Liệu cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp có đúng luật?. Ảnh: Sputnik.
Theo khoản 4, Điều 2, Chương I của Hiến chương LHQ, “tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.
Trường hợp duy nhất vũ lực được chấp nhận là “tự vệ” (self-defense, Điều 51, Chương VII) và “can thiệp nhân đạo” (humanitarian intervention). Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực để nhằm duy trì an ninh quốc tế cũng được chấp nhận trong những trường hợp đặc biệt.
Trong trường hợp của Syria, cả 3 nước Mỹ, Anh và Pháp đều tuyên bố mình có trách nhiệm buộc Syria phải tuân thủ nghĩa vụ với Công ước Vũ Khí Hóa học (năm 2013, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã gia nhập Công ước này nhằm tránh bị phương Tây can thiệp quân sự). Washington, London và Paris lý luận rằng HĐBA đã không thể can thiệp nghi vấn chính phủ Syria sử dụng vũ khí học nên việc sử dụng vũ lực là cần thiết để duy trì trật tự an ninh thế giới, bất chấp HĐBA có đồng ý hay không (trong thực tế là 3 nước này đã tấn công mà không báo cáo HĐBA).
Kiểu lý luận đã từng được thấy hồi năm 2003 khi Mỹ và đồng minh xâm lược Iraq với lý do Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hợp Quốc (do thiếu chứng cứ) và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.
Đó là về khía cạnh duy trì an ninh, luật lệ quốc tế.
Trong tuyên bố chính thức về lý do tấn công, chính phủ của Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh vào khía cạnh bảo vệ người dân Syria trước các cuộc tấn công hóa học có thể xảy ra trong tương lai hay có thể nói tóm gọn là “can thiệp nhân đạo”. Thực tế cho thấy thì đây là lý do mạnh mẽ và thuyết phục hơn nhiều so với tuyên bố “duy trì trật tự quốc tế”.
Được biết, trong suốt những năm 90 của thế kỷ trước, “can thiệp nhân đạo” rất phổ biến, được phương Tây áp dụng ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ sau Chiến tranh Kosovo năm 1999, LHQ đã phải giới hạn học thuyết “nghĩa vụ bảo vệ” (R2P) này trong các chiến dịch có sự cho phép của HĐBA để đảm bảo các nước lớn không lợi dụng lá bài “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Cuộc chiến tranh Kosovo bắt đầu từ năm 1998 và kéo dài chỉ tới năm 1999. Đây là cuộc chiến xung đột giữa người Serbia và lực lượng an ninh Nam Tư cũ với một bên là Quân giải phóng Kosovo tự xưng và các cộng đồng người thiểu số đòi ly khai Nam Tư.
Cuộc chiến này đạt đến giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm vào tháng 1.1999 khi một vụ thảm sát người Albania diễn ra ở Racak. Vụ thảm sát này ngay lập tức bị dư luận quốc tế lên án và được coi là cái cớ để NATO cùng Mỹ đưa quân tới ném bom, tấn công Kosovo.
Mỹ cùng các nước phương Tây tuyên bố cuộc ném bom tấn công Nam Tư này là để bảo vệ nhân quyền, chống lại hành vi thanh trừng sắc tộc. Tuy nhiên, mục đích chính của họ lại là để phô trương sức mạnh, kiềm chế Liên Xô và gạt tầm ảnh hưởng của Nga ra khỏi khu vực Balkan cũng như thử nghiệm các loại vũ khí mới.
Ngoài ra, nguyên nhân được cho là chủ yếu nhất của Mỹ và NATO trong cuộc tấn công mà Mỹ chiếm tới 75% quân số này đó là để áp đặt các tiêu chuẩn, giá trị của Mỹ ở châu Âu mà cụ thể ở đây là tiêu chuẩn "nhân quyền" và giá trị "tự do" của phương Tây.
Được biết, đây là lần đầu tiên NATO sử dụng lực lượng quân sự mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và chống lại một quốc gia có chủ quyền không đặt ra mối đe doạ thực sự nào với bất kì thành viên nào trong liên minh.
|
Như vậy, với cả hai lý do “duy trì an ninh” và “can thiệp nhân đạo”, Mỹ-Anh-Pháp đều hành động mà không có sự phê chuẩn của HĐBA LHQ. Thay vì tuân thủ luật pháp quốc tế với cương vị là các nước lớn, Washington, London và Paris lại đóng vai “cảnh sát quốc tế” để hành động theo ý muốn của mình, bất chấp sự phản đối của Nga và cộng đồng thế giới.
Nói một cách ngắn gọn: Mỹ và phương Tây đang chơi không đúng luật!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.