Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh: Weibo
Manila và Bắc Kinh dường như vẫn lâm vào bế tắc trong việc giải quyết những tranh chấp trên biển ngay cả khi Tòa Trọng tài đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách trong "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông, theo Inquirer. Giới phân tích cho rằng đàm phán bí mật là phương án khả thi nhất hiện nay để Philippines và Trung Quốc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Bắc Kinh luôn miệng tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết từ tòa. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại nói phán quyết sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.
Ông Duterte tuần trước còn đảm bảo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng sẽ triệt để áp dụng phán quyết từ tòa quốc tế tại các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc. Quan điểm của Washington là tất cả các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ những quyết định mà Tòa Trọng tài đưa ra.
Theo giáo sư Alito L. Malinao thuộc Đại học Truyền thông Đại chúng ở Manila, để có thể phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, chính phủ Philippines cần chấm dứt việc đưa tin công khai về những cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc, cũng như nói rằng Bắc Kinh sẽ chấp nhận đàm phán dựa trên các điều kiện do Manila đưa ra.
Nói cách khác, Philippines cần thực hiện một cuộc chiến ngoại giao hoàn toàn bí mật, áp dụng chiến thuật đàm phán thầm lặng, không công khai, không phô trương, nhằm xử lý hiệu quả những tranh chấp ở Biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Song song với đó, Philippines cần thực hiện những nỗ lực ngoại giao hậu trường để đề phòng trường hợp họ không thể giải quyết những mâu thuẫn giữa quan điểm mà Tổng thống Duterte theo đuổi và lập trường không chấp nhận nhượng bộ của Trung Quốc.
Theo ông Malinao, các cuộc đàm phán bí mật có ưu điểm là sẽ giúp cả Manila và Bắc Kinh tránh bị bẽ mặt trong trường hợp đàm phán gặp sự cố, thậm chí đổ vỡ, đồng thời giúp các nhà ngoại giao không phải chịu sức ép quá lớn từ truyền thông và dư luận.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Philippines không cần thiết phải thông báo bất cứ điều gì khi các phiên đàm phán đang diễn ra. Truyền thông chỉ nên biết về chúng khi dự thảo cuối cùng của biên bản ghi nhớ thỏa thuận giữa đôi bên đã sẵn sàng, chỉ chờ lãnh đạo hai nước đặt bút ký.
Một ví dụ điển hình cho phương pháp ngoại giao này là chuyến thăm bí mật tới Trung Quốc hồi cuối tháng 4.1971 của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời điểm đó, ông Henry Kissinger. Khi Washington được Bắc Kinh bật đèn xanh cho biết họ sẵn sàng đón tiếp đại diện của Mỹ, ông Kissinger đã thực hiện một chuyến thăm chính thức đến Pakistan. Tại Islamabad, thủ đô của Pakistan, Kissinger giả vờ bị ốm và nói với các phóng viên rằng ông sẽ tĩnh dưỡng hai ngày tại một biệt thự bên ngoài thành phố.
Trong hai ngày đó, Kissinger đã bí mật bay từ Pakistan đến Bắc Kinh, gặp gỡ và trò chuyện với thủ tướng Trung Quốc khi ấy là ông Chu Ân Lai rồi quay trở về. Những cuộc trao đổi này đã mở đường cho chuyến thăm của tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Bắc Kinh, đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Trung.
Ngoài ra, Philippines và Trung Quốc nên khởi động các biện pháp khôi phục lòng tin nhằm xoa dịu căng thẳng tại các khu vực tranh chấp, ông Malinao đề xuất. Quá trình ký kết "thỏa thuận kết nghĩa" giữa khu tự trị Hồi Ninh Hạ ở Trung Quốc với tỉnh Palawan của Philippines là một bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của ý tưởng trên. Lễ ký kết được tổ chức tại Ninh Hạ hồi tuần trước.
Theo ông Malinao, để thể hiện thiện chí xây dựng lòng tin, Trung Quốc có thể rút lực lượng hải cảnh và tàu quân sự khỏi bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines. Mỹ từng tố cáo Trung Quốc có ý đồ bồi đắp bãi cạn này thành đảo nhân tạo, và cảnh báo hành động đó sẽ châm ngòi cho biện pháp đáp trả từ Washington.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.