Phú Yên: Kiêng đẻ năm Dần nên thiếu trò vào lớp 1?

Hùng Phiên Thứ tư, ngày 07/09/2016 15:16 PM (GMT+7)
Dịp khai giảng năm nay, nhiều trường tiểu học “tiếng tăm” ở Phú Yên bỗng dưng thưa thớt học trò lớp 1… rất kỳ lạ. Tìm vào căn nguyên thì có lý do “đầu vào” cách đây 6 năm (2010) là Canh Dần!?
Bình luận 0

“Thất thoát” 1/3 trò lớp 1 

Ông Nguyễn Phát - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bạch Đằng (phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho hay: năm học trước, nhà trường có trên 70 học sinh lớp 1, được chia thành 3 lớp; thế nhưng ngày khai giảng năm nay, chỉ có 35 học sinh vào lớp 1, chia làm 2 lớp vẫn còn “non”!

“Trong nhiều lý do “hụt” trò lớp 1, có việc cách đây 6 năm, nhiều phụ huynh trên địa bàn đã tránh sinh con vào năm Dần. Thống kê của địa phương, lượng trẻ em sinh năm 2010 đã giảm gần một nửa so với hai năm liền kề. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác giảng dạy của nhà trường” - ông Phát nói.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Phương Đoan - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhân Tông (phường Phú Thạnh, Tuy Hòa) cho biết: “Năm học vừa qua, trường có 3 lớp 1 với tổng 80 học sinh; năm nay chỉ còn 2 lớp với 55 học sinh. Khảo sát của địa phương, số trẻ độ tuổi vào lớp 1 năm nay đã giảm 1/3 so với năm vừa qua. Hiệu trưởng các trường tiểu học xung quanh đây cũng than thở… bị giảm đều khoảng 1/3 số học sinh vào lớp 1! Thực tế tôi biết, rất nhiều cặp vợ chồng đã “nhịn” đẻ con vào năm Canh Dần 2010. Hiện tượng này đã gây xáo trộn, khó khăn không ít trong việc chuẩn bị bước vào năm học mới”.

img

Học trò lớp 1 trường Tiểu học Bạch Đằng (Tuy Hòa, Phú Yên). Ảnh: Hùng Phiên

Theo ông Ngô Ngọc Thư - Phó giám đốc Sở GDĐT Phú Yên, việc giảm đột biến trẻ mầm non, trò lớp 1 do “đầu vào” năm Dần là phổ biến trong nhiều năm qua, và không riêng ở tỉnh này…    

Công chức "kỹ tính" hơn nông dân?

Chị Trần Thị Th. (một cán bộ ở phường 9, Tuy Hòa) cho biết: “Vợ chồng mình cưới đầu năm 2009, lẽ ra con bé nhà mình năm nay vào lớp 1 nhưng do “nhịn” nên mới mẫu giáo lớn. Mình  không quá tin vào tướng số nhưng thấy thiên hạ tránh đẻ năm Dần, mình cũng tránh theo cho… chắc ăn. Chuyện “né Dần” quanh đây phổ biến lắm, cha mẹ hai bên cũng có nhắc nhở vợ chồng mình. Bởi họ thấy nhiều phụ nữ tuổi Dần bị “gãy gánh” tình duyên…”. 

Thế nhưng nhiều người ở vùng thuần nông xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên) cho hay, nhiều cặp vợ chồng nông dân nơi đây không quan tâm đến chuyện “né” năm Dần. Theo đại diện chính quyền xã An Cư, số lượng trẻ sinh năm 2010 tại địa phương vẫn tương đương năm 2009 và 2011.

PV liên hệ ông Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Cư số 2, thì được biết, lượng trò lớp 1 năm nay của trường vẫn giữ nguyên trên 70 em như năm trước. “Theo tôi biết, học trò vào lớp 1 các trường trong huyện này vẫn bình ổn như năm năm vừa qua. Còn trò lớp 1 ở thành phố Tuy Hòa giảm, chắc là do nhiều cán bộ, dân kinh doanh “kỹ tính” hơn nông dân nên tránh sinh con năm Dần?” - ông Hoàng nói.   

Còn bác sĩ Vũ Ngọc Dững - Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ Phú Yên cho biết, dù không có thống kê cụ thể nhưng tâm lý “né” sinh con năm Dần là có thật trong nhiều gia đình, nhiều vùng hiện nay.

“Đây là một hiện tượng mê tín, không có căn cứ khoa học, cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn kéo dài âm ỉ trong nhiều gia tộc. Vấn đề là đảm bảo sức khỏe sinh sản, nuôi dạy chu đáo thì tương lai con cái sẽ tốt đẹp. Thực tế đã chứng minh, biết bao người tuổi Dần thành đạt, hạnh phúc bình thường; vậy mà nhiều người vẫn mê muội tin vào những chuyện không đâu…!”, bác sĩ Dững cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem