Công Minh không đưa tờ trình số 9, về việc trích thưởng 20% phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2019 cho cán bộ nhân viên Sacombank vào nội dung biểu quyết.
Giảm tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2%, tiếp tục không chia cổ tức
Báo cáo tại đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết năm 2018 là năm thành công của ngân hàng khi các chỉ số tài chính, nợ xấu đều hoàn thành vượt kế hoạch. Đặc biệt, ở lĩnh vực xử lý nợ xấu, tính đến 31.12.2018, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ là 2,11%; giảm mạnh 2,48 điểm % so với năm trước đó và hoàn thành kế hoạch dưới mức 3% mà đại hội đồng cổ đông đề ra. Tổng giá trị xử lý nợ của Sacombank trong năm 2018 (bao gồm thu hồi nợ xấu, lãi dự thu và tài sản được cấn trừ) là trên 11.700 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu, ngân hàng thu được 31.336 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Sacombank của ông Dương Công Minh đặt mục tiêu tài sản 455.500 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Nguồn vốn huy động đạt 423.500 tỷ đồng, tăng 14%; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 298.100 tỷ đồng, tăng khoảng 16%; trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 2.650 tỷ đồng, tăng 18%; phấn đấu để giảm tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2%.
Về kết quả kinh doanh trong quý I, CEO Sacombank cũng cho biết, tính hết quý 1.2019, Sacombank đạt 1.061 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của Sacombank đều ghi nhận kết quả khả quan, chẳng hạn: Thu nhập từ lãi thuần tăng 47% với 2.458 tỷ đồng; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 108% với xấp xỉ 113 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 448% mang về gần 304 tỷ đồng,…
Đại hội Sacombank năm nay cũng trình lên phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 với việc nhà băng này tiếp tục không chia cổ tức; thay vào đó trích quỹ dự phòng tài chính 157 tỷ đồng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi mỗi quỹ 141 tỷ đồng; ngoài ra quỹ bổ sung vốn điều lệ hơn 82 tỷ đồng. Lợi nhuận giữ lại của ngân hàng sau khi phân phối đạt gần 2.800 tỷ đồng.
Cổ đông phát biểu tại đại hội (Ảnh: Quốc Hải)
Về kế hoạch chia lợi nhuận năm 2019, vấn đề chia cổ tức được Sacombank cho biết sẽ được thực hiện theo đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Riêng mức thù lao cho HĐQT trong năm 2019 được đề xuất là 2% lợi nhuận.
Về vấn đề Sacombank không chia cổ tức, ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN, cho rằng, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank có nguồn tài sản không sinh lời lên tới hơn 91 nghìn tỷ đồng. Chính vì giá trị tài sản có không sinh lời còn lớn, quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp cần có thời gian dài và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường bất động sản nên để đảm bảo hoạt động của ngân hàng, phía NHNN đề xuất không chia cổ tức mà để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu.
Nhiều vấn đề còn tồn tại
Năm 2018 mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng trong kinh doanh cũng như công tác xử lý nợ xấu, Sacombank cũng tự nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, lãnh đạo Sacombank cho biết hiện nguồn tài sản có không sinh lời của ngân hàng còn lớn; quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp cần có thời gian dài, thêm vào đó tín dụng tăng trưởng trong giới hạn cho phép nên hạn chế cơ hội tăng thu nhập để có thể xử lý nhanh các khoản tồn đọng.
Ngoài ra, áp lực tăng vốn ngày càng lớn khi thời điểm áp dụng chuẩn mực quốc tế Basell II vào năm 2020 đang đến gần trong bối cảnh việc kêu gọi vốn cổ phần hiện nay còn khó khăn.
Đặc biệt, do Sacombank của ông Dương Công Minh đang tập trung nguồn lực tái cấu trúc và tái cơ cấu hệ khách hàng, chủ trọng kiểm soát rủi ro do đó kết quả của một số công ty con không đạt như kỳ vọng: Chẳng hạn như Công ty quản lý nợ và Khai thác tài sản - SBA đạt 94 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính - SBL đạt 66 tỷ đồng; Công ty Kiều hối - SBR bị lỗ hơn 4 tỷ đồng; Công ty Vàng bạc Đá quý - SBR lỗ gần 9 tỷ đồng; Sacombank Lào lãi 1,3 triệu USD và Sacombank Campuchia lỗ 14,4 triệu USD.
