Phải chủ động giảm diện tích đất lúa

Chủ nhật, ngày 18/08/2013 07:06 AM (GMT+7)
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, việc ND trả lại ruộng là cực chẳng đã và để giải quyết việc này, chúng ta phải chủ động giảm diện tích đất lúa xuống.
Bình luận 0
Trước tình trạng nông dân (ND) chán ruộng, xin trả lại ruộng ở nhiều địa phương đang gây nhức nhối dư luận, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo NTNN, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, việc ND trả lại ruộng là cực chẳng đã và để giải quyết việc này, chúng ta phải chủ động giảm diện tích đất lúa xuống.

Thu hoạch lúa tại Vị Thủy, Hậu Giang.
Thu hoạch lúa tại Vị Thủy, Hậu Giang.

Nông dân đang bị bỏ rơi

Việt Nam là một trong những nước trồng và xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới, nhưng vì sao ND lại chán làm ruộng, thưa ông?

- Hiện nay đúng là có tình trạng ND bỏ ruộng, bỏ làng đi kiếm sống ở nơi khác, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), một phần ở miền Trung. Dân bỏ ruộng cấy lúa, chứ không phải ruộng khác. Điều này đang gây bức xúc trong nông thôn và cũng là lo ngại của Đảng và Nhà nước, vì ruộng quý như vàng, nhất là khu vực ĐBSH - nơi có ít đất.

ND Việt Nam không ai không quý ruộng, nhưng họ vẫn bỏ ruộng vì trồng lúa không hiệu quả. Với giá lúa rẻ mạt (5.000 đồng/kg) như hiện nay thì ND chỉ thu được 30 triệu đồng/vụ/ha, 1 năm cấy 2 vụ được 50 – 60 triệu đồng, trừ chi phí may ra còn lời 10 triệu, nhưng nếu thuê gặt, hoặc bị mất mùa thì coi như trắng tay. Càng làm càng nghèo, thà bỏ ruộng đi làm thuê, bốc vác, phụ hồ, thu nhập tính ra còn hơn làm lúa ở quê.

Vì sao ND không trồng cây khác để có thu nhập cao hơn mà cứ phải bỏ ruộng, thưa ông?

- Điều này liên quan đến vấn đề trồng cây gì thay vào đó, liệu cây ấy có thu được nhiều tiền hay không, vả lại, quy định hiện nay không cho phép người dân dùng đất lúa để trồng cây khác.

Điều đáng tiếc là chúng ta không có tổ chức kinh tế nào đứng ra giúp bà con. Hội ND, Hội Phụ nữ, Thanh niên… đều là các tổ chức chính trị xã hội, không thể làm kinh tế được. Đáng lẽ, HTX, tổ hợp tác phải đứng ra làm tròn vai trò giúp ND, nhưng HTX bây giờ lại hoạt động không hiệu quả. Doanh nghiệp giúp được ND, nhưng bản thân doanh nghiệp là làm kinh tế, vì mục đích lợi nhuận nên họ không thể hy sinh vì ND.

Tôi cho rằng, chúng ta cần điều chỉnh chủ trương phát triển cây lúa. Thực tế cho thấy, việc xuất khẩu lúa gạo hiện nay đang tụt lùi, chỉ có lợi cho một bộ phận doanh nghiệp chứ ND không hề được hưởng lợi, Nhà nước cũng chỉ thu được ngoại tệ, còn tiền thuế không đáng kể. Do đó, chúng ta chỉ làm lúa đảm bảo đủ ăn và dự trữ chứ không đặt mục tiêu xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Việc gì có hiệu quả kinh tế thì chúng ta khuyến khích sản xuất, việc gì không có lợi cho dân thì không làm.

Để đủ ăn, chỉ cần 200 – 250kg lúa/người (bình quân hiện nay là 350 – 400kg/người), tương đương 25 triệu tấn thóc, cộng với 5 triệu tấn dự trữ đề phòng bất trắc. Như vậy, với năng suất lúa bình quân 2 – 2,5 tạ/sào thì mỗi năm bà con chỉ cần gieo trồng 2,5 triệu ha lúa 2 vụ.

Giảm diện tích trồng lúa nhiều như vậy sẽ nảy sinh hệ lụy, thưa ông?

- Bớt 2 triệu ha đất lúa sẽ có 2 hệ quả, thứ nhất là lúa trồng sẽ ít đi, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, lúa không bị ế nên giá sẽ tăng lên 1,5 – 2 lần, 1ha lúa ND có thể thu về 100 – 120 triệu đồng, gấp đôi hiện nay và chắc chắn ND sẽ không bỏ ruộng nữa. Giá lúa lên thì công nhân, viên chức, sinh viên… sẽ kêu.

Nhưng thực tế là hiện nay xăng dầu, điện đều tăng giá để bù lỗ, trong khi 2 ngành này giàu có hơn, vậy tại sao ND không thể tăng giá bán sản phẩm của họ? Lâu nay, ND đã chịu quá nhiều thiệt thòi mà không ai đứng ra bảo vệ, còn điện, xăng dầu đều có Nhà nước bảo vệ để các ngành này không lỗ. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng lúa gạo sẽ ngày càng giảm nên những người thu nhập thấp không có gì phải lo.

