"Phố Nhà Thờ" & chàng Tây viết tiểu thuyết tiếng Việt

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy Thứ năm, ngày 08/10/2020 08:30 AM (GMT+7)
"Phố Nhà Thờ" với góc nhìn vừa nông nổi vừa tinh quái, vừa hài hước vừa nghiêm trang của Marko Nikolic vừa được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2020 ở hạng mục Tác phẩm.
Bình luận 0

"Tôi xoay camera về phía cô nhân viên phục vụ, nói bằng tiếng Anh:

- Xin chào em! Đây là Eric, bạn của anh ở Paris. Còn tên em là gì? Hả? Lan? Loan? Linh? Liên ư? Merde, tiếng Việt phát âm khó vãi. Vậy em bao nhiêu tuổi? Hả? Đoán hả? Eric, cậu nghĩ sao, đoán đi. Mười bảy tuổi? Cậu có chắc chắn không? Rồi... Em ơi, em bao nhiêu tuổi? Hai mươi sáu hả? Thật không thể tin nổi, người Việt trông trẻ trung vãi, làm sao đoán được tuổi của họ. Khâm phục quá!".

"Phố Nhà Thờ" & chàng Tây viết tiểu thuyết tiếng Việt - Ảnh 1.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Phố Nhà Thờ" của Marko Nikolic

"Phố Nhà Thờ" hấp dẫn bởi nó trình bày góc nhìn vừa nông nổi vừa tinh quái, vừa hài hước vừa nghiêm trang của một gã trai Pháp mới sống ở Việt Nam. Câu chuyện tình buồn, những quan sát xã hội sâu sắc và hành trình tìm kiếm bản thân đầy day dứt của nhân vật được thể hiện trong lối văn tiếng Việt đầy tự nhiên và giàu cảm xúc.

*

Tháng 1/2019, có một chàng trai Tây đến thẳng Nhã Nam, đề nghị được gặp biên tập viên sách tiếng Việt, không có hẹn trước. Các bạn trực ở hiệu sách gọi lên phòng hỏi xem tôi có tiếp không. Thường nếu không có hẹn trước thì tôi từ chối tiếp luôn, nhờ nhắn tác giả để bản thảo lại, bởi tôi từng trải qua nhiều cuộc gặp bất chợt rất vô nghĩa. Nguyên tắc là bản thảo đi trước, nếu thấy ổn biên tập viên và tác giả mới ngồi lại với nhau để đỡ mất thời gian cho cả hai bên. Nhưng một anh Tây tìm đến tận nơi hỏi về xuất bản tiếng Việt thì lạ, nên tôi đồng ý gặp. Đó chính là Marko Nikolíc. (Marko biết rõ lợi thế này của mình và tận dụng nó triệt để - một gã tinh quái!).

Tiểu thuyết "Phố Nhà Thờ" (NXB Hội Nhà văn) của Marko Nikolic (người Serbia) đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 – 2020 ở hạng mục Tác phẩm. "Phố Nhà Thờ" đã vượt qua 2 đề cử khác là "Hà Nội mũ rơm và tem phiếu" (NXB Lao Động) của Trung Sỹ và "Hà Nội dấu xưa, phố cũ" (NXB Văn học) của Uông Triều để giành giải này.

Tôi đọc bản thảo tiểu thuyết ngay sau hôm đó. Nhìn chung về mặt ngôn ngữ Marko khá nhuần nhuyễn, nhưng nội dung thì chỉ nửa đầu là tốt, sinh động, hài hước, hấp dẫn, nửa sau bị đuối và đọc phải cố. Tôi viết thư cho Marko chia sẻ suy nghĩ của tôi, gợi ý sơ qua việc sửa chữa.

Ném lại cho tôi là một email rực lửa! Marko phản đối tôi bằng lời lẽ đanh thép và gay gắt khiến tôi choáng váng không hiểu mình đã làm gì. Tôi nói rõ hơn việc bản thảo chưa tốt ở đâu. Marko đáp lại, chê Nhã Nam cũng không in được văn học Việt gì nhiều, nói thẳng anh khó chịu với thái độ kiêu căng dạy đời của tôi.

Thì ra đây là lý do. Tôi viết cho Marko rằng đó không phải kiểu cách của tôi. Tôi hay phải từ chối bản thảo, và biết rõ rằng lời từ chối có thể gây "sát thương" nên luôn cố gắng mềm mỏng hết mức. Marko có nhạy cảm quá không, hay lời lẽ của tôi cần tinh tế hơn nữa? Mọi chuyện dừng lại ở đấy. Tôi chờ thấy cuốn tiểu thuyết xuất bản ở một nơi khác.

