Phân bón có loại tăng giá gấp đôi, nông dân trồng cây ăn trái Tiền Giang toát mồ hôi hột
Bao phân DAP tăng giá gấp đôi-có một cơn bão mang tên phân bón, nông dân lo lắng
Anh Phương-Trọng Đạt
Thứ bảy, ngày 09/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Giá phân bón liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó đầu ra nông sản khá bấp bênh khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn. Sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả thay vì chờ giá phân bón giảm là cách mà nông dân nên làm.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè), năm nay, giá vật tư nông nghiệp đầu vào đều tăng; trong đó, tăng mạnh nhất là phân bón. Gia đình ông canh tác vú sữa nên chủ yếu sử dụng phân lân và kali.
Hiện giá phân kali đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2021, giá phân lân cũng tăng khoảng vài chục phần trăm. Không riêng gì các loại phân hóa học, giá phân hữu cơ cũng tăng khoảng vài chục phần trăm so với đầu năm 2021. Do đó, lợi nhuận của nông dân bị ảnh hưởng rất nhiều.
Là người gần như gắn bó cả đời với ngành hàng cây ăn trái, chứng kiến bao biến động của thị trường, ông Huỳnh Nguyên Anh (xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè) cho biết, chưa thể tưởng tượng hết những khó khăn mà nông dân gặp phải trong những năm gần đây.
Ông Nguyên Anh cho biết, dịch Covid-19 quét qua quá nhanh, cuốn đi rất nhiều thứ, trong đó đáng kể nhất là làm cho giá nhiều loại trái cây nằm ở mức rất thấp, tiêu thụ rất khó khăn, có thời điểm trái cây bị ùn ứ không bán được.
Ngoài ra, nông dân còn phải đối mặt với “cơn lốc” về giá vật tư nông nghiệp, nhất là đợt tăng phi mã của giá các loại phân bón. “Trong khi giá nhiều loại trái cây như xoài, bưởi, mận nằm ở mức chạm đáy, phân bón lại tăng rất cao. Giá nông sản xuống quá thấp người dân không có khả năng để đầu tư tiếp cho vườn cây trái dẫn đến hệ lụy là sản lượng, chất lượng những vụ mùa tới sẽ bị ảnh hưởng, đời sống người dân tiếp tục khó khăn”- ông Nguyên Anh cho biết như thế.
Thực tế rõ ràng nhất là trong thời gian vừa qua, giá thanh long liên tục nằm ở mức thấp, tình hình tiêu thụ gặp khó, trong khi chi phí đầu vào tăng rất cao, chủ yếu là phân bón, càng khiến cho người trồng thanh long thêm khó khăn. Thực tế vừa qua dẫn đến tình trạng chung là nhiều hộ dân trồng thanh long phải đối mặt với thua lỗ.
Ông Huỳnh Công Dũng (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) cho biết, gia đình ông trồng thanh long chủ yếu sử dụng phân bón DAP. Năm 2021, phân bón DAP chỉ có giá 900.000 đồng/bao/50 kg, hiện đã tăng lên hơn 1,2 triệu đồng/bao.
Theo ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (xã Trung An, TP. Mỹ Tho), thời điểm này, giá phân urê đã tăng khoảng gấp 3 lần so với đầu năm 2021. Từ nửa tháng 3-2022, giá phân urê tiếp tục tăng, hiện đang ở mức trung bình từ 18.500 - 19.000 đồng/kg.
Phân NPK hiện có giá khoảng 22.000 đồng/kg, tăng khoảng gấp đôi so với năm 2021, giá các loại phân khác cũng tăng khoảng gấp đôi. Theo dự đoán, trong thời gian tới, giá phân bón vẫn chưa hạ nhiệt mà tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do hiện nay, nguồn cung ứng nguyên liệu và thành phẩm phân kali, NPK, DAP từ Nga, Belarus về Việt Nam đang đứt hàng.
Chưa kể, nguồn cung cấp phân DAP từ thị trường Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do chính sách Zero Covid của nước này. Giá phân bón tăng chủ yếu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Thời điểm này, muốn giảm chi phí phân bón trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giải pháp trước mắt là khuyến cáo nông dân bón phân tiết kiệm trong sử dụng chứ khó thể hạ giá phân bón.