Hệ quả thứ 2 là giảm trồng lúa sẽ bớt vài tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nhưng chúng ta sẽ được nhiều cái khác, thậm chí còn thu về nhiều hơn. Ví dụ, chuyển sang trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Vậy chúng ta sẽ được gì? Rõ ràng là khi giá lúa cao, ND sẽ có động lực vươn lên sản xuất hàng hóa, yên tâm làm ruộng. Nhiều người cho rằng, nếu chúng ta bỏ 2 triệu ha đất lúa thì sẽ gây sốc trong dư luận xã hội. Thực ra lâu nay chúng ta vẫn bị bệnh thành tích, rằng xuất khẩu lúa càng nhiều thì càng vinh dự, nhưng mặt trái của huy chương là đời sống người ND tụt đi.

Không phù hợp nữa thì phải sửa

Với 2 triệu ha cắt giảm từ đất lúa, chúng ta sẽ trồng cây gì, thưa ông?

- Trong 10 năm tới, mỗi năm chuyển 150.000 - 200.000ha đất lúa sang trồng cây khác, và phải đảm bảo 3 điều kiện: Trồng loại cây cho thu nhập nhiều hơn lúa, điều này đòi hỏi phải thí điểm và cần Nhà nước, các ban ngành, nhà khoa học vào cuộc, chứ ND không tự biết được; hai là phải chọn loại cây phù hợp với đất đai, khí hậu của nơi đó; ba là phải có thị trường.

Tôi cho rằng, trước hết nên chuyển sang cây ngô, bởi đây là loại cây lương thực cực kỳ quý, giàu dinh dưỡng, có thể trồng lấy hạt để chế biến thức ăn chăn nuôi, có thể trồng ngô rau (ngô bao tử), ngô ăn tươi, làm thức ăn cho gia súc, nuôi bò sữa. Hiện, 1ha ngô lấy hạt cho năng suất 7-8 tấn/vụ, chỉ cần trồng 1 vụ ngô thu nhập đã bằng 2 vụ lúa. Thị trường thế giới thì lúc nào cũng thiếu ngô nên chúng ta không có gì phải lo ngại khi mở rộng diện tích.

"Tôi cho rằng, chúng ta cần điều chỉnh chủ trương phát triển cây lúa. Thực tế cho thấy, việc xuất khẩu lúa gạo hiện nay đang tụt lùi, chỉ có lợi cho một bộ phận doanh nghiệp chứ ND không hề được hưởng lợi, Nhà nước cũng chỉ thu được ngoại tệ, còn tiền thuế không đáng kể”.
Ông Nguyễn Công Tạn

Nhưng cũng có lo ngại nếu chuyển đổi mà chúng ta không có quy hoạch, định hướng sẽ lại gây mất cân đối cung- cầu trên thị trường đối với một số loại cây trồng như ngô chẳng hạn?

- Để chuyển đổi hiệu quả, tôi cho rằng trước hết cần xây dựng dự án, làm từng bước một, trồng cái gì, ở đâu đều phải tính toán cẩn thận, làm đâu tốt đó nếu không sẽ lại khổ dân, do đó cần cả T.Ư và địa phương cùng làm. Đừng để ND trở thành nơi thí nghiệm, rồi câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mãi không có hồi kết.

Thứ hai là phải đổi mới cơ chế chính sách về đất đai. Hiện nay, chính sách đất đai là một trở lực đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, ND muốn chuyển đổi đều phải xin phép, giấy tờ thủ tục rất phức tạp.

Ngày xưa, tôi cũng ủng hộ việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa, nhưng 2 năm nay tôi nghiên cứu kỹ, thấy không phù hợp nữa nên tôi đề nghị sửa. Hôm qua sai thì sửa để ngày mai đúng. Dân không yêu cầu chúng ta cái gì cũng đúng, nhưng phải cố gắng ít sai, mà đã nhận ra cái sai thì phải sửa.

Thứ ba là cần định nghĩa lại đất nông nghiệp, ví dụ, tôi làm trang trại nuôi bò sữa có được coi là đất nông nghiệp không? Theo tôi, chuồng trại chăn nuôi cũng cần phải được coi là đất nông nghiệp chuyên dùng.

Thứ tư, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học công nghệ. Ở các nước phát triển, khoa học công nghệ đóng góp tới 90% giá trị, trong khi chúng ta mới được 20 – 30%.

Thứ năm, phải tính toán lại kết cấu hạ tầng nông nghiệp, trước đây thủy lợi hóa phục vụ cây lúa, giờ trồng cây khác thì phải tính toán cho hợp lý.

Thứ sáu, phải đầu tư vào chế biến để ngô, sữa trở thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh.

Cuối cùng là đào tạo ND thích ứng với sự chuyển đổi này, dần dần hình thành một đội ngũ ND chuyên nghiệp, có trình độ. Đó cũng là những bước cần làm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.

Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ (thực hiện) (Minh Huệ (thực hiện) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem