Phú Yên: Ồ ạt phá rừng trồng sắn

Thứ hai, ngày 16/05/2011 16:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá sắn tăng cao đã khiến nhiều người dân Phú Yên bất chấp tất cả, đổ xô đi phá cả những vạt rừng non, những khu rừng đầu nguồn để trồng sắn.
Bình luận 0

Chưa bao giờ người trồng sắn ở Phú Yên lại vui mừng như 2 năm qua, bởi đây là thời điểm giá sắn ở mức cao nhất. Sắn tươi từ dưới 1.000 đồng/kg đã lên đến 2.400 đồng/kg.

img
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ý cuốc cỏ vạt sắn vừa mới trồng trên đồi.

Lo lợi ích trước mắt

Không chỉ cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột, sắn tươi còn phục vụ đắc lực cho các nhà máy chế biến cồn thực phẩm trong nước và một lượng lớn sắn lát khô xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá sắn tăng cao, người trồng sắn thu lợi lớn: Bình quân 1ha sắn có thể cho lãi từ 12 - 20 triệu đồng.

Sắn dễ trồng, đầu tư thấp, tiêu thụ dễ dàng là những yếu tố kích thích người nông dân đầu tư phát triển trồng loại cây này. Ông Nguyễn Văn Ý ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, giải thích: "Nếu tôi làm 1ha sắn, cộng tất cả chi phí ban đầu khoảng 10 triệu, với giá sắn khoảng 2.000 đồng/kg, năng suất thấp nhất là 15 tấn củ/ha thì tôi đã lãi 30 triệu đồng".

Theo quy hoạch phát triển cây sắn của tỉnh Phú Yên, đến năm 2015 chỉ ổn định diện tích trong khoảng 14.000ha. Tuy nhiên đến thời điểm này, diện tích sắn của tỉnh đã tăng lên rất nhanh và dự kiến cuối năm 2011 có thể sẽ lên 18.000ha, thậm chí 20.000ha. Tình trạng ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch đang diễn ra ở tất cả các xã thuộc các huyện miền núi của Phú Yên, và nó đang phá vỡ quy hoạch của nhiều loại cây trồng khác.

Ông Phạm Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: Người dân trong xã đã mở rộng diện tích sắn lên gấp 2 lần. Biết là phá vỡ quy hoạch, nhưng dân trồng trên đất nhà nước giao cho họ, chúng tôi không thể can thiệp...

Bất chấp hậu quả

TS Nguyễn Thanh Phương cho hay, trên một vùng đất, chỉ sau 3 - 4 năm trồng sắn liên tiếp, cây sắn sẽ cằn cỗi dần và khó phát triển. Các loại cây khác cũng không thể sống được trên đất đã trồng sắn lâu năm. Rễ cây sắn ngoài lấy đi các chất hữu cơ trong đất còn thải ra một loại axít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và hủy diệt các vi sinh vật có lợi cho cây trồng.

Để có đất trồng sắn, nhiều người lấn cả đồi, rừng. Cây sắn leo cả lên những vạt đồi có độ dốc 30 độ. Tại huyện Sơn Hoà, báo cáo của ngành nông nghiệp cho thấy, trung bình một tuần có từ 10-20 vụ phá rừng trồng sắn.

Người dân chủ yếu phá rừng trong khu vực rừng cấm Krông Trai và quanh lòng hồ thuỷ điện sông Ba Hạ. Nhiều vụ việc đã được ngành chức năng đưa ra xét xử nhưng tình hình này vẫn không giảm.

Theo ông Biện Minh Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên, bà con phá cả những diện tích rừng non vừa trồng vài năm hoặc rừng khoanh nuôi theo Nghị định 163 để trồng sắn. “Không tuần nào, không tháng nào lại không xảy ra tình trạng phá rừng. Cây sắn là động cơ để người ta tàn phá rừng khủng khiếp nhất tại Phú Yên hiện nay" - ông Tâm nói.

TS Nguyễn Thanh Phương (Viện Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ), thông tin thêm: Tại các tỉnh nghèo ở khu vực miền Trung, cây sắn đã phát triển với tốc độ cực nhanh. Có nhiều nơi người dân đã tự ý phá bỏ nhiều loại cây trồng như mía, chè để trồng sắn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem