Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Phan Minh Nguyệt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) - doanh nghiệp đã có 20 năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn thủ đô.
|
Hadico sẵn sàng liên kết với nông dân để phát triển nông nghiệp. |
Ông Nguyệt cho biết: Làm nông nghiệp (NN) bây giờ không chỉ đơn thuần là trồng trọt, chăn nuôi, mà còn có cả các dịch vụ NN. Đặc biệt, với thủ đô Hà Nội, phải xác định phát triển NN là NN công nghệ cao, NN đô thị sinh thái, NN gắn với cảnh quan môi trường, du lịch. Trong cơ chế thị trường hiện nay, ngay như 7.000 lao động của Hadico cũng không thể trông chờ vào sản xuất NN đơn thuần được. Chúng tôi phải làm các dịch vụ liên quan đến NN như cung cấp phân bón, chế biến thức ăn chăn nuôi, cung ứng giống, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, du lịch sinh thái, du lịch NN...
Phải làm nông nghiệp công nghệ cao
Có trong tay nhiều đất đai, trong đó nhiều khu đất "vàng", Hadico làm sao để vừa phát huy giá trị của đất mà vẫn giữ được định hướng hoạt động trong lĩnh vực NN?
- Chúng tôi được Nhà nước giao cho quản lý gần 5.000ha đất tự nhiên các loại. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là do các cấp có thẩm quyền quyết định. Có những khu vực công ty đề xuất làm NN, nhưng do đô thị hoá, nên không thể làm được. Định hướng của chúng tôi hiện nay vẫn là làm NN, Hadico đang có hơn 300ha đất của Nông trường Tam Thiên Mẫu ở Bắc Ninh, nhiều đơn vị đặt vấn đề chuyển đổi thành khu đô thị, nhưng chúng tôi vẫn quyết giữ để hợp tác với Nhật Bản làm khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
“Tôi làm NN 20 năm, nhưng không mấy ai hỏi chúng tôi cần chính sách gì. Có vẻ như, chính sách là của "nhà" chính sách, còn làm ruộng là việc của chúng tôi. Một số chính sách hiện nay thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ, nên làm mất thời gian, mà mất thời gian là mất nhiều hơn tiền”.
Ông Phan Minh Nguyệt
Ông từng nói, đầu tư vào NN Hà Nội rất khó khăn, song vì sao ông và Hadico vẫn quyết tâm làm NN?
- Nói thật là làm NN thuần tuý không có lãi. Có thể có lãi trong một mùa, với một loại cây, con nào đó, nhưng tổng thể thì bây giờ rất khó có lãi. Nhưng khi thành lập mô hình doanh nghiệp (DN) chi phí rất lớn, nhiều khoản chi, nên không thể quyết toán vào con lợn, con gà được.
Theo tôi, để DN yên tâm làm NN, Nhà nước nên làm những việc mà DN, người dân không được làm và không làm được. Những việc DN làm tốt rồi, Nhà nước không nên làm. Chẳng hạn việc chọn tạo giống lúa, Nhà nước nên đầu tư, quản lý toàn bộ. Khi thành công rồi thì giao cho DN tự làm, tự kinh doanh. Có nghĩa là, Nhà nước nên đứng ra chịu rủi ro ban đầu.
Mô hình NN công nghệ cao cũng vậy. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước không có mưa, thiên nhiên khắc nghiệt mới phải làm nhà kính; còn chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, việc gì phải làm. Ý kiến đó nghe cũng có lý. Nhưng đến năm 2017, khi không còn hàng rào thuế quan với sản phẩm NN, hàng hoá NN nước ngoài có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, thì dạ dày sẽ "bảo" bạn phải mua sản phẩm của họ.
Vì thế, chúng ta phải làm NN công nghệ cao từ bây giờ để tạo ra các sản phẩm hàng hoá đồng đều, có chất lượng cao. Tương lai, thế giới sẽ cạnh tranh khốc liệt về lương thực. Chúng ta có lợi thế trong việc lo cho “cái dạ dày” nhân loại. Nếu cứ làm theo kiểu con trâu đi trước, cái cày theo sau thì không thành công.
Được biết, trước đây Hadico có hợp tác với một đơn vị của Israel để làm dự án NN công nghệ cao ở Từ Liêm, song vì sao mô hình này lại không thành công, thưa ông?
- Thất bại và thành công là bình thường, tôi không ngại điều đó. Dự án này được Nhà nước quy hoạch từ năm 1999. Lúc đó, Từ Liêm là ngoại ô. Đến năm 2004, khi dự án khánh thành, hoạt động chưa được lâu, thì đến năm 2007- 2008 ở đây bắt đầu đô thị hoá mạnh, từ đó cốt nền, hệ thống thuỷ lợi bị phá huỷ, nên dự án phải chuyển đi. Tuy vậy, dự án vẫn mang lại rất nhiều thành công.
Ví dụ như, nếu canh tác thông thường, cà chua chỉ đạt 30 tấn/ha/năm; còn với mô hình này, chúng tôi đạt đến 300 tấn/ha/năm. Khó khăn là chúng tôi chỉ có 8.000m2 đất, nên không làm gì được. Đáng ra, Nhà nước cần nhân rộng, phải đầu tư nghiên cứu và sản xuất được công nghệ nhà kính, hệ thống tưới tiêu... Chúng ta phải làm hàng chục ha nhà kính để có thể sản xuất và xuất khẩu tại chỗ cho các khách sạn lớn có vốn nước ngoài ở Hà Nội.
Nông dân cần biết kinh doanh
Vấn đề được quan tâm nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay là, chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo ông, chúng ta cần làm gì để thực hiện chủ trương này?
- NTM là chủ trương, chính sách rất quan trọng. Nhưng nếu làm không khéo, chỉ làm điểm một vài xã sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các làng, xã ở nông thôn. Theo tôi, bất cập nhất ở nông thôn hiện nay vẫn là vấn đề canh tác, sản xuất. Đất đai đang bị chia nhỏ, nên cần phải dồn điền, đổi thửa để mở rộng sản xuất. Khi sản xuất tốt, kinh tế phát triển, nông dân sẽ tự làm được điện, đường, trường trạm. Khi nông dân không có đất sản xuất nữa thì phải đào tạo, hỗ trợ môi trường làm việc cho họ. Lúc đó, vấn đề chuyển dịch lao động sẽ do nông dân tự điều tiết, Nhà nước không thể quyết định thay được.
Theo ông Phan Minh Nguyệt, mặc dù tỷ trọng doanh thu từ sản xuất NN của Hadico ngày càng ít đi, song giá trị tuyệt đối lại tăng lên. Nếu trước đây, doanh thu của Hadico toàn bộ là từ nông nghiệp (khoảng 30- 40 tỷ đồng/năm), thì hiện nay đã lên đến 500- 600 tỷ đồng/năm, trong đó NN chỉ chiếm 20% (hơn 100 tỷ đồng).
Với kinh nghiệm mà Hadico đúc rút được, để tạo ra một nền NN hàng hoá quy mô lớn, chúng ta nên tổ chức theo mô hình nào, thưa ông?
- Sản xuất NN theo quy mô gia đình sẽ thất bại. Cần mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất để phát triển theo mô hình trang trại. Một nông dân làm ruộng quanh năm không đủ ăn, nhưng nếu họ thuê hoặc mua thêm đất để sản xuất; sau đó, họ kết hợp với các DN để bán hàng, làm thương hiệu... thì sẽ có lãi. Hadico sẵn sàng liên kết với bà con nông dân để phát triển sản xuất và kinh doanh NN.
Tôi cũng thấy rằng, muốn liên kết, Nhà nước cần làm nhạc trưởng, là người cầm trịch. Thực tế cho thấy, DN cung cấp cho nông dân phân bón, giống, nhưng khi làm ra sản phẩm thì họ bán cho người khác. Khi đến kỳ thu hoạch, DN đến mua sản phẩm, thì tối hôm trước, nông dân lấy con to, quả đẹp bán đi; còn loại èo uột mới để lại cho DN. Việc đó không có một ràng buộc chặt chẽ, không có cách gì xử lý. Ở đây, ông chủ tịch xã, chủ tịch huyện phải đứng ra làm trọng tài xử lý. Cơ chế thị trường trong sản xuất NN hoàn toàn khác. Ở một số nước, thậm chí chính quyền họ còn quản lý đến từng con gà, từng cọng rau.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.