Với sự đồng cảm của người từng bị xét xử oan sai, ông
Lương Ngọc Phi (SN 1948, trú tại đường Lý Thường Kiệt, phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình) đã có những trải lòng với PV về vụ án oan 10 năm của ông
Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) gây chấn động cả nước trong thời gian qua. Theo ông Phi số tiền đền bù dù có là bao nhiêu chăng nữa cũng không thể bù đắp được những tổn thất to lớn về tinh thần, thiệt hại vật chất và những hệ lụy sau 10 năm ông Chấn ngồi tù oan.
Ông Phi: "Là người đã từng ngồi tù vì bị oan sai, tôi càng đồng cảm và hiểu hơn về những thiệt thòi, mất mát không gì có thể bù đắp được. Vụ án của tôi thuộc lĩnh vực kinh tế, còn ông Chấn (ảnh nhỏ) là tội “giết người” nên sẽ nặng nề hơn gấp trăm vạn lần...".
Đền bù cho ông Chấn sẽ rất khó!
Đưa chén trà nóng mời khách, ông Lương Ngọc Phi trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “Tôi cũng như người dân cả nước đều quan tâm đến câu chuyện của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang trong vụ án oan 10 năm. Là người đã từng ngồi tù vì bị oan sai, tôi càng đồng cảm và hiểu hơn về những thiệt thòi, mất mát không gì có thể bù đắp được. Vụ án của tôi thuộc lĩnh vực kinh tế, còn ông Chấn là tội “giết người” nên sẽ nặng nề hơn gấp trăm vạn lần”.
Chính vì lẽ đó nên trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phi ít nói về bản thân và vụ án oan của mình với những mất mát, tổn thất mà bản thân và gia đình đã phải trải qua, bởi khi so với vụ án của ông Chấn, theo lời ông Phi thì “chẳng đáng kể gì”. Đồng cảm là vậy nhưng ông Phi cũng lo lắng cho ông Chấn trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng đền bù cho mình. “Với một gia đình làm nông nghiệp, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế thì sẽ rất khó khăn trong việc đòi hỏi quyền lợi đền bù”, ông Phi nói. Trong khi đó, hệ lụy từ gia đình cũng không nhỏ, như mẹ và vợ ông Chấn bị tâm thần, các con phải bỏ học, kinh tế gia đình luôn trong cảnh khó khăn, bần hàn vì hành trình 10 năm đi kêu oan cho chồng.
“Vậy theo ông, những luật sư đã được gia đình ông Chấn thuê có thể đòi được quyền lợi mà gia đình ông Chấn phải được hưởng như dư luận mong đợi hay không”, tôi hỏi. Về điều này ông Phi cũng có cái nhìn khác: “Tất nhiên, khi không biết luật thì phải nhờ luật sư, nhưng luật sư không phải là mình nên cũng không thể hiểu hết được những thiệt hại mà gia đình phải gánh chịu, nhất là những tổn thất về tinh thần, vật chất hay ốm đau, bệnh tật và thu nhập thực tế… Luật sư cũng chỉ dựa vào luật quy định. Trong vụ việc của tôi, tôi tự nghiên cứu luật và do đã hiểu hết, thậm chí thuộc lòng từng điều khoản về việc đền bù oan sai, nên có thể tự đi đòi hỏi quyền lợi cho mình”.
Ông Phi nói tiếp: “Việc đền bù cho ông Chấn sẽ là đương nhiên, nhưng mức đền bù bao nhiêu mới là điều mọi người quan tâm lúc này. Nhưng theo tôi, chắc sẽ không được nhiều. Và có thể dư luận sẽ còn nhiều bất ngờ trong việc đền bù cho gia đình ông Chấn giống như những tình tiết trong vụ án và trong việc giải quyết vấn đề của các cơ quan chức năng. Có người dự đoán vài tỷ đồng hay hơn thế, nhưng cho dù có đền bù đến 10 tỷ đồng thì cũng không bù đắp hết những tổn thất trong thời gian 10 năm tù oan của gia đình ông Chấn. Mà chỉ những người bị đi tù oan như chúng tôi mới có thể thấu hiểu hết được danh dự, nhân phẩm khi đã “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Niềm tin công lý được thực thi
Năm 1998, ông Lương Ngọc Phi đang là Giám đốc Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình có trụ sở tại TP.Thái Bình. Cuối tháng 4.1998, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Ngày 29.9.1999, TAND tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm...” và 3 năm tù về tội “trốn thuế”. Tổng hợp hình phạt, ông Phi phải nhận 17 năm tù.
Sau khi điều tra lại, thấy đây là vụ án oan sai, ngày 12.12.2003, Viện KSND tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Từ khi bị bắt giam đến khi được trả tự do, ông Phi đã bị giam oan 35 tháng. Ngay sau khi được minh oan, ông Phi đã tiến hành đòi bồi thường với số tiền yêu cầu bồi thường ban đầu là 54 tỷ đồng chia đều cho hai cơ quan TAND tỉnh Thái Bình và Công an tỉnh.
Qua 6 lần thương lượng để xin giảm số tiền bồi thường, nhưng không được ông Phi chấp nhận, ông Phi đã khởi kiện 2 cơ quan này ra TAND TP.Thái Bình. Ông Phi đòi Công an tỉnh bồi thường 27 tỷ đồng, TAND tỉnh bồi thường 27 tỷ đồng vì đã gây thiệt hại về tài sản khi bắt giam, điều tra, truy tố, ra bản án oan cho ông.
Sau khi thụ lý và đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa liên tục bị hoãn, mãi tới ngày 26.8.2013, TAND TP.Thái Bình mới tiếp tục mở phiên toà xét xử vụ kiện trên. HĐXX tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 21 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông, còn Công an tỉnh không phải bồi thường.
Nói đến hành trình đi tìm công lý, ông Phi cho biết: “Hành trình đi đòi công lý gian nan kinh khủng. Ban đầu, tôi khởi kiện 3 cơ quan tố tụng là công an, Viện KSND và TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường trên 54 tỷ đồng thiệt hại về tài sản, thiệt hại do không được khai thác từ tài sản”. Thế nhưng, 3 cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm vòng quanh. Cơ quan điều tra đẩy trách nhiệm sang tòa án vì tòa tuyên sau cùng. Tòa lại bảo dựa trên căn cứ điều tra của công an, cũng chính cơ quan điều tra phát mại tài sản nên công an phải đền. Trải qua 6 lần thương lượng bất thành, ông Phi buộc phải khởi kiện ra TAND TP.Thái Bình. Nguyên đơn của vụ kiện đòi bồi thường oan sai lớn nhất tính đến hiện nay tâm sự: “Thật sự, khi khởi kiện, tôi cũng không nghĩ TAND TP.Thái Bình dám đưa ra xét xử và xử tôi thắng vì họ là tòa cấp dưới, bị đơn lại là tòa cấp trên. Hơn nữa, hầu hết những cán bộ liên quan trực tiếp đến vụ việc của ông đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đi nơi khác. Nhưng cuối cùng công lý đã được thực thi”.
(Theo Lao động & Đời sống)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.