Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn – Đại Lộc “thay da đổi thịt” nhờ nông thôn mới
Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn – Đại Lộc “thay da đổi thịt” nhờ nông thôn mới
Trần Hậu - Trương Hồng
Thứ năm, ngày 18/11/2021 21:10 PM (GMT+7)
Là xã có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, và sự đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã “thay da đổi thịt” sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: Xã Đại Sơn với đặc thù địa hình diện mạo tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại gặp nhiều cách trở; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp so với mặt bằng chung toàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi của người dân còn nhiều hạn chế.
Để vượt qua những khó khăn đó, xã Đại Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, từng hộ gia đình, từng người dân sinh sống trên địa bàn xã để người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng NTM.
"Mặc dù Đại Sơn đã "thay da đổi thịt" nhưng do đặc thù là xã miền núi nên địa phương còn rất nhiều khó khăn. Nhất là thu nhập của người dân, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ…. Vì vậy, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành để Đại Sơn có nguồn lực đầu tư xây dựng NTM tốt hơn trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn kiến nghị.
Việc tuyên truyền thông qua lồng ghép với các phong trào do các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện như: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; Hội Phụ nữ xã đã triển khai thực hiện nhiều mô hình cụ thể gắn với xây dựng NTM: "Hội Phụ nữ chung sức xây dựng NTM", mô hình "5 không 3 sạch"; Hội Đoàn thanh niên với phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM";...
Theo ông Trung, công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công trong xây dựng NTM. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, cách làm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM tại địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
Hàng năm địa phương luôn xây dựng các kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng tiêu chí, tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó cần nguồn lực đầu tư thì làm sau.
Bên cạnh đó, địa phương đã kiện toàn Ban quản lý Chương trình xây dựng NTM xã Đại Sơn giai đoạn (2010-2020) và định hướng đến năm 2025. Đại Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Tổ giúp việc, Ban phát triển thôn tham gia chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn xã, nhờ đó đã có sự nâng cao về nhận thức, về kinh nghiệm, nhiệt tình trong công việc và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách.
Đến nay Đại Sơn đạt 14/19 tiêu chí NTM, ước đến cuối năm 2021 đạt thêm 2 tiêu chí làcơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hộ nghèo. Còn 3 tiêu chí là thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật địa phương tiếp tục xây dựng trong thời gian đến. Phấn đấu đến năm 2023 xã Đại Sơn hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Nông thôn đổi thay nhờ NTM
Ông Trung cho biết, xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là bước đi mang tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì thế, những năm qua Đại Sơn đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Điểm sáng đáng chú ý của Đại Sơn thời gian qua là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhất là trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông.... Đến nay, đường giao thông trục xã, liên xã đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn được 11,41km/11,63 km, đạt tỷ lệ 98%; đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn 1,7km/2.02 km, đạt 85%; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện.
Việc đầu tư xây mới, mở rộng nhiều tuyến đường xã, thôn giúp cho việc lưu thông đi lại giữa các thôn ngày càng được thuận lợi hơn, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên để thực hiện về đích NTM giai đoạn 2021-2023 xã cần đầu tư và nâng cấp một số tuyến đường mới.
Đặc biệt nhân dân rất vui mừng khi được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu Hội Khách sau hơn 40 năm chờ đợi, mong ngóng. Cây cầu hình thành khớp nối giao thông giữa 3 thôn Tân Đợi, Đồng Chàm, Đầu Gò đến trung tâm xã đã giúp con em đi lại học tập thuận lợi vào mùa mưa bão, không còn cảnh phải qua đò, công trình còn góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Ngoài giao thông thì cơ sở vật chất hóa, trường học, điện, y tế… cũng được địa phương quan tâm đầu tư, đã giúp cho diện mạo nông thôn xã Đại Sơn đổi thay từng ngày.
Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, ông Lê Minh Thức – Trưởng thôn Hội Khách Đông cho biết, với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", thời gian qua nhân dân trong thôn đã đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, như sân vận động, nhà văn hóa, đường giao thông…
"Nhờ đó đường sá trong thôn bây giờ đã được bê tông hóa sạch đẹp, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; hệ thống điện, đường, cơ sở vật chất văn hóa thôn được xây dựng khang trang,… người dân trong thôn ai cũng phấn khởi", ông Thức nói.
Cùng với việc tập trung huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, xã Đại Sơn cũng chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, bền vững, nâng cao đời sống cho người dân. Nhờ đó, kinh tế thời gian qua cũng có bước khởi sắc.
Đại Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình bò sinh sản, sản xuất lúa đại trà, trồng rừng gỗ lớn… đã từng bước nâng cao thu nhập, tạo cuộc sống ổn định cho người dân.
Xã Đại Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 8.932,78ha, với 8.351,79ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.377,4ha chiếm 16,5%, đất lâm nghiệp 6973,18ha chiếm 83,5%. Phát triển kinh tế rừng đã được xã Đại Sơn xác định là ngành kinh tế trọng điểm dựa trên tiềm năng đất rừng mà xã sẵn có, số hộ tham gia trồng rừng và diện tích rừng trồng luôn tăng hàng năm. Từ lâu trồng rừng đã được xác định là không những xoá đói, giảm nghèo mà còn là mô hình để làm giàu.
Hay mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái đã và đang xây dựng ở thôn Đồng Chàm, diện tích 6,9ha với 76 hộ tham gia. Dự kiến thời gian tới khi đi vào hoạt động sẽ là dấu ấn của Đại Sơn trong phát triển kinh tế.
"Nhằm hướng đến xã NTM vào năm 2023, xã Đại Sơn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nguồn lực để đầu tư hạ tầng. Để xã cán đích đúng lộ trình, Đại Sơn sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hạ tầng phát triển hoàn thiện hơn. Gắn phát triển kinh tế với phát triển toàn diện văn hóa-xã hội; đảm bảo an sinh; phấn đấu xây dựng xã Đại Sơn ngày càng đi lên…", ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.