Ba tháng sau Marko trở lại, với "Phố Nhà Thờ", đã sửa chữa! - Sao bạn quay lại? - Chị nói đúng! Lần này tôi đã bỏ cho "Phố Nhà Thờ" một phiếu thuận, vì nó đã tốt hơn rất nhiều, tôi thực sự khâm phục ý chí và khả năng của Marko. Thêm những sửa chữa nhỏ nữa, đến tháng 9/2019, "Phố Nhà Thờ" ra mắt. Thật là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời biên tập.

*

Phải nói là tôi thích nhân vật Nicolas - gã trai Pháp trong cuốn truyện này, sống động, đầy niềm ham sống, luôn luôn phán xét, hành xử đáo để, thích chinh phục, có thái độ bề trên, nhưng đồng thời luôn khát khao tìm kiếm bản thân, muốn nhận diện chính mình. Nicolas là nhân vật rất động, anh ta giàu suy nghĩ nhưng luôn là suy nghĩ trong hành động thay vì ngồi yên một chỗ để ngó ra thế giới.

"Phố Nhà Thờ" & chàng Tây viết tiểu thuyết tiếng Việt - Ảnh 3.

Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC giải và nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo trao giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội cho tác giả Marko Nikolic

Cuốn tiểu thuyết giàu tính tự truyện này đem lại những quan sát thú vị từ góc nhìn của một chàng trai Tây, điều ta sẽ khó bắt gặp ở những người viết trong nước. Tác giả Marko tâm niệm, phải viết thực tế, xóa bỏ những ảo tưởng để người đọc đối diện sự thật. Sự thật là Hà Nội đầy bê tông và những vỉa hè nhếch nhác; những anh thầy Tây ba lô ào ào đi dạy tiếng Anh không bằng cấp, da trắng mắt xanh là được; những cô gái Việt xanh vỏ đỏ lòng khoe cuộc sống hào nhoáng trên mạng nhưng ngoài đời đi ăn cơm bụi bún chả rẻ tiền; sự thật là du lịch đại chúng đang bùng nổ và làm các danh lam thắng cảnh ngộp thở; sự thực là người Việt coi trọng người da trắng; và con gái Việt thích trai Tây…

Nhìn thấy những điều này, Nicolas bỗng thấy mình ưu việt, một giá trị Pháp, anh ta thấy cả đất nước này xoay quanh mình và coi thường hết đám Tây ba lô "lếch thếch". "Tôi soi mình trong gương lúc đánh răng và tự nhiên mỉm cười, nghĩ rằng mình thích gã đần độn này trong gương. Tôi thích Nicolas vì quyết định sang đất nước này". Cuộc sống của anh ta có thể tóm gọn trong mấy thứ: nhà hàng xa xỉ, tiêu xài tiền triệu, căn hộ sang trọng, vẻ ngoài bảnh bao và phụ nữ đẹp.

Marko Nikolíc sinh năm 1987 tại Serbia. Thạc sĩ trong lĩnh vực giảng dạy. Sử dụng được 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Việt. Đã đặt chân đến khoảng 70 nước trên thế giới. Marko dạy tiếng Anh ở Việt Nam từ năm 2014 và quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Hiện anh sống và làm việc ở Hà Nội. Marko viết sách từ năm 14 tuổi và đã từng ra mắt hai cuốn sách tại châu Âu. Tiểu thuyết "Phố Nhà Thờ" là cuốn sách thứ ba, được viết bằng tiếng Việt.

"Tôi thấy hàng nghìn người đổ vào từ mỗi phía: trẻ con, người lớn tuổi, gia đình, du khách nước ngoài, các cặp tình nhân. "Một cảnh rất có hồn, một dân tộc rất hạnh phúc", tôi nghĩ bụng. Tôi làm theo thiên hạ, dạo quanh hồ, đắm mình vào đám đông và không khí náo nhiệt. Tôi dần phát hiện ra một điều làm tôi vừa bất ngờ vừa thỏa mãn: tôi đang thu hút nhiều sự chú ý của người Việt. Người thì mỉm cười cúi đầu, người thì vẫy tay chào tôi hello, người thì chỉ vào tôi, họ nói với nhau: Tây kia kìa. Một vài thanh niên bắt chuyện cùng tôi, hỏi tôi "where you from?'' và bắt tay, reo "nai tu mít iu''. Một thiếu nữ thậm chí khen tôi đẹp trai và xin phép chụp ảnh selfie cùng. Tôi ngỡ ngàng, chưa hiểu tại sao mọi người thân thiện, nhiệt tình với tôi như thể tôi là một gã nổi tiếng, một ngôi sao quốc tế. Dù sao, sự chú ý đó tạo ra trong tôi thứ khoái cảm chưa từng có, một cảm giác vô cùng dễ chịu. Nó khiến tôi cảm thấy mình là người quan trọng, một chàng trai được người ta ưa thích và quý mến".

"Ô, anh biết tiếng Việt ạ. Anh là người nước nào? Anh là người Pháp. La France. Tháp Eiffel, Napoléon, merci beaucoup. Em biết không? - tôi nói lung tung, rõ ràng say rượu. - Em biết không, anh vừa đến Hà Nội và... anh yêu Việt Nam. Anh cảm thấy ở đây rất... thoải mái. Người Việt rất thân thiện. Em biết không, anh tin vào... đất nước này. Anh tin vào liên minh giữa Pháp và Việt Nam, giữa phương Tây và phương Đông. Nếu chúng ta có thể kết hợp trí tuệ của dân Pháp với lòng đoàn kết của dân Việt thì chúng ta có thể... thống trị cả thế giới... Bó tay, em đã đi mất rồi".

Một mặt Nicolas thích thú được đất nước này phục vụ, khoan khoái với tiện nghi mà nó mang lại, tận hưởng những cô gái Việt xinh đẹp, nhưng mặt khác anh ta từ chối hòa nhập để hiểu về nó, để thấy nó có những nét đẹp riêng và để góp sức giải quyết những vấn đề hiện tồn.

"Tôi muốn nói rằng tôi không thực sự có ý định học vất vả một ngôn ngữ mới vì tôi thấy cuộc sống của mình đầy đủ, trọn vẹn về mọi mặt rồi, và tôi có thể thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu trong đời mà không cần học hoặc biết thêm gì nữa. Vả lại, với tư cách người nước ngoài, tôi không thực sự cần biết tiếng Việt, người ta thậm chí không mong đợi tôi phải biết. Tôi luôn luôn có thể xoay xở trong mọi tình huống, với mọi người. Còn nếu không thể hiểu ý của nhau thì càng tốt, càng yên tâm. Thực tình thì việc không biết tiếng Việt mang cho tôi quyền không cần phải giải thích, biện minh vì đa số người Việt không đủ kỹ năng hoặc không đủ tự tin bàn bạc, tranh cãi bằng tiếng Anh".

"Phố Nhà Thờ" & chàng Tây viết tiểu thuyết tiếng Việt - Ảnh 5.

Marko Nikolic và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập cuốn "Phố Nhà Thờ"

Tình yêu của Nicolas với cô gái hò hẹn trên phố Nhà Thờ thất bại. Nicolas không hiểu và cảm thấy bản ngã bị tổn thương sâu sắc, anh ta đay nghiến bản thân, "mày đã bị đá". Nhưng phải đến lúc này Nicolas mới bắt đầu sống chậm lại và nhìn ra xung quanh, để nhận ra những điều chưa từng biết, để bắt đầu hổ thẹn về chính mình và nhận diện bản thân mình.

"Như theo thói quen, tôi đứng trước gương. Giờ tôi hiểu tại sao tôi hay làm thế. Tôi nhìn vào gương vì muốn nhìn thấu tâm hồn tôi, muốn biết tôi là ai, tôi là như thế nào. Tôi dồn hết tâm trí để nhìn thấu đến tận những góc kín đáo và sâu thẳm nhất bên trong tôi. Tôi muốn xuống đến tận nơi mà không ai kịp tới trước, không ai nhìn thấy trước".

Trong cả cuốn tiểu thuyết Marko phô diễn một lối văn rất hoạt, tự nhiên, đầy màu sắc, không thiếu hài hước, cuốn người đọc vào cuộc hành trình tìm kiếm bản thân đầy sôi động của anh ta, trong đó tình yêu chỉ là một phần trên cuộc hành trình ấy.

*

Chúng ta đã từng biết Joe Ruelle người Canada viết tản văn bằng tiếng Việt, Nhã Nam đã in hai cuốn "Tớ là Dâu" và "Ngược chiều vun vút" của anh năm 2013-2014. Trần Hùng John với cuốn du ký "John đi tìm Hùng" năm 2013. Mới đây, tháng 3/2019 có cuốn "Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi" của Jesse Peterson - một cộng tác viên của nhiều tờ báo tiếng Việt, trình bày các suy nghĩ của anh về cuộc sống ở Việt Nam. Nhưng tiểu thuyết, ở một cấp độ khác hẳn về mặt văn chương, thì "Phố Nhà Thờ" là cuốn đầu tiên.

Những hiện tượng này cho thấy trải nghiệm ngôn ngữ của cá nhân ngày phong phú trong bối cảnh toàn cầu hóa mà văn học không nằm ngoài xu thế, nhiều người viết trẻ đã viết hoặc đang ấp ủ viết văn thẳng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, ngược lại có những người nước ngoài lại chọn viết văn bằng tiếng Việt. Việc xuất bản tiểu thuyết "Phố Nhà Thờ" không chỉ là vì nó thú vị, đấy còn là sự ghi dấu cho một hiện tượng mới mẻ trong đời sống văn học Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem