Vì sao cá rô đồng có thể đi hàng cây số để tìm nơi đẻ trứng ở Tiền Giang?
Tiền Giang: Mùa cá lên đồng, nhớ có những con cá rô "bụng mang dạ chửa" cằn hàng cây số tìm nơi đẻ
Thứ hai, ngày 14/03/2022 05:46 AM (GMT+7)
Cơn mưa đầu mùa đổ xuống đồng ruộng khô cằn như trút nước. Vết nứt nẻ sau những ngày nắng hạn dần khít lại, cây cối cũng bắt đầu khoác lên mình một diện mạo mới. Mưa về, lũ cá ở kinh, rạch sau những ngày tháng “nhớ đồng” bắt đầu tìm nơi sinh sản. Vậy là một mùa cá lên đồng nữa lại về.
Cơn mưa rạng sáng nay làm dịu đi cái nóng bức, dịu đi nỗi nhớ cồn cào về những hoài niệm của mùa bắt cá lên đồng.
Nhớ lúc còn nhỏ, lòng tôi lại nôn nao mỗi khi hàng me trước cửa nhà nội đâm những chồi non và tiếng mưa rớt lộp độp hòa cùng tiếng gió xào xạc trên mái nhà là tôi cùng đám bạn trong xóm lại rủ nhau dầm mưa để bắt cá lên đồng.
Hồi đó, cá còn nhiều lắm. Hễ mưa là chúng tôi lại đến những nơi nước chảy ngược để tìm cá lên đồng. Những ngọn rạch là nơi cá thường lên nhất. Những con cá rô đồng bụng chứa đầy trứng cứ thế ngược theo dòng nước tìm đến vùng đất mới.
Bọn trẻ chúng tôi hồ hởi chạy dọc theo những con kinh, rạch để đón nhận “lộc trời”. Tôi vẫn còn nhớ như in về ngọn rạch phía sau nhà: Mỗi lần những cơn mưa đầu mùa trút xuống, đàn cá rô đồng như một bầy rắn “lắn quắn” lóc lên theo đường nước để tìm nơi sinh sản.
Rồi cả những buổi chiều tan học, thấy trời vần vũ mây đen, tôi chạy ùa về thật nhanh kẻo lỡ dịp bắt cá. Cho tới bây giờ, cái cảm giác vui sướng khi cầm trên tay con cá ú mềm dường như chưa thể phai mờ.
Cũng cần nói thêm, loài cá rô đồng rất dẻo dai, có thể di chuyển hàng cây số để tìm nơi đẻ trứng. Mỗi lần bị gai của nó đâm, đến tận hôm sau vẫn còn nhức. Vậy mà, khi trời mưa, chúng tôi lại tiếp tục rong ruổi để bắt cá rô đồng. Có thể nói, mùa cá lên đồng là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho người dân quê tôi mỗi khi mùa mưa tới.
Nói đến mùa cá lên đồng, không thể không nhắc đến những đêm mang chiếc nôm “lặn hụp” bắt cá trên những đám ruộng trũng.
Trước đây, đèn pin sạc điện chưa thông dụng như bây giờ, nhà tôi phải đi soi bằng bình ắc quy nạp năng lượng bằng axit. Mỗi lần hết bình phải chạy ra tận chợ nạp đầy để tối đi soi cá.
Ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn cứ thế xuyên màn đêm lần theo dấu cá, mặc cho tiếng sấm, chớp vang trời. Ánh đèn gắn bó với tuổi thơ tôi trong những đêm rong ruổi bên ruộng đồng.
Mẹ tôi thường hay kể, mùa bắt cá lên đồng chỉ có từ khi quê tôi được xây dựng công trình thủy lợi Ngọt hóa Gò Công.
Trước Ngọt hóa Gò Công, quê tôi vẫn còn nước lớn, nước ròng mỗi ngày. Thế nên, chỉ có những loài cá như: Cá kèo, bống dừa… là phổ biến. Và rồi con đê ngăn hai dòng mặn - ngọt được hình thành, quê tôi bắt đầu “chuyển mình”.
Từ đó, mỗi mùa mưa về, quê tôi lại chào đón mùa cá lên đồng. Những năm đầu, cá đồng nhiều vô kể. Ăn không hết, nhà tôi còn làm mắm và phơi khô để dành ăn. Dần theo thời gian, với cách đánh bắt tận diệt, cá đồng không còn nhiều như trước.
Mẹ tôi lại xuýt xoa khi nhớ về cái thời “cá ăn không hết”.
Ngày nay, người dân sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến môi trường sống của cá đồng. Cùng với đó là cách đánh bắt cá đồng tận diệt bằng xung điện đã làm cho nguồn cá đồng ít đi. Mặt khác, hiếm khi đi bắt cá lên đồng theo cách xưa, mà thay vào đó là dùng xiệt điện bắt cá - hình ảnh quá xa lạ với những hoài niệm của tôi về mùa bắt cá lên đồng.
Chính sự phổ biến của cách đánh bắt tận diệt này đã làm số lượng cá đồng ngày càng ít đi. Mắt nhìn theo những người chích điện, khiến tôi không khỏi chạnh lòng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.