Điều ít ai ngờ tới, gạo ngon nhất thế giới ST25 của Việt Nam lại bị 4 doanh nghiệp ở tận… nước Mỹ đăng ký bản quyền thương hiệu. Đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu nông sản Việt được gây dựng trong thời gian dài bị “đánh cắp”, mà việc đòi lại tên có khi còn khó như… hái sao trên trời.
Việc thương hiệu gạo ST25 bị "nẫng tay trên" tại Mỹ nghĩa là khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST25 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ.
Nhưng ở đây vẫn còn một chút may mắn. Ngay sau khi nhận được thông tin, trong sáng 22/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã vào cuộc kiểm tra. Theo đó, hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra" của 4 doanh nghiệp.
"Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất" – Cục Xúc tiến thương mại đưa ra thông tin khuyến cáo.
Nhưng "cha đẻ" của giống lúa làm ra thứ gạo ngon nhất thế giới này - anh hùng lao động Hồ Quang Cua thì dường như đang bất lực khi không biết làm cách nào để bảo vệ cái tên cho đứa con tinh thần của mình, cái tên vốn là ghép 2 chữ cái đầu ở nơi đã giúp ông sản sinh ra giống lúa sau này được công nhận ngon nhất nhì thế giới – tỉnh Sóc Trăng, và được đánh số từ 1 đến 25 theo hành trình ông miệt mài, lăn lộn trên cánh đồng nghiên cứu đặc tính sinh học của từng giống lúa.
"Hồi nào tới giờ tôi chỉ có chuyên tâm nghiên cứu giống lúa thôi, có rành mấy chuyện bản quyền đâu, trong khi đây là vấn đề cực kỳ phức tạp" – kỹ sư Hồ Quang Cua thừa nhận.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Trí – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp của họ "không đủ sức lo nổi chuyện bên Mỹ".
Cũng theo ông Trí, doanh nghiệp của ông cũng có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ với cái tên gạo ST25 Hồ Quang Trí chẳng hạn, và sẽ được cấp nếu đáp ứng đủ yêu cầu hồ sơ. Mỗi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 lại gắn liền với tên của doanh nghiệp đó.
Các nhà khoa học ở Việt Nam vốn xa lạ với chuyện kinh doanh, chưa nói đến việc đăng ký thương hiệu ở một đất nước cách đó nửa vòng Trái Đất. Nhưng chắc chắn đó là một tư duy đã rất cũ. Việt Nam đã vươn ra những thị trường toàn cầu, trong đó Mỹ là nhà nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam. Việt Nam cũng không thể chỉ đứng thứ nhất thứ hai về xuất khẩu gạo theo số lượng, mà phải gia tăng giá trị hàng nông sản. Đó là những bài toán đặt ra từ lâu mà nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm lời giải riêng mình, trong khi Chính phủ đã đàm phán và ký kết biết bao hiệp định thương mại.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nông sản Việt bị đăng ký mất bản quyền thương hiệu. Trước gạo ST25 đã có cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre,… ngậm ngùi nhìn cái tên của chính mình bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và sử dụng, còn các doanh nghiệp Việt, dù ở chính nơi đã sản sinh ra nông sản ấy cũng không được phép sử dụng ở nơi nó đã được bảo hộ cái tên bởi một doanh nghiệp khác.
Đơn cử như cà phê Buôn Ma Thuột đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) và Công ty ITM Enterprises (Pháp) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê "Buon Ma Thuot" và "Dak Lak" vào năm 2009 dù chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ bảo hộ quốc gia từ năm 2005, cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này là UBND tỉnh Đắk Lắk. Rất may sau đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu cà phê "Buon Ma Thuot Coffee" do Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu - Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại nước này.
Tương tự như vậy, từ năm 1982, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng của Việt Nam đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa. Sau đó, công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc" ở cộng đồng chung châu Âu và Australia. Đến năm 2006, Công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên.
Trải qua hành trình đấu tranh gian nan, mãi đến ngày 8/10/2012, nước mắm Phú Quốc mới được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU.
Công ty Vinamit phải mất tới 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa mới đòi lại thành công nhãn hiệu Đức Thành đã bị đối tác đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc từ năm 2007... Ngoài khoản chi phí theo đuổi vụ kiện, doanh nghiệp cũng chịu nhiều thiệt hại do bị mất thị trường, sau khi thắng kiện phải xây dựng lại...
Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh Phan Minh Thông cho biết, công ty ông đã từng phải mất 5 năm khởi kiện một công ty khác đánh cắp nhãn hiệu một sản phẩm nông nghiệp của công ty mình.
Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền đều có thể đăng ký bảo hộ chỉ dần địa lý, bảo hộ thương hiệu, nhưng đáng buồn là trong một thời gian dài có đến 80% nông sản Việt xuất khẩu dưới cái tên của doanh nghiệp nước khác. Thống kê chưa đầy đủ, đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ.
Trở lại với câu chuyện gạo ST25 vừa bị 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu, ông Hồ Quang Trí thừa nhận, không ai cấm được doanh nghiệp đăng ký đâu, có 4 doanh nghiệp Mỹ thì cũng có thể có 10 doanh nghiệp đã đăng ký. "Với việc 4 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 chúng ta cũng không kiện được họ, trừ khi Việt Nam đăng ký gạo ST25 Sóc Trăng là của Việt Nam thì mới có đủ căn cứ để kiện" – ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, Thái Lan có cách ứng xử rất khác để bảo vệ thương hiệu gạo của họ. "Gạo Hom Mali đã được Thái Lan công nhận là thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp nào muốn bán gạo đó sang nước khác thì phải được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận doanh nghiệp đó có sản xuất gạo Hom Mali của Thái. Nhưng ở Việt Nam, cho đến nay chưa ai công nhận gạo ST25 là thương hiệu quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước" – ông Trí nêu một thực tế. Ông Trí cũng khẳng định, doanh nghiệp không có đủ lực xây dựng thương hiệu nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.
Có thể thấy, cho đến bây giờ câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo ST25 vẫn còn khiến cả doanh nghiệp, ngành chức năng lúng túng, trong khi thời gian thì không chờ đợi. Chỉ cần tờ đăng ký của 4 doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền của Mỹ công nhận thì hạt gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam sẽ chính thức phải bước vào hành trình "đòi lại tên mình" vô cùng gian nan mà không biết khi nào kết thúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.