Phiêng Khoài vươn lên từ đất nghèo

Thứ tư, ngày 04/06/2014 09:41 AM (GMT+7)
Với hơn 2.500 hộ dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, mỗi khẩu có chưa đến 10m2 ruộng nước, nhưng Phiêng Khoài đã vươn lên trở thành xã kinh tế mạnh của huyện Yên Châu (Sơn La).
Bình luận 0
Nội lực Phiêng Khoài

Vốn là xã vùng 3 của huyện Yên Châu, cách xa trung tâm huyện, giao thông khó khăn, cư dân chủ yếu là các dân tộc Thái, Mông, Sinh Mun…, nên xã Phiêng Khoài nhiều năm trước "nổi tiếng" bởi tỷ lệ đói nghèo cao. Nhưng những năm gần đây, xã có sự bứt phá rất mạnh về kinh tế.

Anh Phan Văn Tình - Chủ tịch UBND xã cho biết: Nông sản hàng hoá của chúng tôi rất đa dạng, ngoài cây lúa, ngô còn có đậu tương, sắn, mía, chè, lạc, cải dầu, rau đậu, hoa quả tươi với số lượng lớn. Năm vừa qua, xã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2012 là 12%; tổng thu nhập toàn xã hơn 127,5 tỷ đồng; trong đó ngành nông-lâm nghiệp chiếm gần 90 tỷ đồng; bình quân lương thực đạt hơn 1 tấn/người/năm; bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 1.060.000 đồng/tháng…

Sản lượng quả tươi hàng năm ở Phiêng Khoài (chủ yếu là xoài, mận) đạt gần 4.000 tấn/năm.
Sản lượng quả tươi hàng năm ở Phiêng Khoài (chủ yếu là xoài, mận) đạt gần 4.000 tấn/năm.

Chúng tôi đến bản Lao Khô khó khăn nhất xã, nằm trên vùng biên giới Việt-Lào, nơi cư trú của gần 100 hộ đồng bào Mông. Nhiều năm trước, cái đói nghèo đeo đuổi cuộc sống người dân Lao Khô tưởng như không thể dứt ra nổi. Nhưng nay thì cuộc sống của bà con đã no ấm hơn nhiều. Theo Trưởng bản Tếnh Lao Lánh thì bây giờ người Mông Lao Khô không đói nghèo, lạc hậu như trước nữa đâu.

“Chúng tôi đã học tập được nhiều cái hay, cái mới như: Cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả giá trị cao; đào ao thả cá, đưa giống ngô, giống lúa mới và phân bón vào sản xuất trên nương; biết làm cái chợ vùng biên với nhiều dịch vụ thu hút các bạn hàng cả trong huyện và bên Lào về mua bán, trao đổi hàng hoá. Đàn trâu, bò của bản đã có tới gần 300 con, nhiều dê, lợn, gà, vịt nữa. Xe máy ở bản thì nhiều lắm rồi, lắm hộ còn sắm được ô tô tải để làm dịch vụ đấy…” – Trưởng bản Lánh khoe.

Trong căn nhà sàn lợp ngói to rộng bên bản Cồn Huốt, lão nông Lò Văn Hặc (62 tuổi), chậm rãi kể về hành trình vượt khó của người dân Phiêng Khoài. Theo ông Hặc, có cuộc sống như hôm nay, người dân Phiêng Khoài phải nỗ lực rất lớn trong cả thập kỷ vừa qua. Nhiều khi nhịn đói làm nương; bớt ăn bát cơm, cái bắp ngô để cho con gà, con lợn không bị đói; tạm quên mua sắm xe máy để có con bò cái, lợn nái, dê đàn...

“Ngay như cái vườn mận hậu này của nhà tôi, nhiều lúc muốn phá đi để trồng nương ngô, nương lúa lấy cái ăn trước mắt. Nhưng nghĩ lời cán bộ bảo muốn làm giàu thì phải kiên trì, thế là lại bấm bụng đi tìm đất khai hoang, trồng lúa, ngô. Nhờ thế mấy năm nay, vườn mận này cho thu hoạch tới 25-30 triệu đồng/vụ đấy. Người Phiêng Khoài bây giờ có nhiều triệu phú, tỷ phú rồi…” - lão Hặc bảo vậy.

Quyết không để tái nghèo

Cũng theo lão Hặc thì chuyện xoá nghèo ở Phiêng Khoài hiện nay sẽ bền vững vì người dân ở đây bây giờ đã được trang bị nhiều kiến thức mới trong cách làm ăn, được Nhà nước hỗ trợ vốn ưu đãi thông qua các chương trình, dự án đầu tư cho vùng cao, biên giới, vùng đồng bào DTTS. Người Phiêng Khoài cũng rất chịu khó làm ăn và tìm hiểu thị trường, phát triển dịch vụ để nâng cao khả năng lưu thông hàng hoá…

Mục tiêu của Phiêng Khoài là vươn lên thoát khỏi tình trạng xã vùng 3, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30% và sẽ chỉ còn hơn 20% vào cuối năm 2014.

Nhắc lại lời ông Hặc với Bí thư chi bộ bản Tà Ẻn, anh Vì Văn Vầu. Anh gật gù: “Đúng thế. Đúng thế. Nhà báo cứ đến bản nào cũng sẽ thấy khả năng xoá nghèo của dân chúng tôi, dù chậm nhưng rất có cơ sở để chống bị thụt lùi (tái nghèo-PV)”.

Ngoài cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày, Phiêng Khoài đã hình thành thế mạnh từ cây công nghiệp với gần 270ha chè, 70ha cà phê, hơn 400ha cây ăn quả. Đàn gia súc trên 16.000 con, hơn 51.000 gia cầm các loại và hàng ngàn đàn ong mật. Dịch vụ thương mại phát triển mạnh với hơn 140 hộ kinh doanh.

Cả xã đã có trên 100 đầu xe ô tô tải. Tổng thu nhập từ kinh tế dịch vụ thương mại-xây dựng cơ bản năm qua của xã đạt gần 40 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển với nhiều loại hình chế biến nông sản…
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem