Phận nghề “hạ bạc“ ở ngôi làng làm chổi

Thân Thị Thanh Trâm Chủ nhật, ngày 28/09/2014 15:32 PM (GMT+7)
Không biết nghề làm chổi có từ khi nào, chỉ nghe những cụ già trong làng bảo rằng nghề này đã có lâu lắm rồi. Từ khi còn chiến tranh loạn lạc, mặc cho những cuộc càn quét, truy kích của quân địch, ban ngày dân làng Chiêm Sơn lo việc đồng áng, đêm về chong đèn ngồi xúm xít ở đầu làng để bó chổi, rồi gánh ra bán ở Hội An để vượt qua đoạn ngày khốn khó.
Bình luận 0
Hòa bình lập lại, nghề đan chổi vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Để hoàn thành một cái chổi phải kể đến nhiều công đoạn, và nguyên liệu chính là cây đót. Và bứt đót từ lâu đã trở thành một cái nghề, để kiếm thêm thu nhập cho trẻ em và người già nơi đây.

img

Bà Thơm gắn bó bên cây đót gần cả đời người.

Làng chổi Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm ẩn mình dưới chân núi Chiêm Sơn tĩnh lặng, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Bao câu chuyện về phận người, phận đời về nghề làm chổi - cái nghề mà nhiều người từng xem là nghề “hạ bạc” thu hút bao bước chân lãng du khi qua vùng đất này. 
Với họ mơ ước cuộc sống ấm no, có điều kiện cho con trẻ đến trường là nhiều lắm rồi. Họ không màng gì đến sự giàu sang, phú quý như bao nơi khác. Cuộc đời họ giản dị như bao cây đót mọc lên đầy sức sống, bên vệ đường mặc cho gió sương vật vã.

Nghề làm chổi ở Chiêm Sơn, ban đầu có vài hộ, đến nay đã có hơn 50 hộ kế thừa và phát huy. Và đã có những hộ “phất” lên từ nghề này, trở nên giàu có. Bên cạnh đó, với họ nghề bứt đót, làm chổi chỉ đủ để trang trải qua ngày. Nghề bứt đót tồn tại song song với nghề làm chổi. Và những người phụ nữ ấy xem nghề bứt đót, làm chổi là định mệnh gắn bó với họ suốt đời người.

Cụ Nguyễn Thị Lan (82 tuổi, trú tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tâm sự: “ Nghề này tuy vất vả nhưng vui. Tôi làm nghề này từ thời con gái. Trước đây, nhiều người khuyên tôi nên bỏ nghề, tìm nghề khác có thu nhập cao hơn. Nhưng tôi yêu nghề như chính yêu bản thân mình vậy. Đây là nghề do cha tôi để lại, không phải nói bỏ là bỏ được. Gia đình tôi có hai mẹ con. Hằng ngày con tôi đi bứt đót, tôi ở nhà đan chổi đổi gạo kiếm cơm qua ngày”.

Nằm trên tuyến đường du lịch Hội An- Mỹ Sơn, và có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như dinh bà Chiêm Sơn, lăng mộ bà Đoàn Qúy Phi, chùa Vua... Làng chổi Chiêm Sơn, với vẻ yên  tĩnh của một làng quê có sông, núi hữu tình, con người mộc mạc, hiền hòa. Nên làng chổi Chiêm Sơn cũng là nơi dừng chân của nhiều du khách qua lại.

Các vùng đồi núi cao thuộc xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Sơn… và các vùng giáp ranh huyện Quế Sơn, Nông Sơn là nơi mà cây đót mọc nhiều nhất. Và ở đâu có đót mọc, ở đó in dấu chân người qua. Những bông đót vươn lên, phất phơ trong gió chờ bàn tay người đên mang về.

img

Chở đót đi bán.
Thành phần đi bứt đót có khi là những phụ nữ lớn tuổi, trẻ em tranh thủ những ngày cuối tuần để bứt đót kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Bà Nguyễn Thị Thơm ( 65 tuổi, trú tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) kể: “Bốn giờ tôi dậy chuẩn bị cơm, nước rồi chờ đứa cháu đến chở qua các vùng núi lân cận bứt đót, đến chiều tối mới về. Cực lắm! Nhưng cũng phải cố, không làm lấy chi ăn, con cái đứa nào có phần nấy rồi. Bứt đót lo nhất là trời mưa bất ngờ thôi, vì khi đó đót sẽ chuyển màu không bán được. Mỗi ngày tôi bứt được gần 30kg đót, mỗi kg bán được 7.000 đồng. Có bữa nhức chân, nhức tay quá nên ở nhà”.

Đót sau khi bứt về, có người dùng để làm chổi, có người bán cho tư thương để kiếm tiền mua con heo, con bò để làm vốn nuôi con cái ăn học.  Có người xem nghề bứt đót, làm chổi là cái nghề “hạ bạc” bởi nó quá vất vả, mà thu nhập chẳng là bao. Nhưng hình ảnh của những người đàn bà làng chổi mặt mũi lấm láp, tay chân chai sần bên đống đót để kiếm tiền nuôi con ăn học, làm tôi thêm khâm phục bởi ý chí và nghị lực của họ. Họ là những bông hoa vươn lên làm đẹp cho đời.

Với họ, sống lâu ngày trong cái khổ, cái vất vả dường như đã quen. Mỗi ngày trôi qua, quần quật với cây lúa ngoài đồng, với đàn heo, đàn bò, thì nghề bứt đót làm chổi cũng là một trong những nghề để họ kiếm thêm tiền trang trải chợ búa, mua tấm áo cho con, có khi là quyển sách quyển vở.

Chiều tàn. Tôi ra về. Hương quê, hương đót và cảnh những em nhỏ đầu làng hí hửng vì mẹ chúng lam lũ đang trở về từ nơi núi xa... tất cả như níu bước chân tôi ở lại với vùng quê yên bình, nhưng còn nhiều lam lũ khốn khó này. Nụ cười hồn nhiên trong sáng của lũ trẻ như xua tan không khí ảm đạm, buồn tẻ ở một vùng quê nghèo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem