Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã về xã Nga Yên, tận mắt chứng kiến cảnh gia đình ông Công nạo hút cát rồi tập kết thành bãi để bán. Trao đổi với NTNN, ông Mai Văn Công cho biết: Đây là khu đất gia đình ông đấu thầu từ năm 2006, với diện tích 17.444m2. Sau khi đấu thầu, ông Công đào 12.000m2 để làm ao nuôi cá nước ngọt. Số diện tích còn lại, ông xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm.
Máy bơm đang hút cát dưới các ao cá nước ngọt trong trang trại ông Mai Văn Công. Ảnh: H.Đ
Ông Công lý giải, Nga Sơn là vùng đất cắt, trong quá trình nuôi cá nước ngọt, hàng năm phải nạo vét lại các lớp cát, bùn bẩn bồi lắng dưới ao rồi mới thả cá vụ mới. Trong quá trình nạo vét, do lượng cát nhiều mà ông không còn chỗ san lấp nên “mượn” khu đất đang quy hoạch làm nghĩa địa của xã Nga Trường làm bãi tập kết cát, để bán cho những người có nhu cầu san lấp mặt bằng. “Dù biết làm như vậy là sai, nhưng bề mặt diện tích đất đấu thầu của tôi không còn chỗ san lấp, nên tôi bán bớt cát cho người ta san lấp mặt bằng” - ông Công cho biết.
Sự việc trên diễn ra hàng ngày, xe chở cát ầm ầm vào, ra bãi cát trái phép của ông Công. Thế nhưng, khi phóng viên hỏi chính quyền xã Nga Yên, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Thanh cho hay: “Việc ông Công hút cát, cải tạo ao là không sai. Nhưng, việc ông Công hút cát dưới lòng ao lên, tập kết thành bãi rồi đem bán ra ngoài, tôi không nắm được”- ông Thanh nói.
Khi được hỏi về thủ tục hút cát rồi tập kết thành bãi của ông Công, vị chủ tịch UBND xã Nga Yên nói: “Việc làm của ông Công là sai. Bởi khi cải tạo, nạo vét ao phải làm đơn xin phép UBND xã. Thế nhưng, tôi chưa nhận được đơn của ông Công. Chúng tôi sẽ mời ông Công lên UBND xã để chấn chỉnh, nhắc nhở vấn đề này. Ông ấy là cán bộ mà không làm gương cho dân là không nên” - ông Thanh khảng khái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.