Phúc thẩm “đại án” Huyền Như: Nhân viên kháng cáo đòi tiền cho ngân hàng

Nguyễn Hữu Thứ năm, ngày 18/12/2014 18:35 PM (GMT+7)
Ngày 18.12, HĐXX tiếp tục thẩm vấn hành vi Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai ngân hàng Navibank (200 tỷ đồng) và ACB (718 tỷ đồng). Tại đây, hàng loạt nhân viên của hai ngân hàng liên quan đã kháng cáo yêu cầu Vietinbank trả tiền lại cho ngân hàng mình.
Bình luận 0

Đại diện Ngân hàng Navibank yêu cầu Vietinbank chịu trách nhiệm về khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan đến Navibank. Đại diện 4 nhân viên của Navibank liên quan đến vụ án (đứng tên 200 tỷ đồng bị Như chiếm đoạt) cũng kháng cáo bản án sơ thẩm buộc Vietinbank trả tiền.

Theo hồ sơ có 18 hợp đồng tiền gửi của Navibank vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM với số tiền 500 tỷ. Trong đó có 12 hợp đồng đã tất toán với số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 6 hợp đồng chưa tất toán với số tiền 200 tỷ đồng. 6 hợp đồng tiền gửi này do 4 cá nhân của Navibank đứng tên gửi gồm: Huỳnh Linh Chi (63,3 tỷ đồng), Cao Thị Thùy Anh (27,3 tỷ đồng), Lương Thị Thủy Tiên (67,2 tỷ đồng) và Lê Thị Thu Hương (42,2 tỷ đồng).

img 
Huyền Như được dẫn giải đến phiên tòa 

 

Phát biểu trước tòa, đại diện cho 4 nhân viên của Ngân hàng Navibank cho rằng số tiền 200 tỷ là tài sản hợp pháp của họ, do đó họ yêu cầu Ngân hàng Vietinbank có trách nhiệm trả tiền chứ không phải Huyền Như trả. Nghe đến đây HĐXX hỏi: “Vậy tại sao lại yêu cầu Vietinbank trả lại cho Navibank? Tiền của cá nhân mà yêu cầu trả cho ngân hàng?”.  Câu hỏi này của HĐXX không được người đại diện trả lời.

Còn đại diện Navibank cho biết 6 hợp đồng gửi tiền của 4 nhân viên này trên 6 hợp đồng là do mối quan hệ dân sự giữa họ với Ngân hàng Vietinbank. “Vậy tại sao Navibank đòi Vietinbank trả lại?, HĐXX hỏi. Đến đây đại diện Navibank không trả lời được.

HĐXX hỏi tiếp: “ Sao Navibank không gửi trực tiếp mà phải thông qua nhân viên? Tại sao phải đi vòng?” Đại diện Navibank cho rằng khi các khoản vay liên ngân hàng thì không được ưu tiên, không an toàn nguồn vốn.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hỏi: “Vì sao Navibank kí các hợp đồng cho nhân viên vay tiền?”; “Ai đứng ra giải quyết cho các nhân viên này vay tiền?; Việc cho vay tiền thông qua chi nhánh nào ở Navibank?; Việc cho các nhân viên đứng tên vay tiền có thực hiện theo đúng quy định không?”, Đại diện Ngân hàng Navibank không trả lời được hoặc xin phép không trả lời.  

Đối với trường hợp của Ngân hàng ACB (bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỷ đồng), đại diện cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB có cùng nội kháng cáo cho rằng họ không giao dịch, không đưa bất kì giấy tờ gì cho Huyền Như, số tiền họ gửi là hợp pháp, nên buộc Ngân hàng Vietinbank phải trả lại số tiền cho Ngân hàng ACB. Đại diện Ngân hàng ACB cũng yêu cầu Ngân hàng Vietinbank trả số tiền gốc 718 tỷ và số tiền lãi của ngân hàng mình. Khi HĐXX hỏi: “Vì sao Ngân hàng ACB không dùng tiền của mình gửi trực tiếp để hưởng lãi suất 14%, phải đi lòng vòng bằng con đường ủy thác cho các nhân viên?”. Đại diện Ngân hàng ACB cho rằng thời điểm đó thì có hiện tượng nhiều ngân hàng không đủ ra khả năng chi trả cho khách hàng, nhưng vì Ngân hàng ACB muốn bảo vệ an toàn nguồn vốn nên đã ủy thác cho các nhân viên. Thực tế ngân hàng sợ bị ngân hàng khác không thanh toán tiền đúng hạn nên mới ủy thác cho nhân viên.

HĐXX cho rằng trong hợp đồng khẳng định tiền gửi ủy thác là tiền của Ngân hàng ACB. Theo HĐXX nếu đi kiện thì Ngân hàng ACB phải kiện các nhân viên này vì không làm tròn trách nhiệm trong hợp đồng ủy thác. Đại diện Ngân hàng ACB im lặng.

Sau khi thẩm vấn xong trường hợp Ngân hàng ACB, cuối giờ chiều cùng ngày HĐXX chuyển sang thẩm vấn Võ Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè). Trong ngày 19.12, HĐXX sẽ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác về các tội danh được nêu trong bản án sơ thẩm.

Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM). Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng.

Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty rồi sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân. Tổng cộng Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.

Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ... Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem