Ngày 8.4 Dân Việt đã có bài viết “Phú Thọ: Giấy phép hết hạn, vẫn điềm nhiên khai thác đất?” phản ánh về việc tại khu 9, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông (Phú Thọ) thời gian qua diễn ra việc khai thác đất trái phép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đường bị xuống cấp và nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Sau khi Báo điện tử Dân Việt có bài phản ánh, các cơ quan chức năng của huyện Tam Nông đã tích cực vào cuộc, đình chỉ hoạt động khai thác trái phép này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc gây thất thoát tài nguyên, trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân, tập thể nào?
Sau khi Báo điện tử Dân Việt có bài phản ánh, hoạt động khai thác đất trái phép tại xã Thọ Văn đã bị đình chỉ tạm dừng. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề, cơ quan, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc thất thoát tài nguyên này?. Ảnh Ngô Hùng
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Ngọc - Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện đã chỉ đạo xã Thọ Văn, công an, phòng Tài nguyên và Môi trường vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý.
Theo đó, nội dung phản ánh của Dân Việt là đúng sự thật. Tình trạng khai thác đất tại đây là có, hoạt động khai thác đất này diễn ra khi giấy phép đã hết thời hạn từ cuối năm 2017.
Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép, ông Ngọc cho biết, đây là lỗi hỗn hợp chứ không thuộc cơ quan nào. "Lãnh đạo huyện có 3 người mà đến 20 xã, thị trấn sao túc trực hết được. Nếu có truy trách nhiệm thì đầu tiên thuộc về chủ tịch xã" - ông Ngọc thông tin.
Ông Phan Văn Ngọc cho biết, đấy là lỗi hỗn hợp chứ không thuộc cơ quan nào, nếu có truy trách nhiệm thì đầu tiên thuộc về chủ tịch xã. Ảnh Ngô Hùng
Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Hà Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn, huyện Tam Nông lại cho biết, việc khai thác đất trước đó đã được cấp phép, xã không đủ thẩm quyền.
“Sau khi nhận được phản ánh của báo chí và lãnh đạo cấp trên, tôi đã xuống thực tế kiểm tra thì đúng là giấy phép đã hết hạn. Do xã không phải là đơn vị cấp phép khai thác, ngoài ra do vô tình không để ý nên để xảy ra tình trạng này”, ông Tấn cho biết.
Cũng theo ông Tấn, khi ông trực tiếp xuống, người quản lý việc khai thác này tên là Sáu cũng công nhận giấy phép đã hết hạn, tuy nhiên đã được sự đồng ý của anh Tài (ông Phan Đức Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông – PV) cho múc đất, san gạt nốt nên họ làm.
“Xu thế bản chất là lấy đất chở đi bán chứ không phải là cái gì đâu. Tôi cũng không biết đây là doanh nghiệp nào hay cá nhân nào khai thác cả, họ có mối “quan hệ” ra sao cũng không thể biết. Xe trọng tải lớn đi qua địa bàn xã chỉ một quãng ngắn, chúng tôi không nhận được phản ánh, còn việc họ chở đất qua các địa phương khác là việc cảnh sát giao thông”, ông Tấn nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Quốc Việt, GĐ Công ty luật Khánh Việt cho biết: “Điều 172 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc có giấy phép không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu – 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì ngoài bị phạt tiền còn bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm tù giam”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.