Phong tục ngày Tết của người Việt khắp nơi

Thứ năm, ngày 26/01/2012 08:48 AM (GMT+7)
Mỗi làng quê Việt Nam lại có những kỳ lạ và hấp dẫn xung quanh tục lệ đón xuân song đều toát lên ước vọng, mong muốn một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn.
Bình luận 0

Tết của người Mông diễn ra đầu tháng chạp âm lịch. Ngày Tết khởi đầu bằng lễ hiến sinh gà hoặc lợn giữa đêm giao thừa và sáng mồng một Tết trong các gia đình. Cặp chân gà sẽ cho gia chủ biết trước điều lành dữ sẽ đến trong năm sau. Trong ngày Tết, có nhiều trò chơi dân gian quen thuộc như: chơi cù, ném pao, múa khèn, đua ngựa... Nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến lễ hội gầu tào (đi chơi ngoài trời). Nơi tổ chức lễ hội là một quả đồi hay bãi đất rộng để có thể tổ chức các trò chơi, biểu diễn văn nghệ, cũng là dịp cầu phúc, cầu mệnh.

 img
 Lễ hội trong dịp tết của người Hmông

Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Thái tổ chức vào đầu xuân. Lễ hội liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy nên được tổ chức lớn, tất cả mọi người trong cộng đồng náo nức tham gia.

Sắc bùa (đánh cồng) là một hình thức vui chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong dịp đón năm mới của người Mường. Người ta thành lập phường bùa khoảng 10 người, cả nam lẫn nữ để đi chúc tết làng trên xóm dưới. Toàn bộ lời ca và cách thức tiến hành của sắc bùa là những gửi gắm cầu mong cho đất đai phì nhiêu, thời tiết thuận lợi cho vụ mùa mới bội thu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ Roya Idil Adha của cộng đồng Chăm ở Nam Bộ vừa mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng, vừa mang những nét sinh hoạt đặc thù giống như ngày Tết của người Việt. Đây là dịp để các gia đình sum họp, gặp gỡ thăm viếng bà con, chúc mừng và cầu nguyện điều lành cho nhau

img
Múa trong dịp tết của người Raglai

Người Tày bắt đầu ăn Tết từ 28 tháng chạp âm lịch. Ngày Tết, không những con người được nghỉ ngơi, vui chơi mà các vật dụng như dao, rựa, cày bừa... cũng được cất vào một nơi rồi làm lễ cúng để cho chúng nghỉ ngơi, ăn Tết. Ngày Tết, tất cả người già, trẻ em, thanh niên nam nữ kéo nhau đi xem các lễ hội vui xuân như tung còn, hát lượn, múa xòe... Đặc biệt, lễ Kỳ yên cầu sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đồng tộc.

Người Giáy cũng ăn Tết theo lịch của người Kinh. Đêm giao thừa, các gia đình đều phải ra suối lấy nước về pha trà cúng tổ tiên. Vào những ngày Tết, họ dán giấy đỏ trước cửa nhà, công cụ sản xuất và đồ đạc trong gia đình để cầu cho linh hồn của đồ vật cũng khỏe mạnh, làm tốt nhiệm vụ phục vụ cho gia đình cả năm. Trong những ngày đầu xuân, người Giáy còn tổ chức lễ hội roóng poọc (xuống đồng), vừa là dịp vui chơi đầu xuân, nhưng cũng là lễ cầu trời đất, thánh thần phù hộ cho sản xuất, cho cuộc sống bản làng bình yên.

Trong ngày mồng một Tết, khách đến nhà người Dao mà đi thẳng vào bếp, chất thêm củi cho to lửa và chúc phúc cho gia chủ thì gia đình sẽ rất may mắn. Những ngày đầu năm người ta còn kiêng đánh mắng nhau, kiêng quét nhà và kiêng trẻ con đi chơi từ sáng sớm...

Bữa cơm tất niên tối 30 Tết của người Nùng không thể thiếu được món thịt vịt và người ta thường động viên nhau phải ăn kỳ hết, bởi họ quan niệm rằng vịt là con vật sui, phải ăn hết thịt vịt để tống tiễn hết cái sui của năm cũ. Sau giao thừa, phụ nữ thường đi lấy nước mới về đun uống, còn nam giới thường ra đình hoặc miếu để cúng.

img
Mâm cơm cúng giao thừa

Thời gian ăn Tết của người Cao Lan kéo dài từ khoảng 27, 28 tháng chạp đến rằm tháng Giêng. Công việc đầu tiên để đón năm mới là dọn dẹp nhà cửa và dán giấy đỏ lên cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay cối giã. Trong dịp Tết, người Cao Lan đi chúc tết họ hàng nội ngoại ở xa bằng loại bánh vắt vai làm từ bột nếp.

Trong một năm, người Sán Dìu ăn nhiều cái Tết khác nhau, mỗi cái tết có những món ăn đặc trưng riêng. Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm. Người Sán Dìu ăn chay vào ngày mùng 1. Sáng mùng 1 và mùng 2 Tết, người Sán Dìu kiêng không quét nhà và không đưa rác ra khỏi nhà. Sáng mùng 3 mới quét và cho rác vào một cái thùng hoặc sọt, thắp hương và cho vào đấy một lát bánh chưng, sau đó mang đổ vào gốc cây to trong bản. Tục này đồng bào gọi là đuổi ma đói ra khỏi nhà.

Đón Tết Nguyên Đán, người Hoa thường có tục lệ dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa ra vào, bếp, chuồng gia súc. Bàn thờ tổ tiên được dán 5 tờ giấy đỏ, còn các nơi khác chỉ dán 1-3 tờ... Đêm 30 Tết, khi làm gà cúng tất niên, người Hoa thường giữ một ít tiết để quệt lên những mảnh giấy đỏ dán ở trước cửa để xua đuổi tà ma, cầu may mắn. Trong ngày Tết, họ làm một số loại bánh như bánh khảo, bánh dợm, bánh chưng.

 img
 Múa sư tử

Người Cơ Ho ăn Tết sau Tết Nguyên Đán của người Kinh- nhô LirBông- tức Tết mừng lúa về nhà. Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình. Người ta lấy máu các con vật hiến sinh bôi lên vựa lúa, sàn kho, các cửa sổ. Tiết gà còn được giã trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ, con mối đất và cỏ gianh để bôi lên ngực, trán các thành viên trong gia đình và đồ gia dụng. Sau khi cúng kho thóc, người ta mới đi đến các gia đình để chúc tụng, ăn uống, ca hát nhảy múa... cứ thế cho hết cả tháng.

Theo Sức khỏe
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem