Theo Tân Kinh báo, chuyện quan chức tham nhũng ở Trung Quốc hoang dâm đã không còn xa lạ. Thậm chí, người sau còn ghê gớm hơn người trước.
Mới đây, Hứa Đằng Phi, một cây bút chuyên chống tham nhũng của báo trên, đã có bài viết về nạn hoang dâm của các quan chức. Tác giả cho biết, từ sau Đại hội 18 đến nay, trong các thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) thường có nêu hành vi tham sắc của quan chức. Người thì phạm tội thông gian, người thì giao dịch quyền sắc, quan hệ tình ái không chính đáng…
Chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 7.2016, UBKTKLTW đã thông báo tin nhiều quan chức cấp tỉnh – bộ bị cùng lúc khai trừ đảng và chức vụ, như Trương Việt - nguyên Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban Chính trị - pháp luật tỉnh ủy Hà Bắc, Dương Lỗ Dự - Phó Bí thư thành ủy, Thị trưởng Tế Nam, Tô Hồng Chương - Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban Chính trị - pháp luật tỉnh ủy Liêu Ninh…
Quan bà hoang dâm Dương Hiểu Ba
Tất cả mấy cán bộ cấp cao bị thông báo kỷ luật đó đều có liên quan đến “sắc”. Trong đó, Trương Việt và Dương Lỗ Dự “chơi trò giao dịch quyền sắc, tiền sắc” (dùng quyền và tiền đổi lấy sắc – nói nôm na là cặp bồ, bao gái) , Tô Hồng Chương “giao dịch tiền sắc”. Trương Việt còn vi phạm kỷ luật sinh hoạt, “sinh hoạt sa đọa, tham lam hưởng lạc”.
Thông gian với người khác
Từ sau Đại hội 18 đến nay, trong số các quan chức bị UBKTKLTW thông báo kỷ luật, có ít nhất hơn 20 cán bộ cấp tỉnh, bộ trở lên bị ghi có hành vi “thông gian với người khác”. Trong đó, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch là những “con hổ lớn” tầm cỡ nhà nước, đều có ghi “thông gian với nhiều phụ nữ” trong thông báo.
Ngày 6.12.2014, Chu Vĩnh Khang bị xử lý kỷ luật khai trừ đảng, chuyển sang cơ quan tư pháp. Thông báo của UBKTKLTW viết: Chu Vĩnh Khang “lạm dụng chức quyền giúp thân quyến, tình nhân, bạn bè hoạt động kinh doanh kiếm lợi số tiền cực lớn”, “thông gian với nhiều phụ nữ và tiến hành giao dịch quyền sắc, tiền sắc”.
Nửa năm sau, ngày 20.7.2015, Lệnh Kế Hoạch bị khai trừ đảng và chức vụ. Thông báo của UBKTKLTW cũng nói ông ta “thông gian với nhiều phụ nữ, tiến hành giao dịch quyền sắc, tiền sắc”.
Ngoài ra, tháng 11.2014, UBKTKLTW chuyển phát thông báo của UBKTKLT tỉnh ủy Sơn Tây về việc kỷ luật Trương Tú Bình, Phó Bí thư thị ủy Tấn Trung và Thị trưởng Cao Bình Dương Hiểu Ba. Lần đầu tiên cơ quan này chính thức sử dụng cụm “thông gian với người khác” khi thông báo kỷ luật với quan chức nữ.
Có báo viết, sau khi Dương Hiểu Ba bị điều tra, chuyện bà ta “cùng lúc duy trì quan hệ tình ái trong thời gian dài với nhiều cấp trên và cấp dưới” đã trở thành đề tài bàn luận “trà dư tửu hậu” của người dân Cao Bình.
Trang web của UBKTKLTW đã hai lần giải thích về nghĩa của từ “thông gian” cho người đọc. Đó là: “hai bên nam nữ hoặc một bên đã kết hôn, nhưng tự nguyện quan hệ tình dục không chính đáng, gây nên ảnh hưởng xấu. Hành vi này về mặt khách quan phải đồng thời hội đủ 3 điều kiện: Một là, hai bên nam nữ chưa kết hôn phát sinh quan hệ tình dục không chính đáng; Hai là, quan hệ tình dục không chính đáng cần do hai bên tự nguyện với nhau; Ba là, tạo nên ảnh hưởng xấu”.
Trang web của UBKTKLTW còn giải thích cụ thể thế nào là “ảnh hưởng xấu”: hành vi thông gian gây nên ảnh hưởng xấu đến danh dự, gia đình, đơn vị của người có hành vi,
Quan chức đầu tiên bị UBKTKLTW thông báo “thông gian” là Đới Xuân Ninh, Phó Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Trung Quốc, vào tháng 6.2014. Người mới nhất là Trương Trị Quốc, Ủy viên thường vụ đảng ủy, Hiệu phó Đại học Sư phạm Đông Bắc, vào 16.10.2015. Từ đó đến nay đã 9 tháng, không thấy xuất hiện cụm từ “thông gian với người khác” trong các thông báo nữa.
Quan tham Tất Hoa
Quan hệ tình dục không chính đáng
Ngày 21.10.2015, Trung ương ĐCS Trung Quốc ấn hành “Điều lệ kỷ luật” sửa đổi, trong đó bỏ đi cách nói “thông gian” và “bao nuôi người tình” viết trong bản điều lệ cũ, mở rộng phạm vi thành “phát sinh quan hệ tình dục không chính đáng với người khác”.
Ông Tạ Xuân Đào, Chủ nhiệm Ban Đảng sử, trường Đảng Trung ương, giải thích, sau khi cách viết trên bị bỏ, mở rộng thành “phát sinh quan hệ tình dục không chính đáng với người khác”, đã làm cho diện xử lý kỷ luật rộng hơn, nghiêm hơn.
“Có một số hành vi tình dục không chính đáng có thể chỉ là vấn đề đạo đức, không vi phạm pháp luật, trước đây quá cụ thể nhưng lại có lỗ hổng khiến một số kẻ thừa cơ. Sau khi sửa đổi đã biến trói buộc mềm thành yêu cầu cứng”, ông Đào cho biết thêm.
Từ tháng 10.2015 đến nay, UBKTKLTW đã thông báo ít nhất 50 quan chức có hành vi “phát sinh quan hệ tình dục không chính đáng với người khác”. Trong đó Tất Hoa, Bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Hiệp hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hồ Nam “phát sinh quan hệ tình dục không chính đáng với nhiều phụ nữ”; Vương Kiến Bình, Phó chủ tịch Chính Hiệp thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, “lợi dụng chức quyền và quan hệ trên dưới để quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ”.
Thực tế, trước Đại hội 18, trong thông báo kỷ luật đối với các quan chức cấp tỉnh – bộ trở lên cũng đã sử dụng cụm từ này, như Bạc Hy Lai “phát sinh hoặc duy trì quan hệ tình dục không chính đáng với nhiều phụ nữ”; Vương Lập Quân “lợi dụng chức quyền phát sinh hoặc duy trì quan hệ tình dục không chính đáng với nhiều phụ nữ”.
Ngoài hành vi nhận hối lộ, bà Dương Hiểu Ba, sinh năm 1971, Chủ tịch thị xã Cao Bình, thuộc thành phố Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây còn bị cáo buộc tội thông dâm – dùng thân xác đổi lấy quyền hành. Trong 20 năm, từ một nhân viên phòng nhân sự thuộc Cơ quan Quản lý khai thác than đá Tấn Thành, bà Dương thăng tiến nhanh chóng mặt, trở thành Chủ tịch thị xã Cao Bình vào năm 2011.
Người tình cấp trên của bà Dương được cho là Tạ Khắc Mẫn – Phó giám đốc Sở Giám sát tỉnh Sơn Tây. Trong 2 năm giữ chức Chủ tịch thị xã Cao Bình, bà Dương và ông Tạ hay xuất hiện cùng nhau. Tạ Khắc Mẫn bị điều tra hồi tháng 3 năm nay và sau đó 1 tháng Dương Hiểu Ba cũng bị điều tra. Dương Hiểu Ba không phải là nữ quan tham Trung Quốc đầu tiên dính bê bối tình ái. (H.M)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.