PGS.TS Hoàng Dũng nói gì khi bị nhầm là 1 trong 12 người phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes?

Minh Thi Thứ bảy, ngày 30/11/2019 18:06 PM (GMT+7)
Dù không tham gia kiến nghị phản ứng việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, song PGS.TS Hoàng Dũng vẫn bị “nhầm lẫn” và đưa vào danh sách 12 thành viên. Ngay sau đó, ông đã lên tiếng và nhìn nhận lại vấn đề này dưới góc độ của một nhà ngôn ngữ học.
Bình luận 0

Sau khi Đà Nẵng dừng đặt tên đường mang tên Alexandre de Rhodes do có 12 tác giả làm bản kiến nghị phản đối, cư dân mạng cùng các nhà sử học, nhà nghiên cứu và nhà ngôn ngữ học “sôi sục” xới vấn đề này trở lại.

Ngày 30/11, PGS. TS Hoàng Dũng - ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, cụ thể, chỉ có 1 người rút tên khỏi danh sách những người đưa kiến nghị, là ông Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế.  “Tuy nhiên, vì một tờ báo đưa tin không chính xác nên tôi cũng bị hiểu nhầm mặc dù không liên quan gì đến bản kiến nghị và người ta cho rằng, có đến 2 người rút tên chứ không phải chỉ 1 người”, PGS. TS Hoàng Dũng nhấn mạnh.

Xin ông cho biết quan điểm của mình về vụ đặt tên đường ra sao?

- Chữ Quốc ngữ đã là một thực thể trong văn hóa Việt Nam, muốn loại bỏ nó là một điều bất khả. Đầu thế kỷ 20, Đông Kinh nghĩa thục cổ động: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta”. Một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cưỡng bức học chữ Quốc ngữ, coi là một bước quan trọng để diệt giặc dốt, trong điều kiện 95% dân số mù chữ. Và ngay cả bản kiến nghị của các vị cũng viết bằng chữ Quốc ngữ, chứ không phải chữ Nôm. Tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ Quốc ngữ chỉ để truyền giáo. Nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ Quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn do bị ám ảnh bởi chứng hoang tưởng tả khuynh?

img

Giáo sĩ Alexandre de Rhode - người soạn Từ điển Việt Bồ La.

Ông từng phân tích, cả 3 điều mà các tác giả của bản kiến nghị chủ trương loại bỏ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng là sai. Xin ông nói rõ hơn về điều này?

- Các tác giả của bản kiến nghị đưa ra mấy lý do sau:  Alexandre de Rhodes không phải là người chế tác chữ Quốc ngữ;  Alexandre de Rhodes công kích Nho, Lão, Phật; và  Alexandre de Rhodes “âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta”.

Về lý do thứ nhất, ngày nay giới nghiên cứu dễ dàng đồng ý với nhau rằng chữ Quốc ngữ không phải là sản phẩm của Alexandre de Rhodes và Từ điển Việt Bồ La của ông đã thừa hưởng công lao của những giáo sĩ đi trước. Nhưng không có nhà nghiên cứu hiểu biết nào lại sổ toẹt công lao của Alexandre de Rhodes đối với chữ Quốc ngữ.

Về lý do thứ hai: Cũng dễ dàng đồng ý quả nhiên Alexandre de Rhodes chê bai nặng lời các tôn giáo khác. Nhưng đó là hạn chế khó tránh không phải chỉ riêng Alexandre de Rhodes. Có lẽ nào chúng ta không cần biết ơn một người do họ có hạn chế về tư tưởng?

Về lý do thứ ba, đây là lý do quan trọng nhất. Các tác giả bản kiến nghị  cho rằng “Alexandre de Rhodes  có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông”. Thế nhưng, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu đã dịch lại: “Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ (thừa sai) để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được Giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các Giáo hội này” (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Còn “chinh phục toàn phương Ðông” là để cho “nước Cha trị đến”, chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. “Chinh phục” hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị. Vì ngộ nhận trên, người ta mới gán cho chữ Quốc ngữ “còn có ý nghĩa chính trị” vậy!

img

Đường Alexandre de Rhode tại TP.HCM.

Vì sao có sự phản ứng quyết liệt như vậy  từ 11 nhà nghiên cứu, theo ông?

- Tôi cho rằng trong vụ việc này, chỉ có 2 người là chủ chốt, còn lại là thành phần "ăn theo". Một là ông Lê Cung, hai là ông Nguyễn Đắc Xuân. Cả hai người đó biết rõ lý do họ làm. Ông Xuân từng  có quan điểm chê bai từ ông Trương Vĩnh Ký đến nhiều nhân vật lịch sử, tôn giáo khác một cách chủ quan. Còn ông Lê Cung là dân sử, từng làm luận án về Phật giáo, và chính ông đã  gửi mail “báo tin vui” nói trên cho ông Thượng tọa Thích Nhật Từ, khiến cộng đồng mạng dậy sóng nhiều ngày qua. Họ hợp nhau nên gặp nhau ở một bản kiến nghị là điều dễ hiểu. Lý do họ đưa ra tôi đã nêu là những quan điểm không chính xác, chê bai tôn giáo khác trên quan điểm cá nhân, vô tình gây mất đoàn kết tôn giáo.

Cùng với trào lưu phủ nhận văn học nghệ thuật miền Nam, nói văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là “độc hại” theo quan điểm của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, việc sổ toẹt công lao của những người tạo ra chữ Quốc ngữ cho thấy sự ấu trĩ trong quản lý văn hóa và vô ơn trong nhận thức.

Vì sao ông cảnh báo “Đừng bị ám ảnh bởi chứng hoang tưởng tả khuynh”?

- Dường như những tư tưởng lạ lùng như vậy vẫn còn được dung dưỡng.  Hồi còn sống, nhà ngôn ngữ học, giáo sư Cao Xuân Hạo từng nói, “tả khuynh một vạn không bằng hữu khuynh một ly”. Hữu khuynh một ly là về phía địch, còn tả khuynh một vạn vẫn là của ta, nên các ông tha hồ tả khuynh, phô diễn lập trường rằng mình có quan điểm vững vàng, và ngược lại, sẽ có những người khuyến khích họ nói lên những quan điểm ấu trĩ, vô ơn như vậy. 

Dĩ nhiên, điều đó khiến cho lòng dân không yên. Chúng ta đã mất bao nhiêu công sức để hòa hợp dân tộc, thì đây là cách nói đổ sông đổ biển, phủ nhận tất cả. Tương tự, vụ việc đặt tên đường cũng đặt ra nhiều vấn đề, và cùng với nhiều trường hợp khác, có thể sẽ tạo mầm mống không hay, gây chia rẽ...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem