Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nghệ sỹ không nổi tiếng đa phần rất khổ, lương thấp dù sân khấu hào nhoáng…"

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 22/12/2022 14:09 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết của Bộ VHTTDL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng, Bộ cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn nghệ sỹ. Vì đa phần nghệ sỹ không nổi tiếng đều rất khổ, lương thấp, không có thu nhập gì.
Bình luận 0

Sáng nay (22/12) tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Năm 2022 là năm đầu tiên mà cả hệ thống chính trị triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Qua đó, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội. Bám sát các chỉ đạo, năm qua, ngành VHTTDL tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022 của ngành: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" bằng nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

“Nghệ sỹ không nổi tiếng đa phần rất khổ, lương thấp, không có thu nhập gì dù sân khấu hào nhoáng…" - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL sáng 22/12. Ảnh: Quang Tấn.

Trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.

Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm).

img
img

Hội nghị có sự tham dự của 5 Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo (xung đột Nga - Ucraina, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn, thị trường khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch, các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa còn hạn chế…) đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những nỗ lực Bộ VHTTDL trong năm 2022. Theo Phó Thủ tướng, những thành tích toàn diện của toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch rất ấn tượng. 

"Năm nay tôi rất cảm động vì Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL có sự tham gia của 5 Bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi tham dự Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL lần này là lần thứ 10 nhưng chưa năm nào được chứng kiến sự tham gia đầy đủ của các bộ ngành khác như năm nay", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng phân tích rằng, những năm qua, chúng ta nói rất nhiều đến phát triển bền vững. Và các nước đang phát triển đều mắc phải một "căn bệnh" chung đó là vì nghèo nên chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế, không để ý đến môi trường. Sau này giật mình nhìn lại thì phải mất hàng chục năm để khắc phục sự xuống cấp của môi trường. Xa hơn, chúng ta chú ý môi trường rồi, chú ý tăng trưởng kinh tế rồi mà không chú ý đến văn hóa thì cũng phải mất hàng thế hệ, thậm chí nhiều hơn để xây dựng lại.

“Nghệ sỹ không nổi tiếng đa phần rất khổ, lương thấp, không có thu nhập gì dù sân khấu hào nhoáng…" - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn. Ảnh: Quang Tấn.

"Trong nhiều văn kiện, nghị quyết, Đảng ta đã rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế phải hài hòa với văn hóa ở từng giai đoạn phát triển và gần đây Việt Nam tiên phong trong phát triển bền vững. Trong xếp loại phát triển bền vững, Việt Nam chúng ta đứng thứ 51 so với các nước trên thế giới. Môi trường, xã hội, văn hóa đều tăng bậc nhưng cũng phải nhìn thẳng sự thật là trên các văn kiện, nghị quyết của ta đều rất chú ý nhưng việc thực hiện so với mong muốn vẫn còn khoảng cách khá xa. 

Xã hội, văn hóa có 3 đặc trưng, thứ nhất, văn hóa là ngành chỉ không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Nên khi đất nước nghèo thì những ông đi xin tiền và tiêu tiền bao giờ cũng thành thứ yếu. Thứ hai, văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, không thể cấp tốc như "cháy nhà chết người". Cái tốt, ít cũng phải mất một năm mới nhìn thấy rõ kết quả, cái xấu cũng mất nhiều năm mới bộc lộ ra. Và cái xấu đã bộc lộ ra thì cũng phải mất hàng thế hệ hoặc nhiều thế hệ mới khắc phục được. Thứ ba, văn hóa là thứ ai cũng nghĩ mình biết nhưng lại nói rất sai và không bao giờ chịu hỏi chuyên gia nên có những quyết định rất sai. Lâu dần, đội ngũ chuyên gia về văn hóa không được trọng dụng, người ta cũng không tha thiết nữa, dần dần bị mai một đi.

Tôi đã hỏi rất nhiều đồng chí cấp ủy, trong đó có đồng chí phụ trách về văn hóa nhưng cũng không biết được hết về phong tục, tập quán, nếp sống của người dân… Từ lâu không chú ý, bấy lâu nay chỉ có những người làm chuyên văn hóa mới đi kêu những cái này còn bây giờ rất mừng là cả hệ thống đã vào cuộc".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2023, văn hóa cần tiếp tục lấy công làm lãi, chịu khó, tỉ mỉ, kiên trì, như phù sa bồi đắp hàng ngày, thế hệ nọ qua thế hệ kia để ra sản phẩm. Xu thế mới, tinh thần mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chúng ta phải mạnh mẽ, sáng tạo. Văn hóa là truyền thống tốt đẹp nhưng trong thời đại mọi thứ đều nhanh thì chúng ta phải mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn. Làm theo kiểu cũ cũng tốt nhưng có những việc nếu không có đổi mới cách làm thì không bao giờ làm được. 

“Nghệ sỹ không nổi tiếng đa phần rất khổ, lương thấp, không có thu nhập gì dù sân khấu hào nhoáng…" - Ảnh 5.

Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Quang Tấn.

Văn nghệ sỹ nổi tiếng còn đỡ, còn đa phần rất khổ, lương thấp, không có thu nhập gì

"Tôi nói đến chuyển đổi số, ngành văn hóa đã bắt đầu làm mạnh hơn, giờ số hóa toàn bộ di sản quốc gia, bảo vật quốc gia. Các bộ ấn kiếm cũ thời phong kiến ở nước ta là cái nhân dân muốn chiêm ngưỡng, nhưng thực tế là chưa có bảo tàng nào đủ điều kiện trưng bày, toàn để dưới hầm, nếu có số hóa thì đưa lên cho mọi người chiêm ngưỡng được. Chúng ta đã làm mộc bản triều Nguyễn, đã bắt đầu làm rồi thì cần mạnh mẽ hơn nữa trong số hóa.

Chuẩn bị các điều kiện để đầu tư các công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ. Bảo tàng không có chỗ đưa bảo vật quốc gia lên, hay có những việc đau lòng như hỏng những bức tranh vô giá trong bảo tàng, nơi trưng bày không đủ điều kiện… là những cái cần đầu tư. Đã đầu tư thì phải bài bản, đó là di sản kiến trúc chứ không phải chỉ là công năng sử dụng, muốn thế phải chuẩn bị. 5 năm nay chưa chuẩn bị xong cho việc xây dựng lại bảo tàng lịch sử, cần phải chuẩn bị tích cực hơn. Các lãnh đạo tỉnh cũng vậy, phải làm được các công trình để đời chứ đừng làm tạm bợ 20 năm sau lại phá đi.

Tiếp tục và làm mạnh hơn sự tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể. Phối hợp là điểm yếu của người Việt Nam, vẫn làm các phong trào như xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, xã hội học tập, bảo vệ an ninh tổ quốc... nhưng tôi muốn làm trong tâm thức chủ động hơn bởi đấy là văn hóa. 

Ví dụ ta cam kết mạnh mẽ bảo vệ môi trường. Bác Hồ nói "trồng cây gây rừng", giờ có phong trào xử lý rác thải, việc vận động đó Bộ VHTTDL cần vào cuộc để hình thành văn hóa trách nhiệm với cộng đồng, với thế hệ mai sau chứ không phải rác, trồng cây. Ta tự hào có nền văn hiến rực rỡ mấy ngàn năm là mồ hôi, máu và nước mắt của cha ông, giờ ta đang phát huy nó, quảng bá ra thế giới, bồi đắp phúc đức cho các thế hệ sau. Coi đó là trách nhiệm của Bộ mình, chủ động đặt vấn đề, phối hợp với các bộ ngành khác trong mọi việc.

Phải quan tâm thật sự tới giới văn nghệ sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Tại sao không đặt hàng sáng tác, đào tạo? Tại sao không làm được, không vướng tại sao không làm được?... Không làm được tức là vẫn vướng… Anh em văn nghệ sỹ một số ít nổi tiếng, thành người công chúng còn đỡ, còn đa phần sau cánh gà rất khổ, lương thấp, không có thu nhập gì dù sân khấu hào nhoáng…không thể để mãi thế này, phải nên làm thật sự.

Tinh giản biên chế, hành chính rất cần nhưng với nghệ thuật khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật, bớt được các đoàn nhưng bao nhiêu ngành nghệ thuật từ đây sẽ mai một. Tuồng khác với cải lương, khác với kịch nói, khác với ca nhạc nhẹ nhưng gộp vào đoàn 10 năm sau sẽ thấy hậu quả. Thành lập mới các đơn vị sự nghiệp mới rất khó nhưng với văn hóa phải bàn lại vì văn hóa khác.

Du lịch xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng Bí thư có nói, khai thác tổng lực trong đó dựa vào văn hóa, dựa vào con người như là điều kiện tự nhiên, nguồn lực để phát triển thì phải có các giải pháp đột phá còn cứ bình bình không làm được, cần có chính sách tốt và các bộ ngành ủng hộ".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem