Quảng Nam: “Lão” chùa Cầu “lâm bệnh” sau mưa, lũ

Trương Hồng Thứ ba, ngày 27/12/2016 13:31 PM (GMT+7)
Trong khi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chưa tìm ra giải pháp và thống nhất phương án cứu chùa Cầu (phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam), thì sau đợt mưa lũ mới đây “lão” chùa Cầu “lâm bệnh” nặng hơn do bị dột nước, thấm tường và hằng ngày oằn mình chịu đựng hàng ngàn lượt khách qua lại…
Bình luận 0

img

Tổng quan cảnh của chùa Cầu phố cổ Hội An đang xuống cấp. Ảnh Trương Hồng

Ngày 27.12, có mặt tại chùa Cầu, du khách cùng người dân vẫn tấp nập qua lại tham quan. Quan sát, phía bên tường ngoài của chùa Cầu những đám rêu mốc đang bám víu tạo thành một mảng màu xẫm càng tạo thêm vẻ nhăn nheo cho “lão” chùa Cầu. Nhiều chỗ trên thân chùa Cầu đã bị thấm do mưa lớn kéo dài, những điểm nứt cũ càng thêm rộng ra, phía trên nóc chùa Cầu những miếng ngói đã thấm dột chảy dài xuống thân gỗ, tránh mái càng gây thêm mục nát.

img

Tường xung quanh chùa Cầu bị nổi rêu, mốc sau đợt mưa lũ. Ảnh Trương Hồng

Còn phía bên dưới bệ gánh của chùa Cầu những thanh gỗ cũng bắt đầu oằn mình chịu đựng với những vết nứt, hư hỏng ngày càng trầm trọng hơn. Phía bên trong những tấm bia cũng bị nứt thêm, hư hỏng nặng nguy cơ nứt càng to nếu không kịp tu sửa sớm...

img

img

Những thanh gỗ bệ đỡ dưới gầm chùa Cầu đã bị hư hỏng, mục nứt gây nguy hiểm

Trước đó, để đảm bảo an toàn cho chùa Cầu, các chuyên gia đầu ngành chuyên nghiên cứu về di sản Việt Nam và Thế giới đã tổ chức hội thảo nghiên cứu, bàn luận, trao đổi xoay quanh vấn đề giải pháp trùng tu di tích Lai Viễn Kiều (tên gọi khác của chùa Cầu - di tích lịch sử được người Nhật xây dựng từ những năm đầu thế kỉ XVII).

PGS.TS Nguyễn Xuân Toản cùng Th.S Nguyễn Duy Thảo - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, hiện di tích chùa Cầu đang bị công phá ở nhiều vị trí khác nhau. Cụ thể, các mối ghép trên đầu cột A3 bị hở và nứt, chân cột B2 bị mục và xuất hiện nhiều vết nứt. Ngoài ra, hệ giằng cột B2-B3 nứt nẻ với mật độ dày đặc, máng nước và xà đỡ bị mục. Đặc biệt, dầm thép bị hoen gỉ, điểm kê chưa đảm bảo.

img

img

img

Những mảng tường, trụ, móng của chùa Cầu đã bong tróc nặng

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cũng từng nói, từ những năm 1999 chùa Cầu đang xuống cấp, dù có nhiều nhà khoa học góp ý kiến rằng phương án hạ giải (tháo dỡ) để cứu chùa Cầu, nhưng ông đã từ chối quyết liệt không cho tháo dỡ mà chọn cách tu bổ dần dần vì muốn giữ nét văn hóa, hoa văn tinh xảo như vậy mới là một di tích.

img

Tấm bia cổ trong chùa Cầu đã bị nứt và nứt nặng sau đợt mưa lũ vừa qua

Theo ông Sự, phần nào hư thì sửa, chứ đừng nên làm xáo trộn hết hoa văn của chùa Cầu đi và không thay đổi hết cái mới, nếu quyết tháo dỡ thì chùa Cầu sẽ bị chẻ ra, đã gọi là di tích thì phải giữ lại di tích. “Tôi vẫn ủng hộ phương án tháo dỡ nhưng phải có phương án cụ thể chứ không nói là làm được. Còn nếu chưa có phương án trùng tu thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, khi có giải pháp thì hãy tính đến phương án, nôn nóng thì không nên. Vội là coi như biến chùa Cầu từ thế kỷ 16 thành thế kỷ 21 thì ai ngó cho được…” - ông Sự chia sẻ.

img

img

img

Ngói bị thấm dột, nước chảy dài xuống các thân gỗ, tránh mái gây hư hỏng nặng thêm, nhiều tránh mái nhà bị hư đoạn rộng. Ảnh Trương Hồng

img

Du khách, người dân qua lại tham quan chùa Cầu trong khi “lão” đang lâm bệnh nặng. Ảnh Trương Hồng

Mới đây, để đảm bảo “tính mạng” cho “lão” chùa Cầu, UBND TP. Hội An thông báo, trong thời gian triển khai biện pháp tu bổ toàn bộ di tích, để đảm bảo an toàn của du khách và hạn chế tác động gây ảnh hưởng đến hiện trạng di tích, thành phố đã có văn bản đề nghị Trung tâm Văn hóa Thể thao và các đơn vị lữ hành khi tổ chức tham quan tại di tích Chùa Cầu có phương án điều tiết, duy trì số lượng tối đa mỗi lượt không qua 20 khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem