Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh: Hội Nông dân tỉnh cần tăng cường phối hợp tạo việc làm cho nông dân

Bùi My Thứ ba, ngày 08/08/2023 16:34 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh đề nghị cần tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề...
Bình luận 0

Ngày 8/8, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 chính thức khai mạc với sự tham dự của 251 đại biểu, đại diện cho hơn 99.000 hội viên, nông dân tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn của cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh làm tốt công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, một trong những điểm nhấn, nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tập trung làm tốt công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp cải thiện rõ rệt; số lượng hội viên tăng, đã kết nạp mới trên 9.500 hội viên nông dân, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh trên 99.000 hội (chiếm 81,2% so với tổng số hộ nông dân toàn tỉnh); đội ngũ cán bộ hội có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh: Hội Nông dân tỉnh cần tăng cường phối hợp tạo việc làm cho nông dân - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028.

Các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân, cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước, là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới"; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Hội viên…

Hội viên nông dân các cấp trong tỉnh đã tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng quy mô, phát triển theo chuỗi liên kết; tích cực tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí để làm đường giao thông nông thôn…

Hội Nông dân các cấp cũng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng, phát triển địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2018-2023 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Trong khi đó, bước vào nhiệm kỳ 2023-2028, dự báo sẽ có thuận lợi, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện 5 nội dung quan trọng

Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh khóa X cần tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhất là các vấn đề gợi mở, để khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đề nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2023-2028 cần tập trung thực hiện tốt 5 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phải luôn bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác hội trong tình hình mới. 

Trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; phát triển toàn diện, bền vững nông thôn gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân; bám sát quy hoạch tỉnh và quy hoạch địa phương để tập trung xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn; nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP..

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh: Hội Nông dân tỉnh cần tăng cường phối hợp tạo việc làm cho nông dân - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh và Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Bùi My

Thứ hai, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, khá giả". Các cấp hội cần làm tốt vai trò cầu nối 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp). 

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, thu hút nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, cơ cấu lao động, tạo việc làm cho nông dân và cư dân nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh: Hội Nông dân tỉnh cần tăng cường phối hợp tạo việc làm cho nông dân - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh tặng Bằng khen cho những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2018-2023. Ảnh: Bùi My

Thứ ba, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững môi trường an ninh, an toàn khu vực nông thôn.

Thứ tư, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phải chủ động, tích cực đổi mới mạnh mẽ, thực chất, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động cho phù hợp; phải thường xuyên sâu sát, chủ động nắm bắt, tiếp thu, lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa hội viên, nông dân với tổ chức hội. 

Thứ năm, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ cho nông dân, nhất là nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo; cần tiếp tục phát huy vai trò đại diện của nông dân, thể hiện được vai trò cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem