Rất nhiều điểm du xuân ở quê hút khách vì cảnh đẹp, món ăn ngon. Một quán ăn không tên, không biển hiệu ở Tứ Kỳ (Hải Dương) chuyên những món quê kiểng nổi tiếng theo cách đó. Một điều kỳ cục là, nếu thực khách không đặt trước mà tìm đến sẽ bị chủ quán... từ chối phục vụ.
Vậy cái quán với những món ăn quê, "chảnh" như vậy, lại ở nơi khuất nẻo có gì đặc biệt để người ta phải kéo nhau về ăn hào hứng đến thế?
Món ăn "khép kín"
Rất may, khi chúng tôi tìm đến, thì - để tiện cho thực khách đỡ phải hỏi đường vất vả - ông chủ quán đã treo cái biển quán Vụ Xuyên. Đó là quán ăn trong một khu vườn rộng, nằm ngay bên bờ sông Thái Bình. Đến nơi, một anh thanh niên đầu trọc ra dáng quản lý đến hỏi: "Anh chị đặt chỗ chưa?". Rồi anh mở cuốn sổ theo dõi khách cẩn thận, và bắt chúng tôi ngồi đúng vào vị trí dành cho 5 người. Giá "đồng hạng" 130.000 đồng/người, đếm đầu khách tính tiền, không hơn không kém.
Chỉ thế thôi chủ quán chẳng cần hỏi thêm gì nữa. Những món ăn được lần lượt bưng ra đến 9 món cùng với chai rượu nếp quê và nhân viên đã để sẵn luôn một đĩa chuối tráng miệng, thế là xong! Khách không phải gọi tiếng nào.
Cung cách phục vụ lạ lùng khiến chúng tôi càng tò mò vì món ăn. Và khi đã ăn rồi mới hiểu vì sao quán lại… lạ lùng đến thế. Cũng chỉ là rươi, là cua, là cá… các món ăn dân dã sông nước Hải Phòng, Hải Dương nhưng đã được các đầu bếp - cũng rất quê kiểng nơi đây - nâng tầm thành những món đặc sản khó quên.
Món súp rươi khai vị được chế biến rất khéo, rươi vẫn để nguyên con, được kết với nhau là những sợi trứng chín trắng, và nhiều loại rau gia vị khác nữa. Khi đưa vào miệng lại thấy một vị ngọt đặc trưng của các loại thực phẩm giàu đạm, bùi bùi dễ chịu, không cảm thấy ngấy hay khó ăn. Chỉ cần nhìn bát súp là biết mẻ rươi rất tươi vì tuy đã chín kỹ nhưng con rươi vẫn còn màu xanh, đỏ đặc trưng.
Đến món chả rươi có màu vàng óng bên trong đã chín kỹ xốp mềm cùng với mấy vị rau húng, rau thì là dùng với nước chấm chanh tỏi tiêu ớt, không cần đưa lên miệng đã ngửi thấy mùi thơm béo ngậy đậm đà và mùi đặc trưng của vỏ quýt. Đưa vào miệng, cảm nhận vị vừa béo lại bùi bùi khó tả.
Xong 2 món rươi lần lượt là các món gà, nộm tôm, canh cá, canh bánh đa nấu tép… Gọi thêm nữa cũng khó, mà bớt đi cũng không được. Ngoài 2 món rươi chính, ở đây còn có món độc là rươi ủ trấu, khách muốn ăn phải đặt trước 2 ngày nhà hàng mới nhận.
Nâng tầm món ăn quê
Khi chúng tôi bắt đầu thưởng thức những món ăn thì lại có một người đàn ông to béo, râu ria, dáng người chắc như thân gỗ lim ra kiểm tra từng mâm xem món ăn đã đủ chưa? Đây là ông chủ quán có tên là Nguyễn Xuân Vụ (58 tuổi). Ông Vụ phân trần: "Khách đã đặt rồi, chẳng may các cháu phục vụ sơ suất quên món nào thì nhà hàng áy náy, mà khách lại không được thưởng thức những món đã đặt, nên bao giờ tôi cũng kiểm tra kỹ từng bàn mới yên tâm".
|
Ông chủ đặc biệt Nguyễn Xuân Vụ. |
"Món quê không có nghĩa là xô bồ, cẩu thả mà chúng tôi luôn tâm niệm phải làm cho nó thành món ăn mà dù ai đi xa cũng nhớ về. Món ăn phải ngon mắt, ngon mũi, rồi mới đến ngon mồm và cuối cùng là phải ngon túi".
Ông Nguyễn Xuân Vụ
Trước khi tới đây, chúng tôi đã nghe lời đồn về bí quyết của ông chủ giữ rươi tươi để bán quanh năm. Nhưng sau khi thuyết phục ông Vụ trò chuyện mới biết đó chỉ là… đồn đại: "Để có rươi tươi hàng ngày, nhà tôi phải đặt hàng từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Người ta bảo ăn rươi phải có mùa nhưng ở các vùng cửa sông đổ ra biển ở các tỉnh từ Quảng Ninh vào đến Hà Tĩnh tháng nào cũng có nước rươi. Cứ đến con nước, tôi gom rươi lại để mua"- ông Vụ nói. Đó cũng chính là lý do khách muốn ăn phải đặt trước.
"Nhà tôi phục vụ hết công suất buổi trưa được 35 mâm, buổi chiều được 25 mâm. Tôi không nhận hơn vì phải chuẩn bị đồ ngon. Nhận ào ào khách vãng lai thì sớm muộn cũng phải bán ào ào, và như vậy vị quê ngon lành, thanh sạch không còn nữa"- ông Vụ chia sẻ. Hiện quán nhà ông có khoảng 30 nhân viên và thu nhập mỗi người khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.