Phó Chủ tịch Hội NDVN Đinh Khắc Đính: Nông dân có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh Tổ quốc
Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: Nông dân có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thu Hà (thực hiện)
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 07:16 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính nhấn mạnh: Hội NDVN đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và người nông dân được ví như những “cột mốc” sống, những “mắt thần” đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng biên giới, hải đảo của quê hương, đất nước, xây dựng những làng quê đáng sống.
Chiều nay 8/11, Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2019 - 2024, tại Hội trường lớn, trụ sở Bộ Công an.
Trước thềm Hội nghị, đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trả lời PV Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt về những kết quả đạt được của Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thưa Phó Chủ tịch, từ góc nhìn của Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí thấy những điều kiện thuận lợi, khó khăn nào đã và đang có tác động đến phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2019 – 2024?
-Tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò đặc biệt và có những đóp góp quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh Tổ quốc.
Trong tình hình hiện nay, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới… Các cấp Hội Nông dân Việt Nam luôn tham gia tích cực vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng những làng quê đáng sống và người nông dân được ví như những "cột mốc" sống, những "mắt thần" đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng biên giới, hải đảo của quê hương, đất nước.
Trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực trải qua những biến động to lớn, diễn biến, phức tạp, khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước những trở ngại, khó khăn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế.
Các cuộc xung đột, chiến tranh thương mại, buôn bán ma túy, tội phạm mạng, thiên tai, dịch bệnh… tác động không nhỏ đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, miền núi.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đại dịch Covid-19 được kiểm soát; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tăng cường, kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đó là những điểm sáng mà chúng ta cần khẳng định.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức trong lĩnh vực Quốc phòng – Anh ninh đối với cả nước nói chung, đối với nông thôn, nông dân nói riêng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, kích động các đối tượng phản động, các đối tượng cực đoan tăng cường các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo đồng bào dân tộc ở một số vùng biên giới trốn sang nước ngoài.
Đời sống của một bộ phận nông dân nhất là nông dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai, dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận nông dân rời quê đi kiếm việc làm, trong khi một bộ phận lao động dư thừa ở đô thị, khu công nghiệp trở lại nông thôn tìm sinh kế gây áp lực lên đất đai, việc làm và các vấn đề xã hội.
Tình trạng lừa đảo, tín dụng đen, khiếu kiện đông người liên quan đến đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, tệ nạn xã hội... vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Trong bối cảnh đó, Hội Nông dân Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến hội viên nông dân cả nước như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
-Trong thời gian qua, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân cả nước đã tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; cùng với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội các cấp và lực lượng vũ trang nhân dân đã xây dựng nhiều mô hình hay, hiệu quả góp phần làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ ngày 01/8/2013 giữa Bộ Công an với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về "Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; Hướng dẫn số 3075/BCĐ ngày 12/8/2013 của Ban Chỉ đạo "Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Đáng chú ý, tại Nghị quyết Đại hội VII, VIII Hội Nông dân Việt Nam đưa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Hàng năm Trung ương Hội có văn bản giao chỉ tiêu xây dựng mô hình tự quản tham gia bảo vệ ANTQ; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân ở các địa phương. Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 45-CTPH/HND-BCA ngày 6/7/2017 về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2017-2021.
Năm 2024, Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành văn bản số 91 ngày 21/02/2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về việc thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng an ninh năm 2024 chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh năm 2024; Kế hoạch số 37 ngày 23/4/2024 về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới năm 2024.
Đây là những văn bản quan trọng để các cấp Hội Nông dân ở địa phương có cơ sở phối hợp cơ quan công an xây dựng kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, thực hiện công tác phòng chống tội phạm gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Một trong những điểm sáng của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là đã xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Xin Phó Chủ tịch chia sẻ cụ thể thêm những kết quả này của Hội Nông dân Việt Nam và hội viên, nông dân?
-Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong hệ thống Hội; chỉ đạo các cấp Hội vận động nông dân tham gia "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; phát hiện, thành lập, xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ để nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Có thể kể đến như các mô hình an ninh tự quản, phòng chống tội phạm ở địa bàn nông thôn. Đến nay Hội Nông dân xây dựng được 12.263 mô hình an ninh tự quản về an ninh trật tự tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Các mô hình này được tổ chức hoạt động rất hiệu quả, thiết thực, tác động tích cực đến ý thức phòng ngừa tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội đối với hội viên, nông dân trên địa bàn nông thôn, là hạt nhân trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương, cơ sở.
Qua hoạt động của các tổ an ninh tự quản, Hội Nông dân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, kịp thời nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của hội viên nông dân; tham mưu và tham gia giải quyết các vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các "điểm nóng" khi được phân công.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo các cấp Hội xây dựng và duy trì 5.363 mô hình "Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội" và trên 6.800 Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật".
Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân cung cấp cho cơ quan Công an và chính quyền địa phương 369.287 nguồn tin có giá trị; tham gia phát hiện, tố giác, ngăn chặn được 66.434 vụ vi phạm pháp luật; hòa giải thành hàng ngàn vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; cảm hoá, giúp đỡ hỗ trợ học nghề và tạo việc làm được 21.050 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Có thể nói, công tác phối hợp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các cuộc vận động; các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua của Hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
4 bài học kinh nghiệm của Hội Nông dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Từ những kết quả tích cực nói trên, Hội Nông dân Việt Nam đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quan trọng nào thưa Phó Chủ tịch?
-Thực tiễn của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, các hoạt động của các cấp Hội cũng như cán bộ, hội viên nông dân nói riêng trong bảo vệ an ninh Tổ quốc là rất phong phú. Từ góc nhìn của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm quý được rút ra, trong đó có 4 bài học quan trọng.
Thứ nhất: Đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình phối hợp của Hội Nông dân và lực lượng công an. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị công an và các cấp Hội luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao.
Thứ 2: Chương trình phối hợp cần được cụ thể hóa thành các nội dung, giải pháp hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc ở từng giai đoạn, từng địa phương, đơn vị. Nội dung phối hợp có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp phải được gắn kết chặt chẽ với thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội Nông dân và địa phương phát động.
Thứ 3 đó là đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong tham gia phòng chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ.
Thứ 4 là bài học: Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an và Hội Nông dân các cấp trong thực hiện Chương trình phối hợp. Thường xuyên trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình an ninh trật tự, tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, bức xúc của hội viên, nông dân để tham mưu giải quyết kịp thời và để phòng chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để xảy ra điểm nóng; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt ở các tuyến biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn, nơi trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đến nay Hội Nông dân xây dựng được 12.263 mô hình an ninh tự quản về an ninh trật tự tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân cung cấp cho cơ quan Công an và chính quyền địa phương 369.287 nguồn tin có giá trị; tham gia phát hiện, tố giác, ngăn chặn được 66.434 vụ vi phạm pháp luật; hòa giải thành hàng ngàn vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; cảm hoá, giúp đỡ hỗ trợ học nghề và tạo việc làm được 21.050 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.