Tại đại hội, lãnh đạo Sacombank cũng chia sẻ về phương án tái cơ cấu đến năm 2025, đồng thời cũng chia sẻ về một số kết quả về việc tái cơ cấu Sacombank đến thời điểm hiện tại (sau gần 2 năm). Cụ thể, kế hoạch huy động và cho vay bình quân mỗi năm của Sacombank sẽ tăng trưởng lần lượt 10,6% và 13,7%.
Ngân hàng cũng mong muốn khôi phục lại mức lợi nhuận của thời kỳ trước sáp nhập (năm 2017 đạt 1.484 tỷ đồng; năm 2018 đạt 2.067 tỷ đồng, đạt 358% kế hoạch tiến độ hai năm tại Đề án). Đồng thời cũng cải thiện chỉ số sinh lời ROE từ 0,35% năm 2016 lên 7,03% vào năm 2018. Cải thiện vốn tự có, tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 9,61% (năm 2016) lên 10,71% (năm 2018).
Đặc biệt, giảm tỉ trọng tài sản có không sinh lời từ 29,3% (năm 2016) xuống 18,3% (năm 2018), tương đương giảm 11 điểm %...
“Nóng” chuyện chia cổ tức
Sau khi trình bày một loạt các tờ trình, bước sang phần thảo luận, nhiều cổ đông bức xúc việc nhiều năm nay ngân hàng không chia cổ tức.
Một cổ đông đặt vấn đề, sao HĐQT có thể dự kiến được doanh thu, lợi nhuận năm 2019 nhưng sao vấn đề chia cổ tức năm 2019 chỉ nói chung chung, đổ cho đề án tái cơ cấu nên không được chia. Đại diện NHNN tại đây có hay không, mong hãy trả lời gì về vấn đề này? Có thể chỉ chia 1 – 2% cũng khiến cổ đông vui rồi…
Một cổ đông khác lại đạt vấn đề, HĐQT hứa chia 20% lợi nhuận vượt chỉ tiêu cho nhân viên, tại sao không chia 10% thôi, còn 10% thì chia cho cổ đông cho cổ đông cảm thấy vui?
Trả lời các vấn đề này, ông Dương Công Minh cho rằng, việc trích thưởng 20% phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho cán bộ, công nhân viên không chỉ là để khuyến khích nhân viên làm tốt hơn mà đây cũng là lời hứa được thông qua tại đại hội cổ đông trước đó.
Cũng theo ông Dương Công Minh, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, khoản tài sản không sinh lời tại Sacombank đang rất lớn (hơn 91 nghìn tỷ không sinh lời), nên việc chia cổ tức phải được NHNN duyệt…Tuy nhiên, ông Minh cũng chia sẻ rằng: “Chúng tôi mới gửi đề án tái cơ cấu ngân hàng mới, trong đó có phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Hiện chúng tôi sẽ bảo vệ đề án này với NHNN, hy vọng sẽ được thông qua...”.
Ngoài ra, việc bớt 10% của khoản trích thưởng 20% phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho cán bộ, công nhân viên để chia cổ tức, ông Minh chia sẻ: “Nói thật, lương của nhân viên Sacombank hiện đang thấp nhất hệ thống, chỉ hơn 16 triệu đồng/tháng, nên nếu giảm khoản này thì chỉ e nhân sự ngân hàng sẽ bị xáo trộn. Mong quý cổ đông thông cảm”.
Một cổ đông lại chất vấn về trách nhiệm của NHNN trong việc đồng ý phương án sáp nhập Sacombank và Ngân hàng Phương Nam khiến… cổ đông bây giờ chịu khổ. Ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN, giải thích việc sáp nhập 2 ngân hàng là do ý chí của cổ đông và cũng phải được cổ đông đồng ý thông qua nghị quyết đại hội cổ đông, sau đó gửi ý kiến này lên NHNN phê duyệt nên không thể nói việc sáp nhập này là do NHNN chủ trương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.