Những tỷ phú nông dân ở Sơn La, có ông nông dân chỉ nuôi lợn, trồng cây ăn quả mà xây được biệt thự

Đức Thịnh Chủ nhật, ngày 10/04/2022 13:00 PM (GMT+7)
Ở Sơn La, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Từ phong trào đã xuất hiện những mô hình tiêu biểu mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần đổi mới diện mạo quê hương.
Bình luận 0

Nhiều tấm gương điển hình là tỷ phú nông dân

Chủ tịch Hội ND huyện Yên Châu Nguyễn Văn Điện thống kê một loạt dài danh sách những gia đình được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2021, con số lên tới 2.100 hộ, ấn tượng nhất là có nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm trở lên. Điển hình trong số đó là tỷ phú nông dân Trần Như Kiên (ởTrần Như Kiên, xã Lóng Phiên).

Không mất nhiều thời gian để tìm đến gia đình anh Kiên, bởi anh có căn biệt thự to nhất ở bản Pha Cúng với màu màu trắng nổi bật rất đẹp. Anh Kiên khoe: Ngôi nhà vừa hoàn thiện trước dịp tết với giá trị hơn 6 tỷ đồng, đều từ tiền tích góp sau nhiều năm nuôi lợn và trồng cây ăn quả.

Sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 1993, anh Kiên lên vùng đất Lóng Phiêng, huyện Yên Châu lập nghiệp. Năm 2008, anh bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi lợn. Hiện quy mô trại lợn của gia đình anh luôn duy trì ở mức trên 1.000 con, nuôi theo chu trình khép kín, hàng năm thu nhập trên 10 tỷ đồng từ tiền bán con giống và lợn thịt và tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu/người/tháng. Ngoài ra, gia đình anh Kiên còn trồng 7ha nhãn chín muộn và hơn 1ha xoài tượng da xanh, hàng năm thu thêm 1 tỷ đồng.

gio to/ “Nở rộ” tỷ phú nông dân ở Sơn La  - Ảnh 1.

Anh Trần Như Kiên (ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiên, huyện Yên Châu) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Tuệ Linh

"Trung tâm đã kết nối với Hội ND các tỉnh, thành phố tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cho nông dân. Năm 2021, toàn tỉnh đã tiêu thụ trên 2.100 tấn xoài, trên 90.000 tấn nhãn tại các thị trường Trung Quốc, Úc và các tỉnh, thành trên toàn quốc".

Ông Trần Anh Hùng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh Sơn La

Bà Lò Thị Hạnh (bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu) cũng là điển hình nông dân giỏi. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Hạnh rất năng động trong phát triển kinh tế với mô hình nuôi bò 3B vỗ béo. Bà Hạnh chia sẻ: "Trước kia, gia đình tôi sinh sống chủ yếu bằng việc trồng ngô, trồng sắn. Nhưng do cây trồng trên nương không hiệu quả, trong khi chăn nuôi lợn lại lúc được lúc mất do dịch bệnh và giá lợn hơi thất thường. Do vậy, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn".

Thông qua các chuyến tham qua, lớp tập huấn do Hội ND tổ chức, bà Hạnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng. Hiện tại, trang trại bò 3B của bà Hạnh có 12 con bò, mỗi con ăn khoảng 50-60 kg cỏ/ngày. "Năm vừa rồi gia đình tôi bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 55- 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng"- bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Điện tự hào nói: Đây chỉ là 2 trong rất nhiều nông dân tiêu biểu ở của Hội ND huyện Yên Châu. Đồng hành với bà con nông dân, giai đoạn 2018-2021, Hội ND huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 243 lớp tập huấn xây dựng, nhân diện mô hình; chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 16.000 lượt hội viên.

Cùng với đó, để việc sản xuất có quy mô, vốn cho sản xuất, kinh doanh, Hội ND các cấp huyện Yên Châu nhận ủy thác hơn 110 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 2.600 hội viên; tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn hơn 5,8 tỷ đồng...

Điểm tựa vững chắc của hội viên, nông dân

Với hơn 10.000ha xoài, nhãn, thanh long, na,… Mai Sơn là huyện trọng điểm trồng cây ăn quả của tỉnh. Huyện Mai Sơn đã được cấp 40 mã số vùng trồng với diện tích 1.150ha đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ...

Ông Đoàn Trung Kiên - Chủ tịch Hội ND huyện Mai Sơn chia sẻ: Hội ND đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, vận động hội viên thành lập 106 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làm cầu nối hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ nông sản. "Mừng nhất là đời sống của hội viên ngày càng được nâng lên. Toàn huyện hiện có trên 4.600 hộ được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp" - ông Kiên nói.

Chia sẻ về vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, ông Lường Trung Hiếu - Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La cho biết: Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với thực tế địa phương. Từ đó, giúp nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả trên đất dốc; thực hiện cải tạo vườn tạp, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống cho hội viên.

Đồng hành cùng hội viên, các cấp Hội đã liên kết, phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất hữu cơ tại vùng trồng xoài ở Yên Châu, dâu tây Mộc Châu, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã và vùng nguyên liệu dứa cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO... Đến nay, toàn tỉnh duy trì và phát triển 196 chuỗi tiêu thụ nông sản, 181 mã vùng trồng.

Hội đã trình UBND tỉnh chuyển giao cho Hội ND tỉnh sở hữu quyền khai thác và sử dụng hệ thống nhận diện sản phẩm đối với chứng nhận nhãn hiệu "Xoài Sơn La", "Chanh leo Sơn La", "Nhãn Sơn La", "Mận Sơn La" để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem