Phòng, chống bão lũ ở các tỉnh miền Trung: Đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 29/11/2020 07:00 AM (GMT+7)
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, các địa phương ở miền Trung đồng quan điểm phải làm tốt công tác “4 tại chỗ” và đề nghị cần có đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp hơn, nâng cao tính dự báo, đừng để bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ.
Bình luận 0

Tại hội nghị "Thúc đẩy phục hồi sản xuất sau thiên tai ở miền Trung", diễn ra sáng 27/11 tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã thảo luận, đề xuất các giải pháp phòng, chống bão lũ cũng như hạn chế mức thiệt hại do bão lũ...

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ giữa tháng 9/2020 đến nay, 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Trung Bộ gây mưa lớn, ngập lũ trên diện rộng. Thời điểm cao nhất lũ đã khiến 317.000 hộ/1,2 triệu nhân khẩu tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam bị ngập, nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng.

Đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên phải) đến thăm, động viên người dân ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cải tạo đồng ruộng bị vùi lấp do lũ để kịp sản xuất vụ Đông – Xuân. Ảnh: Ngọc Vũ

Mưa lũ còn gây sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" năm nay chưa từng thấy trong lịch sử, là hiện tượng dị thường, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh. Mưa lũ khiến 240.872 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng, trên 22.651 ha lúa, cây trồng bị thiệt hại, 2.624 ha đất sản xuất bị vùi lấp.

Khoảng 1.526 tấn hạt giống lúa, rau màu dự trữ trong dân để chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 bị hư hỏng.

Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Trần Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, chủ động di dời, phòng tránh sớm theo phương châm "4 tại chỗ" là giải pháp cơ bản nhất.

Đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ - Ảnh 2.

Ông Trần Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, yếu tố then chốt hạn chế thiệt hại do thiên tai là thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo ông Phong, khi có thông tin về bão, lũ, chính quyền đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, phương tiện để ứng phó, cầm cự trong thời gian xảy ra thiên tai. Quan trọng hơn là phải chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

Ông Phong ví dụ trong đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, Quảng Bình đã di dời Đồn Biên phòng Cha Lo, trạm bảo vệ rừng Thác Voi, hai cụm dân cư khu vực huyện Tuyên Hoá, Quảng Ninh và một số cụm dân cư khác. Trong 6 cụm dân cư, đơn vị được di dời có đến 4 địa điểm xảy ra sạt lở.

"Nhờ di dời sớm nên tại các điểm sạt lở không xảy ra thiệt hại về người" – ông Phong nói.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những cơn bão lũ liên tiếp vừa qua đã gây hậu quả rất khủng khiếp, chứng tỏ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ - Ảnh 3.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị có đội cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, mạnh hơn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ở Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, vấn đề "4 tại chỗ" rất quan trọng, đã giải quyết được một số vấn đề cấp bách. Lực lượng cứu hộ của tỉnh, quân đội cũng góp phần giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, theo ông Bửu, những năm tiếp theo thiên tai sẽ gia tăng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu có những đội ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị tốt, hiện đại hơn để quá trình cứu hộ, cứu nạn nhanh hơn, đặc biệt là với trường hợp khẩn cấp nhằm đạt hiệu quả cao.

Ông Võ Phiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, công tác phòng, chống bão lũ trong những năm gần đây đã tốt, chủ động hơn trước rất nhiều, đặc biệt việc di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm là yếu tố then chốt.

Tuy nhiên, siêu bão số 9 vừa qua, Quảng Ngãi có hơn 400 căn nhà bị sập đổ.

Đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ - Ảnh 4.

Ông Võ Phiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị nâng cao tính dự báo, đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Phiên cho biết, hiện nay sự phát triển của công nghệ thông tin rất mạnh, có nhiều kênh dự báo mà người dân có thể tiếp cận. So sánh với các kênh quốc tế, công tác dự báo bão của Việt Nam còn chậm.

"Cơn bão đi qua rồi mà mình vẫn phát thông tin cũ. Vì vậy, tôi đề nghị công tác dự báo bão cần sát, nhanh hơn" – ông Phiên nói.

Ông Phiên mong rằng, thời gian tới, công tác dự báo sẽ nhanh, cập nhật kịp thời hơn, đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ.

Đừng để cơn bão đi qua rồi vẫn phát bản tin cũ - Ảnh 5.

Nhà dân ở Quảng Ngãi bị sập đổ sau siêu bão số 9 năm 2020. Ảnh: TL.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao phương châm "4 tại chỗ" đã phát huy vai trò, hiệu quả trong phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn thẳng vấn đề cho rằng, lực lượng ứng phó thiên tai có nhưng chưa đảm bảo, đặc biệt là tính tổ chức, trang thiết bị chuyên dụng còn yếu và thiếu, cần thường xuyên đào tạo, tập huấn kỹ năng để thích ứng tình hình mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem