Nhà thơ, nhà báo Trần Đình Chính (bút danh Trần Hoài Thu) - một người lính trong kháng chiến chống Mỹ, tác giả bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng, không nghĩ một ngày mình buộc phải đem bản quyền bài thơ ra bán, mong có kinh phí chữa bệnh.
Dạo trước, có những lần đi công tác TP.HCM, một người bạn là nhà doanh nghiệp yêu mến bài thơ và thơ Trần Đình Chính, vẫn hỏi: Thế nào, bao giờ anh Chính mới đưa bài thơ ra bán bản quyền? Anh chỉ cười hiền, bài thơ viết cho cuộc sống, cho mọi người, cho chính tác giả. Được mến mộ, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi, anh đâu cần phải bán!
Anh chỉ muốn gửi lời cảm ơn đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ thơ anh và nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công, đưa lời yêu thương của anh đến người nghe, như NSND Thu Hiền, các ca sĩ Bảo Yến, Thanh Thuý, Anh Thơ, Quang Linh, Long Nhật...
|
Ca khúc phổ thơ của Trần Đình Chính đã được đưa vào nhiều album, do nhiều nghệ sĩ thể hiện. |
Nhưng không ngờ được nỗi bất hạnh “trời hành” người làm thơ. Khó khăn, thiếu thốn bao nhiêu năm nhưng nếu có sức khoẻ và niềm đam mê sáng tác, làm báo, thì vất vả cũng qua đi. Còn bây giờ, khi Trần Đình Chính bị bệnh tiểu đường rất nặng, phải chạy thận nhân tạo và đang bị biến chứng đến mờ mắt, thì bao cánh cửa cuộc sống và sự nghiệp đều như đóng lại. Nhà thơ cho biết, một tuần anh phải vào viện chạy thận 2 lần, còn lại chỉ có thế ở nhà, tự làm vệ sinh cá nhân đã là tốt lắm rồi; mọi việc gia đình, vợ anh phải gồng gánh. Bây giờ mỗi tháng, gia đình phải tốn kém 12- 15 triệu đồng để trị bệnh cho anh.
Băn khoăn mãi, cuối cùng anh phải quyết định, thời buổi gạo châu củi quế này, thôi thì trong nhà còn gì đem ra nốt, cả bài thơ quý giá của anh cũng vậy. Anh mong sẽ có nơi nào đó ủng hộ, mua bản quyền bài thơ để tác giả có tiền tiếp tục duy trì sự sống. Anh không đưa ra giá, để tuỳ vào sự hưởng ứng của những người đồng cảm. Nhà thơ nghĩ, nếu có thể bán được với số tiền vừa phải, anh tiếp tục chạy thận để kéo dài sự sống thêm một thời gian. Nếu đủ để phẫu thuật ghép thận và ghép giác mạc, anh có thể khỏi bệnh. Số tiền cho việc phẫu thuật như vậy lên đến 2 tỷ đồng.
Nhà thơ Trần Đình Chính tâm sự: Tôi luôn ước ao mình được sống, và mong được khoẻ lại với mục đích duy nhất là tiếp tục làm thơ, làm báo, chuyên tâm, tận tụy hơn... Sống để sáng tác, làm việc thì mới thật là sống, chứ nếu chỉ tồn tại thực vật ở đó thì cũng chẳng để làm gì! Và ngày 7.1, Trần Đình Chính đã gửi bức tâm thư của mình lên mạng...
Biết tin tác giả “Ở hai đầu nỗi nhớ” đang mang bệnh và muốn bán bản quyền bài thơ, bạn đọc Ngô Thế Minh ở Mỹ đã gửi cho anh 100USD để anh bồi dưỡng, mong anh vượt qua bạo bệnh để sáng tác những bài thơ hay hơn nữa. Bạn đọc Nguyệt Minh cũng gửi đến anh nhuận bút 400.000 đồng, giúp anh “vài viên thuốc”.
“Chiều 7.1, có bạn nói tên là Tăng, tôi nghe giọng đoán là người Nghệ Tĩnh, đang kinh doanh trong TP.HCM, nói đã yêu bài thơ từ lâu, muốn gửi bác ít quà. Tăng còn kể, khi ra bưu điện gửi, con trai học lớp 4 đòi đi theo để gửi biếu bác Chính 50 nghìn đồng, vì “con nhịn mấy bữa sáng tới là đủ tiền biếu bác rồi!”. Cháu làm tôi cảm động quá!” - nhà thơ xúc động kể lại.
Mong có người mua bản quyền bài thơ để giúp tác giả tiếp tục sống với những dự định mới, như bản thảo tập thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" mà anh đang chỉnh trang lại, mong có dịp ra mắt bạn đọc. Bởi mỗi người yêu bài thơ này, bằng cách thể hiện của mình với tác giả, có thể coi như đã sở hữu “Ở hai đầu nỗi nhớ”, để cho “Yêu và thương sâu hơn... Nghĩa tình đằm thắm hơn” (lời bài thơ).
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.