Từ cuối năm 2021 đến nay, nông dân trồng thanh long toàn lỗ. Giá bán chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, thương lái đến mua chỉ được một nửa, còn một nửa bỏ lại cho nhà vườn. Trồng thanh long mỗi lần bón phân hóa học không nhiều, nhưng bón nhiều đợt, phải rải liên tục.
“Trong các loại chi phí đầu vào, chi phí phân bón là nhiều nhất. Trung bình mỗi vụ xông đèn phải bón phân tới 5 lần. Do đó, giá phân bón tăng dẫn đến chi phí tăng lên rất nhiều” - ông Dũng cho biết thêm.
Cùng chung với nhiều nông dân trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, nông dân trồng thanh long ở cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công cũng đang rất khó khăn do giá phân bón tăng.
Gia đình anh Trần Bình Tân (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) vừa thu hoạch 5 công thanh long nghịch vụ bán với giá 7.000 đồng/kg (loại 1, 2, 3). Sau khi trừ đi chi phí, lứa thanh long này, gia đình anh lỗ khoảng 10 triệu đồng. Theo anh Tân, hơn 1 năm nay, giá phân bón tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất tăng theo, ảnh hưởng lớn đến đồng lời của nông dân. Ngoài giá phân bón tăng, nhiều chi phí như thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, nhân công… đều tăng gây khó khăn lớn cho nông dân.
2. Tất nhiên, giá phân bón tăng cao không chỉ tác động đến ngành hàng cây ăn trái, mà còn quét qua nhiều lĩnh vực của ngành Nông nghiệp. Đánh giá tổng thể về sản xuất nông nghiệp và những yếu tố tác động, tại hội nghị được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) một lần nữa chỉ ra rất nhiều thách thức mà ngành Nông nghiệp phải gánh chịu. Nhìn trên bức tranh toàn cục, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng, nhận định đại dịch, giá phân bón tăng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn là 3 thách thức lớn của sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021 - 2022.
Điều này hoàn toàn đúng với thực tế nhưng có lẽ không chỉ đối với tình hình sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022, mà còn cả trên bình diện toàn ngành Nông nghiệp. Minh chứng dễ nhận thấy rằng, trong những tháng gần đây giá phân bón tăng phi mã đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất của nông dân.
Bằng chứng là một bao phân DAP 50 kg vào đầu năm 2021 có giá chỉ khoảng 700.000 đồng, nay đã lên gấp đôi. Phân NPK loại 25 kg cũng tăng từ 350.000 đồng lên 550.000 đồng/bao hay phân urê từ 390.000 đồng/bao đã tăng lên gần 1 triệu đồng.
Trên bức tranh toàn diện, bên cạnh giá tăng cao, việc sử dụng phân bón chưa hợp lý của nông dân cũng còn nhiều điều đáng bàn. Điều này cũng góp phần làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và hiển nhiên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hiện vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao.
Đặc biệt, cây lúa là một trong những cây trồng chính trên địa bàn tỉnh với diện tích gieo sạ hằng năm hơn 136.000 ha. Trong thâm canh cây lúa hiện nay, nông dân vẫn còn sử dụng rất nhiều phân bón. Việc giá phân bón tăng cao, đặc biệt là trước diễn biến của dịch Covid-19, đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của nông dân. Hơn nữa, vấn đề thất thoát trong sử dụng phân bón đang có xu hướng tăng do nông dân bón vượt liều lượng khuyến cáo và bón không theo nguyên tắc nên gây lãng phí.
Để giúp nông dân giảm chi phí phân bón, mới đây Sở NN-PTNT đã triển khai thí nghiệm giảm phân bón trên vụ lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 tại các huyện phía Đông và phía Tây của tỉnh bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, để giúp người dân sử dụng hiệu quả phân bón, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất liên kết sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, có hiệu quả để áp dụng trên địa bàn, ứng dụng phân bón hữu cơ gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh giúp giảm sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.